Quyền sở hữu của cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Giao dịch dân sự vô hiệu.
Quyền sở hữu của cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Giao dịch dân sự vô hiệu.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Em xin hỏi: Em có ông anh ở rể,có gia đình 3 năm được 2 em bé trai. Nhà vợ cũng giàu, cho mượn vốn mua 1 chiếc xe tải trị giá 500 triệu đồng (mẹ vợ đứng tên) về làm ăn rồi sẽ trả nợ dần. Đến cuối năm 2015 trả hết nợ mua xe tải, nhưng chưa sang tên vì trong khoảng thời gian đó thì vợ chồng anh cũng lục đục. Anh đưa 1 đứa con lớn 2 tuổi cùng chiếc xe tải về nội ở được 3 tháng.Mới đây ông cha vợ kiện nói anh chiếm đoạt tài sản. Xin luật sư trả lời giúp e. Em cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trong tình huống, cần xác định chủ sở hữu của chiếc xe tải. Điều 169 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"1. Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.
2. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình.
Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
3. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật."
Người chủ sở hữu của tài sản có quyền yêu cầu người đang chiếm hữu tài sản của mình trái pháp luật phải hoàn trả lại tài sản thuộc sở hữu của chủ sở hữu. Nếu một người có hành vi chiếm giữ tài sản của người khác trái pháp luật thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Để bảo vệ được quyền lợi của mình, trong tình huống, người anh rể cần phải chứng mình được rằng mình là chủ sở hữu của chiếc xe. Về bản chất, giữa người anh rể và người mẹ vợ đã xác lập một hợp đồng mua trả dần. Điều 461 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định như sau:
"1. Các bên có thể thoả thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận vật mua; bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với vật bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng vật mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thoả thuận khác."
Nếu như giữa người chủ sở hữu và người mua trả chậm không có thỏa thuận nào khác thì khi người mua trả chậm trả đủ số tiền mua xe, quyền sở hữu tài sản được chuyển giao cho người mua trả chậm. Việc mua trả dần phải được lập thành văn bản. Trong trường hợp này, người anh rể đã thanh toán đầy đủ số tiền mua xe, do đó, chiếc xe tải thuộc quyền sở hữu của người anh rể. Người anh rể phải đưa ra được bằng chứng chứng minh việc đã thanh toán đầy đủ. Sau khi người anh rể đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán, hai bên phải tiến hành việc sang tên chiếc xe tải cho người anh rể. Do đó, không có căn cứ để cho rằng người anh rể đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, giao dịch mua trả dần phải được thể hiện bằng văn bản. Điều 134 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu."
Nếu như, hai bên tham gia vào giao dịch không xác lập giao dịch bằng văn bản thì giao dịch mua trả dần trên sẽ bị vô hiệu nếu có yêu cầu của một hoặc các bên tham gia giao dịch. Nếu như không có quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố giao dịch vô hiệu thì giao dịch trên vẫn có hiệu lực.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nếu như giao dịch trên vô hiệu, Điều 137 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường."
Khi giao dịch vô hiệu, hai bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Tuy nhiên, nếu như người anh rể không chứng minh được sự tồn tại của giao dịch mua trả dần thì người anh rể hoàn toàn phải chịu trách nhiệm vì hành vi chiếm đoạt tài sản.