Hưởng thừa kế là người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế và nhận di sản thừa kế do người chết để lại. Vậy theo quy định của pháp luật, các trường hợp nào không được hưởng thừa kế? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề.
Mục lục bài viết
1. Quyền lợi pháp lý của người được hưởng thừa kế:
Người hưởng thừa kế là người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế và nhận di sản thừa kế do người chết để lại.
Người hưởng thừa kế thường là các chủ thể có quan hệ gắn bó mật thiết, gần gũi với người để lại di sản thừa kế. Quan hệ gắn bó ở đây có thể là quan hệ ràng buộc về mặt pháp luật hoặc huyết thống giữa người để lại di sản thừa kế và người nhận di sản thừa kế.
Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Người được hưởng thừa kế là người được nhận di sản thừa kế do người chết để lại dựa vào nội dung của di chúc hoặc theo pháp luật. Về cơ bản, người hưởng thừa kế có quyền lợi pháp lý sau đây:
– Người hưởng thừa kế sẽ được hưởng phần tài sản do người chết để lại. Khi người để lại di sản thừa kế chết, nếu thuộc đối tượng được thừa hưởng di sản thừa kế, các cá nhân sẽ được phân chia và hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người để lại di sản lập di chúc, thì người hưởng thừa kế sẽ được nhận phần tài sản theo ý chí mà người lập thể hiện. Nếu người để lại di sản chết mà không làm di chúc (hoặc di chúc vô hiệu), các cá nhân thuộc diện được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật sẽ được hưởng di sản thừa kế.
– Quyền được hưởng di sản thừa kế của người thừa kế sẽ thuộc sự bảo hộ của pháp luật. Trong trường hợp có mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, pháp luật sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể này.
– Người hưởng thừa kế có quyền quyết định, định đoạt với tài sản thừa kế mà mình được hưởng. Trong trường hợp đồng sở hữu tài sản từ thừa kế, các chủ thể có quyền thừa kế sẽ thực hiện thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc phân chia di sản. Nếu không thỏa thuận được, các bên có quyền khởi kiện ra Tòa để được Tòa can thiệp giải quyết vấn đề này.
Có thể thấy, người hưởng thừa kế là những chủ thể có quyền và lợi ích rất lớn trong việc thừa kế di sản do người chết để lại. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, pháp luật đã đưa ra những quy tắc điều chỉnh về người thừa hưởng di sản thừa kế.
2. Quy định các trường hợp nào không được hưởng thừa kế?
2.1. Trường hợp không được hưởng thừa kế đối với thừa kế theo di chúc:
+ Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật dân sự 2015, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế; quyết định dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; giao nghĩa vụ cho người thừa kế; chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Theo quy định tại điều luật này, có thể thấy, đối với trường hợp lập di chúc, người lập di chúc có toàn quyền quyết định đối với nội dung di chúc của mình.
+ Thừa kế theo di chúc là việc các chủ thể được người lập di chúc phân định quyền hưởng di sản thừa kế. Xét trong trường hợp này, quyền được hưởng thừa kế hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí tự nguyện quyết định của người lập di chúc. Nếu di chúc không rơi vào các trường hợp vô hiệu một phần hay toàn bộ theo quy định tại Điều 643 Bộ luật dân sự 2015, thì việc phân định giải quyết di sản thừa kế sẽ phải tuân thủ theo nội dung của di chúc.
+ Theo quy định tại Khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự 2015, con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động, cha, mẹ, vợ, chồng vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Quy định về đối tượng được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nhằm hướng đến mục đích bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể này.
Tuy nhiên, Điều 621 quy định về những người không được quyền hưởng di sản. Tại đó, những chủ thể sau đây sẽ không được hưởng di sản thừa kế, kể cả có nằm trong trường hợp được hưởng di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: Chủ thể bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Như vậy, đối với thừa kế theo di chúc, những đối tượng sau đây sẽ thuộc trường hợp không được hưởng thừa kế: Bị người lập di chúc truất quyền hưởng thừa kế; nằm trong nhóm đối tượng không được hưởng di sản thừa kế.
2.2. Trường hợp không được hưởng thừa kế đối với thừa kế theo pháp luật:
Đối với thừa kế theo pháp luật, thì việc xác định các trường hợp không được hưởng thừa kế sẽ áp dụng theo quy định tại Điều 621. Theo đó, các chủ thể sau đây sẽ rơi vào trường hợp không được hưởng thừa kế:
+ Trường hợp 1: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, hành vi ngược đãi, hành hạ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản thừa kế một cách nghiêm trọng.
+ Trường hợp 2: Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Tức chủ thể này đáng lẽ phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng người đẻ lại di sản, nhưng lại vi phạm nghiêm trọng đến nghĩa vụ này. Lúc này, quyền hưởng thừa kế theo pháp luật sẽ không được hưởng.
+ Trường hợp 3: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng
+ Trường hợp 4: Các cá nhân có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che dấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Như vậy, việc phân chia di sản thừa kế, xác định đối tượng hưởng di sản thừa kế phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về các trường hợp không được hưởng thừa kế.
3. Ý nghĩa của việc đề ra các trường hợp không được hưởng thừa kế:
Quy định của pháp luật về các trường hợp không được hưởng thừa kế mà pháp luật đưa ra có các ý nghĩa cụ thể sau đây:
Quy định về trường hợp không được hưởng thừa kế giúp đảm bảo tính khách quan, công bằng trong việc xác định phân chia di sản thừa kế. Bởi tài sản này là do người chết để lại. Nếu các cá nhân có hành vi xúc phạm, gây tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và sức khỏe của người để lại di sản thì sẽ không được hưởng thừa kế.
Đây cũng là cơ sở bảo vệ người để lại di sản thừa kế, tránh trường hợp gây hấn, mâu thuẫn, xung đột, hay những hành vi vi phạm pháp luật xảy đến để tranh chấp quyền hưởng di sản.
Quy định của Nhà nước về các trường hợp không được hưởng thừa kế mang tính điều chỉnh hoạt động cho các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để duy trì tính nhân đạo; giúp công tác quản lý trật tự xã hội, quản lý pháp luật về phân chia di sản thừa kế của cơ quan Nhà nước đạt hiệu quả cao nhất.
Chính vì những ý nghĩa trên, hiện nay, việc xác định tư cách hưởng di sản thừa kế của các cá nhân luôn được quản lý thực hiện một cách chuẩn chỉnh, nghiêm minh và chặt chẽ. Đây chính là cơ sở tạo nên tính công bằng, khách quan trong việc phân định giải quyết di sản thừa kế.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.