Đất sử dụng cho khu công nghệ cao là một trong các loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp được quy định trong Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các quy định về quản lý và sử dụng đất khu công nghệ cao.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là khu công nghệ cao?
Khu công nghệ cao là khu kinh tế – kĩ thuật đa chức năng, có khu vực ranh giới xác định và việc thành lập khu công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Mục tiêu của việc thành lập khu công nghệ cao là nhằm góp phần xây dựng năng lực nghiên cứu – phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao của đất nước; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao trong nước và nước ngoài; thu hút vốn, công nghệ cao, đồng thời góp phần xây dựng các ngành công nghiệp công nghệ cao làm động lực phát triển kinh tế, đặc biệt đối với các vùng kinh tế trọng điểm; thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và thương mại hoá công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu – phát triển công nghệ cao với sản xuất và dịch vụ; góp phần nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ.và tăng trưởng kinh tế.
Các doanh nghiệp khu công nghệ cao là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động trong khu công nghệ cao, bao gồm doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp phát triển hạ tầng, doanh nghiệp dịch vụ công nghệ cao, doanh nghiệp dịch vụ dân sinh và công ty phát triển khu công nghệ cao.
2. Quy định về đất khu công nghệ cao:
Căn cứ khoản 1 điều 150
Đất được sử dụng cho khu công nghệ cao theo quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các loại đất có chế độ sử dụng khác nhau phục vụ kinh doanh, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao.
Việc lập quy hoạch, thành lập khu công nghệ cao sẽ được tiến hành đồng thời với việc lập quy hoạch, xây dựng nhà đất gần khu công nghệ cao gồm các khu nhà ở và công trình công cộng để phục vụ đời sống của chuyên gia và người lao động làm việc tại đây.
3. Quy định về quản lý và sử dụng đất khu công nghệ cao:
3.1. Thẩm quyền quản lý đất khu công nghệ cao:
Căn cứ khoản 2,3,4 Điều 150 Luật đất đai năm 2013 quy định về Đất khu công nghệ cao như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất khu công nghệ cao cho ban quản lý khu công nghệ cao quản lý. Ban quản lý khu công nghệ cao được cho thuê đất đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất trong khu công nghệ cao; tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của Luật đất đai năm 2013.
– Ban quản lý khu công nghệ cao có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết xây dựng của khu công nghệ cao và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất phê duyệt.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất cho Ban quản lý khu công nghệ cao để tổ chức xây dựng, phát triển khu công nghệ cao theo quy hoạch đã được phê duyệt.
3.2. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất khu công nghệ cao:
– Các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được Ban quản lý khu công nghệ cao cho thuê đất trong khu công nghệ cao giống như trường hợp được Nhà nước cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013.
– Doanh nghiệp phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghệ cao được Ban quản lý khu công nghệ cao cho thuê đất; người có nhu cầu sử dụng đất trong khu công nghệ cao được thuê lại đất của doanh nghiệp phát triển hạ tầng, doanh nghiệp phát triển khu công nghệ cao.
– Người sử dụng đất trong khu công nghệ cao phải sử dụng đất đúng mục đích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; được ghi trong hợp đồng thuê đất và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của Luật đất đai năm 2013.
Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghệ cao thì người nhận chuyển nhượng phải tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định.
– Nhà nước khuyến khích tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghệ cao và khuyến khích tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất vào mục đích phát triển khoa học và công nghệ.
3.3. Trách nhiệm quản lý đất đai của Ban Quản lý khu công nghệ cao:
Dựa theo quy hoạch đã được phê duyệt do Ban quản lý khu công nghệ cao lập Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giao đất cho Ban quản lý khu công nghệ cao để tổ chức xây dựng, phát triển khu công nghệ cao.
Căn cứ khoản 2 điều 52
Trách nhiệm quản lý đất đai của Ban Quản lý khu công nghệ cao được quy định như sau:
– Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức miễn, giảm tiền thuê đất; quyết định thu tiền thuê đất đối với từng dự án;
– Phối hợp với các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
– Thu hồi đất đã giao lại, đã cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật đất đai; người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g và i khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai. Việc xử lý tài sản gắn liền với đất, tiền thuê đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại thực hiện như đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Và thực hiện việc quản lý quỹ đất đã thu hồi đối với các trường hợp này;
– Quyết định gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn giao lại đất, cho thuê đất phù hợp với thời hạn của dự án đầu tư; quyết định giao lại đất không thu tiền sử dụng đất đối với người sử dụng đất trong khu công nghệ cao thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật đất đai.
– Quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai tại khu công nghệ cao;
– Gửi quyết định giao lại đất, gia hạn sử dụng đất, cho thuê đất,trích đo địa chính khu đất hoặc trích lục bản đồ địa chính đến Văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký vào hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đối với khu công nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 và do trung ương quản lý thì Ban Quản lý khu công nghệ cao có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất như sau:
– Thực hiện các công việc quản lý, sử dụng như trên trừ việc trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức miễn, giảm tiền thuê đất; quyết định thu tiền thuê đất đối với từng dự án; Ngoài ra, ban quản lý khu công nghệ cao được tiếp tục thực hiện quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
– Quyết định giá đất cụ thể dựa trên phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để làm cơ sở tính tiền thuê đất khi tiến hành cho thuê đất trong khu công nghệ cao nhưng giá đất cụ thể phải cao hơn hoặc bằng giá đất trong Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;
– Quyết định tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất, hệ số điều chỉnh giá đất và quyết định số tiền thuê đất được miễn, giảm đối với từng dự án theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ;
– Xác định số tiền thuê đất khu công nghệ cao phải nộp và ra thông báo tiền thuê đất cho người thuê đất theo quy định.
Đối với khu công nghệ cao do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì việc quản lý, sử dụng đất thực hiện như sau:
– Việc quản lý, sử dụng đất theo quy định tại Điều 150 của Luật đất đai, khoản 1 và khoản 2 Điều này;
Được tiếp tục thực hiện theo quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của luật Đất đai;
– Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai.