Quy định về phân chia di sản thừa kế theo pháp luật? Những trường hợp thừa kế theo pháp luật? Trình tự phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật? Đã có di chúc có được chia di sản thừa kế theo pháp luật không?
Một người chết thì có hai cách hiểu theo pháp luật, thứ nhất là người đấy chết tự nhiên, thứ hai là người đó chết theo pháp lý (tòa án tuyên bố chết). Quyền sở hữu đối với tài sản của một người là tuyệt đối nên khi một cá nhân chết thì họ có quyền để lại tài sản đó cho người hưởng thừa kế, trong trường hợp họ không để lại di chúc thì tài sản họ sẽ được nhà nước phân chia theo pháp luật. Việc phân chia tài sản của họ dựa trên căn cứ mà nhà làm luật cho rằng nếu người chết có để lại di chúc thì họ sẽ được hưởng. Bài viết này mong bạn đọc sẽ hiểu được quy định của pháp luật về chia di sản thừa kế theo pháp luật theo Bộ luật dân sự năm 2015.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thừa kế theo pháp luật là gì?
- 2 2. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
- 3 3. Người thừa kế theo pháp luật:
- 4 4. Thứ tự phân chia di sản thừa kế theo pháp luật:
- 5 5. Đã có di chúc có được chia di sản thừa kế theo pháp luật không?
- 6 6. Con gái có được chia di sản thừa kế theo pháp luật không?
1. Thừa kế theo pháp luật là gì?
Di sản thừa kế hiểu một cách đơn giản là phần tài sản của người chết. Trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định cụ thể việc chia di sản thừa kế theo pháp luật trong khi người chết không để lại di chúc thì di sản của người chết được chia theo hàng thừa kế, điều kiện và theo một trình tự mà pháp luật quy định.
Các hàng thừa kế này dựa theo các mối quan hệ của người chết mà họ có thể chia phần di sản để lại trên ý chí của họ: quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng,…. Người thừa kế theo pháp luật là cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế, con sinh ra hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng phải thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Vì là thừa kế theo pháp luật nên đặt ra vấn đề là người con chưa được sinh ra đây phải có cùng huyết thống hay không, nên phải quy định thêm là thành thai trước khi người để lại di sản chết khi đấy mới chứng minh được mối quan hệ huyết thống của họ với nhau. Theo Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hay do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng và con được sinh ra không quá ba trăm ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (ly hôn, vợ hoặc chồng chết) được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
2. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp đầu tiên mà ai cũng có thể hiểu một cách đơn giản là không có di chúc. Trường hợp này cũng dễ hiểu vì không có di chúc để lại có nghĩa là người chết không có căn cứ biểu đạt ý chí của bản thân bằng văn bản hay lời nói của mình để lại khối tài sản đó cho những người thân của mình trước khi chết, mà quyền sở hữu tài sản của một người là không thể tước bỏ họ có quyền định đoạt khối tài sản của mình. Vì vậy đơn giản có thể hiểu, pháp luật có thể dự theo các mối quan hệ của họ để từ đó suy xét nếu họ có thể để lại di chúc thì ai có thể hưởng di chúc ấy. Nên trong trường hợp nếu không có di chúc, pháp luật giải quyết chia tài sản theo pháp luật.
Tiếp theo là có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp, theo quy định về hình thức của di chúc thì di chúc có hai hình thức được thành lập thành văn bản và di chúc miệng, di chúc hợp pháp được quy định cụ thể ở điều 630 Bộ luật dân sự 2015.
Pháp luật Dân sự cũng đặt ra trường hợp người được nhận di sản thừa kế (con) của người để lại di sản chết cùng thời thởi điểm hoặc chết trước người để lại di sản thừa kế thì cháu trong trường hợp này sẽ được thay vị trí của bố hoặc mẹ để hưởng phần di sản đó, chắt sẽ được hưởng phần di sản thừa kế khi cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản chết, vấn đề này được quy định tại Điều 677, Bộ luật Dân sự năm 2015: Thừa kế thế vị.
Việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật cũng đặt ra hai trường hợp đối với người thừa kế khi họ từ chối nhận di sản và không có quyền hưởng di sản thừa kế quy định tại Điều 620, 621 Bộ luật Dân sự năm 2015, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho người để lại di sản và người thừa kế.
3. Người thừa kế theo pháp luật:
Những người được pháp luật chia di sản theo hàng thừa kế quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 được gọi là thừa kế theo pháp luật, những người ở cùng hàng thừa kế với nhau sẽ được hưởng phần di sản như nhau. Nhưng không phải là di sản chia đều cho hàng thừa kế mà người ở hàng thừa kế đầu không còn ai thừa kế hoặc không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hay từ chối nhận di sản thì hàng tiếp theo sẽ được hưởng thừa kế được quy định cụ thể tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hàng thừa kế cụ thể như sau:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Những người có chung huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng, quan hệ hôn nhân gần nhất gồm có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Vì sao pháp luật lại cho những người này ở hàng thứ nhất, đơn giản vì nhà làm luật nghĩ rằng người chết có quyền và nghĩa vụ với những người này nhất, họ là những người thân ruột thịt nhất đối với người chết, nếu họ có thể để lại di chúc thì những người này phải được ưu tiên nhất.
