Nhà chưa có sổ đỏ nhưng có số nhà có được nhập khẩu không? Điều kiện về chỗ ở để được nhập hộ khẩu vào thành phố mới nhất.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư cho em hỏi, em mua nhà không có số đó, số hồng nhà đất. Nhưng cô số nhà vậy cho em hỏi em có được nhập hộ khẩu riêng mình em dùng tên nhà. .em có được dùng tên một số hộ khẩu không.em chưa có giá đình. Nếu không được thì điều kiện làm sao để được nhập hộ khẩu riêng. Em xin chân thành cám ơn luật sư...
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Tại Điều 27 Luật cư trú năm 2006 quy định:
“Điều 27. Tách sổ hộ khẩu
1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Theo đó, điều kiện tách sổ hộ khẩu như sau:
+ Người có cùng chỗ ở hợp pháp có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu.
+ Người đã nhập vào sổ hộ khẩu của người khác mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu.
Nếu bạn muốn tách hộ khẩu riêng khỏi gia đình của mình để nhập khẩu riêng thì bạn cần có chỗ ở hợp pháp, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc được chủ hộ khẩu mà bạn đang trong hộ khẩu đó đồng ý cho tách khẩu thì bạn sẽ được tách nếu trước đó bạn nhập vào bởi sự đồng ý của chủ hộ. Chỗ ở hợp pháp được quy định tại khoản 1 và 3 Điều 5
“Điều 5. Nơi cư trú của công dân
1. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống.
Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố.
3. Chỗ ở hợp pháp bao gồm:
a) Nhà ở;
b) Tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân;
c) Nhà khác không thuộc Điểm a, Điểm b Khoản này nhưng được sử dụng nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.”
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, tàu thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích sinh sống, chỗ ở này có thể thuộc quyền sở hữu của bạn hoặc nếu thuộc quyền sở hữu của người khác thì được họ cho mượn, cho thuê, ở nhờ. Bạn chưa đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bạn không phải là chủ sở hữu của mảnh đất này nên không thể xác định được là bạn có chỗ ở hợp pháp để được tách khẩu. Vì điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 1 Điều 188
“Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.”
Theo đó, bên kia muốn chuyển nhượng cho bạn mảnh đất này thì cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không bị tranh chấp, còn thời hạn sử dụng và quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Bên kia chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa thể công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên cũng không thể căn cứ vào hợp đồng để xác định nơi ở hợp pháp đc. Vì các giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp được quy định theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP:
“1. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
a) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
– Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);
– Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
– Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
– Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
– Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân (trường hợp văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã). Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố trực thuộc trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;…”
Do đó, bạn chưa đủ điều kiện tách khẩu.
Nếu bạn đang ở chung nhà với bố mẹ và được bố mẹ bạn đồng ý cho mượn, cho ở nhờ bằng văn bản được công chứng, chứng thực thì bạn sẽ được tách khẩu riêng và nhập khẩu trên cùng nơi cư trú với bố mẹ bạn căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật cư trú năm 2006. Bạn sẽ nộp hồ sơ tại cơ quan công an cấp quận, huyện nơi bạn đang cư trú. Hồ sơ tách khẩu gồm:
+ Sổ hộ khẩu;
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
+ Ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật cư trú năm 2006
+ Chứng minh nhân dân/căn cước công dân.
Thời hạn giải quyết là 7 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ. Sau đó bạn làm thủ tục nhập khẩu tại địa chỉ bạn đang ở hiện nay, hồ sơ gồm:
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
+ Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp
+ Chứng minh nhân dân/căn cước công dân
Thời hạn giải quyết là 15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định.