Trong đại đa số các giao dịch dân sự diễn ra hàng ngày, vấn đề tài sản luôn được đặt ra và là điều mà các bên tham gia giao dịch hướng tới đạt được.
Trong đại đa số các giao dịch dân sự diễn ra hàng ngày, vấn đề tài sản luôn được đặt ra và là điều các bên tham gia giao dịch hướng tới đạt được. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có được sự thống nhất về cách quy định khái niệm tài sản. Điều 163 “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
“Bộ luật dân sự 2015” cũng đưa ra khái niệm tài sản theo hình thức liệt kê, điều này đã không đáp ứng sự thay đổi của thực tiễn cuộc sống và gây ra sự tranh cãi về một số đối tượng như: tài sản ảo trong trò chơi online, khoảng không, hệ thống khách hàng … có được coi là tài sản trong pháp luật dân sự hay không? Chính điều này đòi hỏi cơ quan lập pháp phải tiến hành sửa đổi quy định về khái niệm tài sản trong Bộ luật dân sự theo hướng khái quát hơn và đưa ra những tiêu chí để phân biệt đâu là tài sản, đâu không phải là tài sản.
Có nhiều quan điểm về vấn đề tài sản, có thể kể ra bốn quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, tài sản là đối tượng của quyền sở hữu. Như vậy, theo quan điểm này muốn hiểu tài sản là gì thì trước tiên chúng ta phải hiểu Quyền sở hữu là gì. Tuy nhiên, tại Điều 164 “Bộ luật dân sự 2015” khái niệm quyền sở hữu cũng chỉ được dưa ra theo hướng liệt kê, theo đó,
″Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật″.
Do đó, nếu áp dụng khái niệm này thì chúng ta lại bị rơi vào vòng luẩn quẩn định nghĩa tài sản thông qua một khái niệm quyền sở hữu trong khi đó bản thân khái niệm quyền sở hữu cũng chưa giải quyết được một cách triệt để, thậm chí còn là phái sinh từ khái niệm tài sản.
>>> Luật sư
Quan điểm thứ hai cho rằng, tài sản là của cải vật chất tồn tại dướidạng cụ thể, được con người sử dụng và được nhận biết bằng giác quan tiếp xúc như giường, tủ, bàn ghế, xe mô tô, tờ tiền…. Như vậy, theo quan điểm này thì chỉ những gì thuộc về thế giới vật chất, hiện đang tồn tại và chúng ta có thể cầm, lắm … được thì mới được coi là tài sản. Do đó, quyền tài sản không được coi là tài sản.
Quan điểm thứ ba cho rằng,tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Đây thực chất là một cách phân loại tài sản dựa trên tính chất vật lý không di dời được về mặt cơ học và nó cũng rơi vào vòng luẩn quẩn như quan điểm thứ nhất khi định nghĩa tài sản thông qua khái niệm bất động sản và động sản trong khi đó khái niệm bất động sản và động sản cũng chưa được làm sang tỏ và thậm chí muốn hiểu thế nào là bất động sản và động sản thì phải hiểu thế nào là động sản trước. Hơn nữa, nếu theo quan điểm này thì quyền tài sản không biết được xếp vào bất động sản hay động sản?
Quan điểm thứ tư cho rằng, tài sản là những gì định giá được. Theo chúng tôi, quan điểm trên vẫn còn những điểm chưa hợp lý vì:
Thứ nhất, tài sản là những gì định giá được có thể hiểu là tài sản là những gì trị giá được bằng tiền và tiền ở đây chỉ được hiểu là nội tệ vì ″ngoại tệ không được coi là tiền, bởi lẽ ngoại tệ không bao giờ được coi là công cụ thanh toán đa năng – một tính năng quan trọng nhất của tiền″ [1]. Như vậy, tiền sẽ được định giá bằng gì? Và nó có được coi là tài sản không?
Thứ hai, nếu cứ những gì định giá được thì được gọi là tài sản, vậy tài sản nợ – nghĩa vụ trả nợ cũng sẽ được xem là tài sản vì nó cũng có thể định giá được (cứ xem giá của nó là 0 đồng thì giá 0 đồng hoàn toàn khác với không định giá được), trong khi đó, tài sản thì có thể để lại thừa kế được còn nghĩa vụ trả nợ thì không để lại thừa kế được, trừ nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Bên cạnh các quan điểm nói trên còn rất nhiều các quan điểm của các nhà nghiên cứu khác về khái niệm tài sản. Do vậy, thiết nghĩ việc học hỏi quy định của các nước trên thế giới về vấn đề này là cần thiết để tránh việc áp dụng tùy tiện khái niệm hay bỏ sót phạm trù tài sản trên thực tế.