Pháp luật đã quy định rõ các quyền của người lập di chúc tại Điều 626 Bộ Luật Dân sự 2015, tuy nhiên các quyền của người lập di chúc vẫn bị hạn chế ở một số trường hợp nhất định. Người lập di chúc bị hạn chế quyền trong những trường hợp sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Người lập di chúc bị hạn chế quyền lập di chúc trong trường hợp điều kiện để được lập di chúc:
- 2 2. Người lập di chúc bị hạn chế về quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế:
- 3 3. Người lập di chúc bị hạn chế về đối tượng được mời là người làm chứng trong di chúc:
- 4 4. Người lập di chúc bị hạn chế về quyền để lại di sản vào việc thờ cúng, di tặng:
- 5 5. Người lập di chúc bị hạn chế về quyền để lại di sản đối với những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
- 6 6. Người lập di chúc bị hạn chế về quyền để lại di sản là quyền sử dụng đất:
1. Người lập di chúc bị hạn chế quyền lập di chúc trong trường hợp điều kiện để được lập di chúc:
Để sau khi người để lại di chúc chết, tài sản được chia theo ý nguyện của người này, di chúc bắt buộc phải hợp pháp. Theo đó, điều kiện để một di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
– Về phía người lập di chúc:
+ Người này phải có tinh thần minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị cưỡng ép hay đe doạ hay lừa dối;
+ Nếu người từ đủ 15 tuổi – chưa đủ 18 tuổi: di chúc phải lập thành văn bản và được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Đồng nghĩa với việc những người này chỉ đồng ý hoặc là không đồng ý cho đối tượng lập di chúc thực hiện lập di chúc mà không được can thiệp vào nội dung của di chúc;
+ Người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ phải do người làm chứng lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực.
– Về nội dung di chúc: Không vi phạm các điều cấm của Luật, không trái đạo đức xã hội.
– Về hình thức của di chúc: Không trái quy định của pháp luật.
Do đó, không phải mọi trường hợp di chúc đều có hiệu lực và hợp pháp mà người để lại di chúc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hợp pháp nêu trên khi lập di chúc.
2. Người lập di chúc bị hạn chế về quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế:
Một trong các quyền của người lập di chúc đó chính là giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Tuy nhiên, người lập di chúc chỉ có quyền giao nghĩa vụ cho những người thừa kế trong phạm vi di sản họ được nhận, nếu vượt quá phạm vi đó thì phần vượt quá đó người thừa kế không có nghĩa vụ phải thực hiện. Tuy nhiên, người lập di chúc có thể giao cho một người thừa kế thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trường hợp này có thể xảy ra các khả năng sau:
– Giao nghĩa vụ nhưng không chỉ định di sản, thì không bắt buộc người được giao nghĩa vụ phải thực hiệ nghĩa vụ đó. Tuy nhiên, nếu người được giao thực hiện nghĩa vụ thì dùng một phần di sản để lại thanh toán nghĩa vụ đó;
– Giao nghĩa vụ và chỉ định hưởng di sản, thì người được giao nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản được hưởng;
– Giao nghĩa vụ nhưng di sản không còn, thì nghĩa vụ chấm dứt. Tuy nhiên, người được giao nghĩa vụ không từ chối việc thực hiện nghĩa vụ, thì dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ.
3. Người lập di chúc bị hạn chế về đối tượng được mời là người làm chứng trong di chúc:
Pháp luật quy định khi một người lập di chúc thì người lập di chúc có thể lựa chọn lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng, ngoài ra pháp luật cũng quy định những đối tượng khi muốn lập di chúc thì bắt buộc phải có người làm chứng đó chính là người bị hạn chế về thể chất và người không biết chữ. Khi này, người để lại di chúc phải mời người làm chứng để thực hiện việc lập di chúc của mình. Nhưng không phải đối tượng nào cũng được là người làm chứng trong di chúc của người để lại di chúc, pháp luật quy định mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
4. Người lập di chúc bị hạn chế về quyền để lại di sản vào việc thờ cúng, di tặng:
Để đảm bảo các quyền lợi cho những người có quyền tài sản liên quan đến di sản của người chết thì quyền để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng của người lập di chúc bị hạn chế trong hai trường hợp sau:
– Trường hợp thứ nhất: Toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người đó thì sẽ không được dành một phần di sản vào việc thờ cúng; đối với phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại này.
– Trường hợp thứ hai: sự định đoạt phạm vi quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, tức là nếu người lập di chúc dành một phần tài sản vào việc thờ cúng, di tặng mà số tài sản còn lại không đủ đảm bảo cho những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc hưởng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật, thì trước hết phải đảm bảo chia đủ tài sản thừa kế đúng theo pháp luật cho họ, phần còn lại mới được dùng vào việc thờ cúng, di tặng.
5. Người lập di chúc bị hạn chế về quyền để lại di sản đối với những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
Pháp luật quy định những đối tượng sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất thừa kế của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp mà họ không được người để lại di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng của người để lại di chúc;
– Con thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di chúc.
Theo nguyên tắc của pháp luật dân sự, người lập di chúc có quyền quyết định đối với tài sản của mình, tuy nhiên một số trường hợp pháp luật hạn chế quyền định đoạt của người lập di chúc nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của những người trong diện thừa kế là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống như bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên, Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Theo quy định của pháp luật, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, nếu người lập di chúc không cho hoặc truất quyền hưởng di sản của một số người thân thích (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động) hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất thì họ được hưởng một phần di sản không phụ thuộc vào ý chí của người lập di chúc. Phạm vi của người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc được hưởng phần di sản bằng ít nhất hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp người thừa kế có quyền hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận phần di sản mà pháp luật quy định cho hưởng không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì không chia cho người thừa kế đó nữa.
6. Người lập di chúc bị hạn chế về quyền để lại di sản là quyền sử dụng đất:
Vì đất đai là một loại tài sản đặc biệt, thuộc sở hữu của nhà nước và nhà nước thống nhất quản lí nên việc để lại di sản thừa kế là quyền sử dụng của loại tài sản đặc biệt này cũng có các quy định riêng. Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, theo quy định này thì các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất như sau:
– Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật;
– Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ gia đình đó có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó sẽ được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật;
– Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo những quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu như không thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo những quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.
Như vậy việc xác định một người có được phép để lại thừa kế quyền sử dụng đất hay là không thì cần phải xem xét các căn cứ xác lập quyền sử dụng đất của người đó. Cá nhân, hộ gia đình được để lại di sản thừa kế là quyền sử dụng đất nếu như được nhà nước giao, cho thuê hoặc quyền sử dụng đất đó được người khác dịch chuyển phù hợp với quy định của pháp luật.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ Luật Dân sự 2015.