Hàng thừa kế thứ hai được hưởng thừa kế khi mà những người ở hàng thứ nhất thuộc các trường hợp quy định nêu trên thì hàng thứ hai này sẽ được hưởng di sản bao gồm: ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người chết; cháu ruột của người để lại di sản mà người chết là ông bà nội hoặc ông bà ngoại. Về mối quan hệ huyết thống với người để lại di sản thì những người thừa kế ở hàng thứ hai này họ có mối quan hệ huyết thống xa hơn hàng thừa kế thứ nhất nhưng đồng thời cũng có mối quan hệ gần gũi nhất với hàng thứ nhất.
Hàng thừa kế thứ ba: Khi hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế từ hai không có người thừa kế thì hàng thứ ba mới được quyền thừa kế bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột,; chắt ruột của người chết mà người để lại di sản là cụ nội, cụ ngoại. Hàng thừa kế này thì quan hệ huyết thống của người chết để lại cho người thừa kế xa hơn nhiều với hàng thừa kế thứ hai và thứ nhất. Hàng thừa kế này cũng bap gồm gần hết quan hệ huyết thống họ hàng của người chết.
Ví dụ: Ông D chết không để lại di chúc, ông có tài sản riêng là một một mảnh đất 1000m2, ông có vợ và hai người con là A và B, B có một con là H, B chết trước ông D. Trong trường hợp này phần di sản của ông D sẽ được thừa kế theo pháp luật, vợ và hai người con của ông thuộc hàng thừa kế thứ nhất, họ không từ chối nhận di sản và không thuộc các trường hợp bị truất quyền hưởng phần di sản, không có quyền hưởng di sản thì sẽ được nhận thừa kế phần di sản của ông D ba phần bằng nhau. Tuy nhiên, B chết trước D nên phần di sản mà B được hưởng sẽ do H thừa kế theo pháp luật về thừa kế thế vị.
4. Thứ tự phân chia di sản thừa kế theo pháp luật:
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình chồng tôi có 3 người con: chị chồng, chồng tôi và em chồng. Chị và em chồng tôi đã có gia đình và có nhà riêng. Còn vợ chồng tôi và 2 con hiện đang ở chung nhà với bố mẹ chồng do bố mẹ chồng tôi đứng tên. Hiện bố chồng tôi đang ốm nặng mà chưa lập di chúc. Nếu không may bố chồng tôi mất mà không để lại di chúc thì ngôi nhà sẽ được phân chia theo pháp luật. Khi đó chồng tôi được hưởng 1 phần hay cả vợ chồng con cái tôi đều hưởng chung với chồng tôi? Và nếu không may sau này chồng tôi qua đời thì mẹ con tôi có được hưởng 1 phần căn nhà mà chồng tôi trước đây đã được phân chia hay không??
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, như bạn đã trình bày, ngôi nhà mà bạn đang ở do bố mẹ bạn đứng tên, như vậy đây là tài sản chung của bố mẹ bạn. Căn cứ theo Điều 66
Thứ hai, 1/2 phần di sản của bố bạn để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế. Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 về Người thừa kế theo pháp luật.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Do vậy, chồng bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được nhận một phần di sản theo quy định của pháp luật. Còn bạn và con bạn sẽ không được hưởng phần thừa kế này.
5. Đã có di chúc có được chia di sản thừa kế theo pháp luật không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có người bạn cha mẹ của họ đã ly hôn, cha người ấy có vợ và có thêm ba người con. Cha người ấy đã mất để lại di chúc cho ba người con vợ sau và không có tên người bạn tôi trong di chúc. Hỏi trong trường hợp này người đó có được chia di sản theo hàng thừa kế thứ nhất không và có được chia tài sản không?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân đối với tài sản riêng của mình và phần tài sản của mình trong tài sản chung với người khác nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Và người được hưởng thừa kế theo di chúc khi người chết có di chúc để lại và di chúc đó hợp pháp, những người có tên trong di chúc có đủ điều kiện nhận di sản thừa kế theo di chúc và họ không từ chối nhận di sản đó.
Như vậy, do bạn cung
cấp thông tin không đầy đủ về vấn đề di chúc trong trường hợp này, nên chúng tôi xin giải quyết theo các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Di chúc hợp pháp.
Điều kiện để một di chúc hợp pháp như sau:
+ Người lập di chúc: Người lập di chúc phải là người thành niên minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.
+ Nội dung di chúc: Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
+ Hình thức của bản di chúc: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Di chúc bằng văn bản bao gồm: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực; Như vậy, tùy thuộc vào loại di sản mà pháp luật quy định hình thức của di chúc, di chúc bằng văn bản không có yêu cầu công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện đã nêu ở trên.
