Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
1. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử:
Điều 20 BLTTHS quy định như sau: “1. Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
2. Đối với Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”.
Điều 11 Luật tổ chức TAND năm 2002 về cơ bản cũng quy định tương tự như quy định tại Điều 20 BLTTHS.
2. Nội dung của nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử:
Qua các quy định này thì nội dung cụ thể của nguyên tắc hai cấp xét xử theo pháp luật hiện hành được hiểu như sau:
Thứ nhất, bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Xét xử sơ thẩm là cấp xét xử thứ nhất, khi xác định Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm phải căn cứ vào những quy định của pháp luật về thẩm quyền theo sự việc, thẩm quyền theo đối tượng và thẩm quyền theo lãnh thổ. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án và quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật ngay, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại một lần nữa.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai. Khi xét lại vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm không chỉ kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm mà còn xét xử lại vụ án về mặt nội dung.
Thứ ba, đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Tòa án cấp giám đốc thẩm và tái thẩm không phải là một cấp xét xử, không xét lại vụ án về mặt nội dung mà chỉ xem xét lại bản án hoặc tính hợp pháp và tính có căn cứ của các bản án và quyết định đó. Khi giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Tòa án không thực hiện chức năng xét xử mà thực hiện chức năng giám đốc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới.