Ngay từ thời phong kiến thì pháp luật của nhà nước phong kiến đã có những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do quan lại gây ra, vì thế có thể nói pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước ở Việt Nam có sự hình thành từ rất sớm. Và dưới đây là quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục kiểm tra công tác bồi thường nhà nước.
Mục lục bài viết
1. Quy định về thủ tục kiểm tra công tác bồi thường nhà nước:
1.1. Trách nhiệm bồi thường nhà nước được hiểu như thế nào?
Thuật ngữ “trách nhiệm bồi thường nhà nước” tại Việt Nam hiện nay đã trở nên quen thuộc. Đến nay nó đã trở thành tên gọi của Luật riêng và là tên gọi của một chế định pháp luật nói chung điều chỉnh một loại quan hệ pháp luật dân sự đặc thù về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đó là Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước năm 2017 (hiện hành). Có thể nói, trách nhiệm bồi thường của nhà nước được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau và dưới từng góc độ thì trách nhiệm bồi thường của nhà nước lại được định nghĩa rất khác nhau. Hiện nay ở Việt Nam có khá nhiều khái niệm về trách nhiệm bồi thường nhà nước được đưa ra dưới những góc độ tiếp cận khác nhau, cụ thể như sau:
+ Thứ nhất, dưới góc độ trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thì có thể hiểu trách nhiệm bồi thường nhà nước là hậu quả pháp lý bất lợi về vật chất và tinh thần mà nhà nước phải gánh chịu do công chức cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trái pháp luật trong khi thi hành công vụ và gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho các cá nhân và tổ chức.
+ Thứ hai, dưới góc độ phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước, thì có quan điểm đưa ra rằng, trách nhiệm bồi thường nhà nước là trách nhiệm khôi phục những tổn thất về tài sản và bù đắp những tổn thất về tinh thần cũng như uy tín danh dự khi người thi hành công vụ gây thiệt hại cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình thực thi quyền lực công.
+ Thứ ba, dưới góc độ nội hàm của khái niệm pháp luật, thì có quan điểm đưa ra về khái niệm trách nhiệm bồi thường nhà nước là hệ thống quy tắc xử sự chung thể chế hóa chủ trương và đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và đảm bảo thực hiện trên cơ sở nguyên tắc thỏa thuận và bình đẳng, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước, xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ vào hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
Như vậy có thể thấy, các khái niệm về trách nhiệm bồi thường của nhà nước đưa ra ở trên dưới mọi góc độ tiếp cận khác nhau đều chỉ ra những khía cạnh hợp lý để nhận diện vấn đề trách nhiệm bồi thường nhà nước. Tuy nhiên ở mỗi khái niệm đưa ra thì có thể trách nhiệm bồi thường nhà nước được đề cập đến nhiều khía cạnh nhưng mỗi khái niệm thì lại chỉ có một khía cạnh chính. Chính vì vậy nếu chỉ nhận diện được một khía cạnh chính thì khó có thể giải quyết triệt để được vấn đề là điều chỉnh một cách hài hòa và toàn diện việc thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước.
1.2. Quy định về thủ tục kiểm tra công tác bồi thường nhà nước:
Nhìn chung thì trình tự và thủ tục kiểm tra công tác bồi thường nhà nước được tiến hành theo các bước cơ bản sau:
Bước 1: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành ra quyết định hoặc ban hành kế hoạch kiểm tra công tác bồi thường nhà nước sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Nhìn chung thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra công tác bồi thường nhà nước có thể kể đến như Cục bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp hoặc Phòng Tư pháp.
Bước 2: Tiến hành công bố quyết định hoặc kế hoạch kiểm tra công tác bồi thường nhà nước theo đúng trình tự và thủ tục do pháp luật quy định, điều này đảm bảo tính công khai và minh bạch trong quá trình kiểm tra công tác bồi thường nhà nước.
Bước 3: Các chủ thể được phân công là trưởng đoàn kiểm tra công tác bồi thường nhà nước sẽ tiến hành đề nghị đối tượng kiểm tra để báo cáo về nội dung kiểm tra cũng như cung cấp các thông tin và tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm tra nên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối tượng kiểm tra cần có trách nhiệm giải trình và làm rõ những vấn đề mà đoàn kiểm tra yêu cầu trong thời hạn luật định.