Di chúc bằng miệng:Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
+ Nội dung của di chúc: Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản. Ngoài các nội dung trên, di chúc có thể có các nội dung khác. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
+ Hiệu lực của di chúc: Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, trong trường hợp, di chúc của người cha bạn của bạn để lại đủ các điều kiện nêu trên thì được coi là một di chúc hợp pháp và các cá nhân, tổ chức được được chỉ định tức là ba người con của vợ sau là người có quyền hưởng thừa kế và bạn của bạn sẽ không có quyền được hưởng phần di sản này.
Tuy nhiên, theo quy định Điều 644 Luật dân sự 2015 về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì nếu người bạn của bạn là con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật. Nếu di chúc có hợp pháp, có hiệu lực thì bạn của bạn sẽ không được hưởng di sản thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất, tuy nhiên, nếu bạn của bạn là người chưa thành niên hoặc người đã thành niên mà không có khả năng lao động thì được hưởng 2/3 suất thừa kế theo quy định.
Trường hợp hai: Trong trường hợp di chúc không hợp pháp hoặc những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế hoặc trong trường hợp người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản theo quy định hoặc những người đó từ chối nhận di sản thừa kế.
Nếu thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì di sản thừa kế của người cha sẽ được chia theo pháp luật. Và căn cứ theo Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định bạn của bạn cùng với ba người con của vợ sau và người vợ đó, cha/mẹ đẻ của người cha cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng di sản bằng những phần bằng nhau.
Tuy nhiên, nếu một trong các đối tượng nếu trên rơi vào các trường hợp sau đây: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì sẽ không có quyền được hưởng di sản. Vì vậy, nếu bạn của bạn thuộc các trường hợp nếu trên thì bạn của bạn sẽ bị tước quyền hưởng di sản đồng nghĩa với việc không được hưởng di sản.
6. Con gái có được chia di sản thừa kế theo pháp luật không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư Dương Gia. Gia đình tôi có 5 người gồm 2 người con trai, 3 con gái, mẹ tôi có một người con gái riêng khác cha. Cha tôi mất năm 2002, mẹ tôi mất sau đó 2 năm 2004 không có di chúc phân chia tài sản, tài sản là một mảnh vườn rộng 1647 m2 có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cha tôi, một ngôi nhà cấp 4 và cây ăn quả trong vườn. Sau khi cha mẹ tôi mất do điều kiện công tác xa nhà nên mọi tài sản trên đất đều do anh tôi quản lí và sử dụng; đến năm 2012 anh trai tôi tự ý xây dựng nhà ngay trước mặt ngôi nhà của cha mẹ tôi và các công trình trên đất mà không hỏi ý kiến của anh em trong gia đình nên việc xây dựng chúng tôi không biết, đến năm 2015 chúng họp gia đình bàn chia đất thành 5 phần nhưng anh trai không đồng ý, chỉ đồng ý chia cho 2 anh em trai, sau đó chúng tôi làm đơn nhờ chính quyền giải quyết hòa giải nhưng không thành từ đó đến nay gần 3 năm. Xin hỏi luật sư hiện nay chúng tôi làm đơn đề nghị tòa án huyện giải quyết có được không? Nếu tòa án giải quyết thì chúng tôi có đảm được bảo quyền lợi không? Trình tự thủ tục trình lên tòa án như thế nào? Mong luật sư tư vấn, xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, cha bạn và mẹ bạn mất lần lượt năm 2002 và năm 2004, nên việc chia thừa kế trong trường hợp này sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 1995, theo đó, khi cha và mẹ bạn bạn mất không có để lại di chúc nên di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của Điều 679 Bộ luật Dân sự 1995.
Theo thông tin bạn cung cấp, ba bạn có một mảnh vườn mang tên cha bạn, ngôi nhà và cây ăn quả trong vườn, năm 2002 cha bạn mất, nếu không để lại di chúc, thì phần di sản nêu trên ( trong trường hợp tất cả di sản trên đều được xác định là tài sản của ba bạn lúc còn sống) hoặc phần di sản trong khối tài sản nêu trên ( nếu phần tài sản trên được xác định là sở hữu chung của ba bạn với mẹ bạn hoặc những người khác) sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm có: ông bà nội của bạn, mẹ bạn và con ruột, nếu người con riêng của mẹ bạn có chăm sóc, nuôi dưỡng cha bạn thì vẫn được chia di sản thừa kế.
Năm 2004, mẹ bạn mất đi, không để lại di chúc nên phần di sản của mẹ bạn cũng sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, trong đó có các người con, ông bà ngoại của bạn (nếu còn sống).
Như vậy, việc anh trai bạn tự ý chiếm di sản thừa kế về phần mình là không có căn cứ, sau khi họp bàn gia đình về vấn đề phân chia di sản thừa kế nhưng không được sự đồng thuận tất cả ý kiến. Trong trường hợp này, bạn hoặc những người thừa kế khác có quyền gửi đơn khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế đến Tòa án để yêu cầu giải quyết.
Hồ sơ khởi kiện chia di sản thừa kế theo quy định của
+ Đơn khởi kiện (theo mẫu)
+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
+ Bản kê khai các di sản;
+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
+ Các giấy tờ khác: biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (Nếu có).
Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho bạn biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí và sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp.