Di tặng là giao dịch tặng cho có hiệu lực sau khi người tặng cho chết (tặng cho có điều kiện phát sinh hiệu lực).
Di tặng là giao dịch tặng cho có hiệu lực sau khi người tặng cho chết (tặng cho có điều kiện phát sinh hiệu lực). Người lập di chúc có quyền định đoạt một phần di sản để di tặng cho người khác hưởng. Tương tự như giao dịch tặng cho, người được chỉ định hưởng phần di sản di tặng thường là những người có mối quan hệ thân quen trước đó, có quyền sở hữu đối với phần di sản di tặng kể từ khi nhận di sản.Điều 671 “Bộ luật dân sự năm 2015” quy định về di tặng:
“1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc. 2. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.
Theo quy định này, căn cứ phát sinh di tặng là do người lập di chúc chỉ định cho người được di tặng được hưởng di sản trong một bản di chúc có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, người được di tặng không phải là người thừa kế theo di chúc. Mặc dù họ cũng được hưởng một phần di sản của người lập di chúc giống như người thừa kế theo di chúc, nhưng họ lại không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ của người này. Đây là căn cứ xác định sự khác biệt giữa người được di tặng với người thừa kế theo di chúc. Nhưng Điều 671 không quy định cụ thể điều kiện để một người được nhận di tặng mà chỉ quy định chung: “Người lập di chúc được dành một phần tài sản để di tặng cho người khác”. Vậy “người khác” ở đây được hiểu như thế nào? Chỉ là cá nhân hay có thể bao gồm cả cơ quan, tổ chức?
Theo chúng tôi, người được di tặng có thể là cá nhân và cũng có thể là cơ quan, tổ chức. Bởi lẽ, mặc dù không quy định cụ thể “người khác” bao gồm những ai, nhưng BLDS cũng không quy định người được di tặng chỉ có thể là cá nhân.Đối tượng của di tặng có thể là bất động sản hoặc động sản.
Tóm lại, di tặng chính là sự thể hiện quyền định đoạt đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của người lập di chúc. Di tặng không có tính chất đền bù, thể hiện ý chí đơn phương của người di tặng, là một phần của di chúc để định đoạt một phần di sản thừa kế cho người thụ tặng.
>>> Luật sư
Người để lại di sản có quyền dành một phần trong số di sản để tặng cho người khác thông qua việc thể hiện ý nguyện trong di chúc. Hiệu lực của việc di tặng được xác định theo hiệu lực của di chúc. Người nhận tài sản di tặng được coi là một bên trong hợp đồng tặng cho nên họ được hưởng di sản mà không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, tuy nhiên, BLDS cũng quy định:
“Trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ của người này”.
Vì di tặng là hành vi pháp lí đơn phương nên không cần sự chấp nhận của người được di tặng, di chúc vẫn được coi là hợp pháp, nó chỉ bị thất hiệu sau khi người lập di chúc chết mà người được di tặng từ chối quyền thụ hưởng.