Bước 4: Trong thời hạn 10 ngày được tính kể từ ngày kết thúc kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra công tác bồi thường nhà nước sẽ tiến hành lập báo cáo kết quả kiểm tra trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành xem xét.
Bước 5: Trong thời hạn năm ngày làm việc được tính kể từ ngày báo cáo kết luận kiểm tra công tác bồi thường nhà nước được phê duyệt thì cơ quan đã ra quyết định hoặc ban hành kế hoạch kiểm tra công tác bồi thường nhà nước đó phải đưa ra kết luận kiểm tra cuối cùng. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý, trong trường hợp đoàn kiểm tra phát hiện ra những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng được kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra sẽ có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật đó hoặc kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
2. Đối tượng được bồi thường nhà nước:
Theo quy định tại pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 vận hành, có quy định cụ thể về đối tượng được bồi thường: đó là cá nhân và tổ chức bị thiệt hại về vật chất hoặc thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Theo quy định nêu trên thì có thể suy ra hai vấn đề sau:
– Một là, người được bồi thường chỉ là cá nhân và tổ chức bị nhà nước gây thiệt hại;
– Hai là, không phải mọi cá nhân và tổ chức bị nhà nước gây thiệt hại thì đều được bồi thường, mà chỉ những trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì tổ chức và cá nhân bị thiệt hại đó mới được bồi thường.
Có thể nói, đối chiếu quy định nêu trên với các quy định khác có liên quan của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 hiện hành, thì có thể thấy quy định này không phù hợp với quy định tại Điều 5 về “quyền yêu cầu bồi thường”. Cụ thể là Điều 5 còn quy định cho 02 đối tượng được bồi thường, đó là người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết và tổ chức thừa kế quyền, nghĩa vụ của người bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại.
Bên cạnh đó, thì quy định nêu trên tạo ra sự không bình đẳng giữa những người bị thiệt hại, bởi cũng là người bị nhà nước gây thiệt hại nhưng có những người bị thiệt hại thì được nhà nước bồi thường vì trường hợp bị thiệt hại của họ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước, còn ngược lại, những người bị thiệt hại khác thì lại không được bồi thường vì trường hợp bị thiệt hại của họ không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Đây là một vấn đề cần đặt ra và cần phải sửa đổi đối với Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành.
3. Quy định về nguyên tắc bồi thường của nhà nước:
Một trong những nội dung rất quan trọng của pháp luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 hiện hành là quy định về nguyên tắc bồi thường của nhà nước, cụ thể là được ghi nhận tại Điều 4. Quy định này xác định vấn đề có tính chất xuyên suốt các nội dung của luật bao gồm: một là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của nhà nước hay nói cách khác là mối quan hệ giữa Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước với các luật khác; hai là các yêu cầu đối với việc giải quyết bồi thường; ba là các cơ chế yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường; bốn là trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại. Về yêu cầu đối với việc giải quyết bồi thường, thì Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 hiện hành quy định việc giải quyết bồi thường phải đảm bảo tính kịp thời và công bằng, bình đẳng, trung thực và đúng pháp luật cũng như phải đảm bảo sự thương lượng trong quá trình giải quyết bồi thường.
Về các cơ chế giải quyết bồi thường, thì Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 hiện hành quy định 04 cơ chế bao gồm: Giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, giải quyết bồi thường tại tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự, giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính tại tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính, hoặc giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự tại tòa án theo thủ tục tố tụng hình sự. Tuy nhiên 04 cơ chế giải quyết bồi thường này có sự áp dụng khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước. Như vậy thì so với luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước trước đây thì Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017 hiện hành, đã bỏ đi 02 cơ chế giải quyết bồi thường, đó là bỏ cơ chế giải quyết bồi thường theo quy định của bộ luật dân sự, và bỏ cơ chế giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại theo thủ tục của pháp luật về khiếu nại. Có thể nhận xét thấy, việc bỏ quy định về giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại là rất đáng tiếc vì đây là một trong những nội dung chính của quá trình giải quyết khiếu nại. Điều này sẽ khiến cho người thiếu lại gặp khó khăn hơn, bởi thay vì được giải quyết bồi thường ngay trong quá trình giải quyết khiếu nại thì họ lại phải chờ đợi sang bước tiếp theo.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước năm 2017;
– Nghị định 68/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.