Quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của người định cư ở nước ngoài. Người thừa kế.
Quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của người định cư ở nước ngoài. Người thừa kế.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào quý Luật sư! Bà nội tôi có 4 người con, trong đó có 1 người (cô của tôi) đã định cư ở nước ngoài hơn 15 năm và 1 người con lớn tâm thần không ổn định (sau khi bà tôi mất thì ba tôi cùng người cô còn lại góp tiền vào nuôi dưỡng). Bà nội tôi mất hơn 6 năm và không để lại di chúc. Nay cô tôi ở bên nước ngoài về và muốn chia phần di sản của bà nội tôi sau khi mât để lại cụ thể là 1 miếng đất có căn nhà tọa lạc trên đó. Nay tôi xin quý luật sư tư vấn giùm 2 vấn đề:
– Vấn đề 1: Cô tôi ở nước ngoài có được hưởng phần di sản đó không?
– Vấn đề 2: Ba tôi có nhờ 1 văn phòng luật sư ở gần nhà tư vấn. Vị luật sư đó tư vấn là nếu ba tôi và người cô ở nước ngoài đã có đất (lúc bà nội tôi còn sống cho) thì phần di sản của bà nội tôi để lại hiện nay chỉ được chia cho 2 người còn lại chưa có đất thôi.
Vậy xin hỏi quý luật sư là trong các qui định của pháp luật hiện hành có qui định nào như thế không?
Xin chân thành cám ơn quý luật sư đã tư vấn và mong nhận được hồi âm sớm nhất. Chân thành cám ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Trong trường hợp của bạn, có thể thấy người cô của bạn là người có thời gian sinh sống và làm việc tại nước ngoài đã 16 năm thì có thể coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đồng thời thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 về người thừa kế theo pháp luật, đối tượng này theo quy định của pháp luật dân sự thì vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế. Và đối với tài sản là bất động sản, cụ thể là quyền sử dụng đất thì đối tượng này vẫn sẽ có quyền đứng tên trên giấy chứng nhận sở hữu nhà ở và thực hiện các thủ tục về giao dịch nhà ở khác, căn cứ quy định tại Điều 8 Luật nhà ở 2014 về điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở:
"1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.
2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:
a) Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này."
Có thể thấy, miếng đất và căn nhà do ông bà bạn để lại thì cả 4 người con sẽ đều có quyền hưởng phần di sản này, việc hưởng bao nhiêu sẽ do các đồng thừa kế tự thỏa thuận với nhau, nếu không tự thỏa thuận được thì có thể khởi kiện tới Tòa án yêu cầu chia di sản thừa kế, lúc đó thì số di sản này sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế. Việc luật sư tư vấn cho bạn nếu người cô này đã có đất lúc bà nội còn sống cho thì sẽ không được hưởng di sản mà đất sẽ được chia cho các đồng thừa kế còn lại là không chính xác. Việc tặng cho đất khi còn sống của ông bà bạn cho cô bạn là quyền của ông bà bạn, mối quan hệ này sẽ không liên quan gì tới việc có quyền thừa kế hay không vì quyền thừa kế phát sinh khi người có di sản thừa kế mất và các bên tiến hành mở di sản thừa kế, khi mở di sản thừa kế thì ngoài các khoản thanh toán các nghĩa vụ của người mất thì di sản còn lại sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế. Trừ trường hợp cô bạn bị rơi vào Điều 643 Bộ luật dân sự 2005 về người không được quyền hưởng di sản:
"1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
>>> Luật sư tư vấn quyền hưởng di sản thừa kế: 1900.6568
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc."