Nói về quyền của một chủ thể đối với tài sản sẽ bao gồm những quyền cơ bản như: quyền sở hữu, quyền hưởng dụng, quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt,...Vậy trong số những quyền này thì mối quan hệ giữa quyền hưởng dụng, quyền sở hữu tài sản được thể hiện như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về quyền hưởng dụng, quyền sở hữu tài sản:
Quyền sở hữu bao gồm ba quyền năng là quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ sở hữu. Quyền sở hữu là loại quyền trung tâm, là quyền đối với tài sản đầu tiên và có tính tuyệt đối, trọn vẹn. Chủ thể mang quyền sở hữu có toàn quyền đối với tài sản của mình từ nắm giữ, kiểm soát về phương diện vật chất, cho đến khai thác công năng kinh tế và quyết định số phận vật chất, pháp lý của tài sản đó.
Quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản là toàn bộ các quy phạm pháp luật quy định về các loại quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản và nội dung của từng loại quyền, về căn cứ phát sinh, chấm dứt các loại quyền đó, nguyên tắc thực hiện, bảo vệ, về các hạn chế mà người có quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản phải tuân thủ khi thực hiện các quyền năng của mình.
Căn cứ Điều 257 BLDS năm 2015 quy định quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Quyền này được hình thành xác lập dựa trên những quy định của pháp luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.
Theo quy định, tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu khi chấm dứt quyển hướng dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Tuy nhiên cách quy định này lại gây nhiều cách hiểu hiện nay về đối tượng của quyền hưởng dụng là vật tiêu hao hay vật không tiêu hao hoặc là cả hai, pháp luật Dân sự Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Thời điểm có hiệu lực của quyền hưởng dụng. Theo quy định của pháp luật, quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Trong BLDS năm 2015 quy định quyền hưởng dụng được xác lập thông qua sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu tài sản và bên được cấp quyền hưởng dụng đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Chủ sở hữu và người hưởng dụng được tự do thỏa thuận thể hiện ý chí, mong muốn của mình về việc xác lập quyền hưởng dụng. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp chủ sở hữu cấp quyền hưởng dụng cho người khác để cho họ hưởng dụng tài sản của mình. Việc cấp quyền hưởng dụng cho người khác có thể thông qua thoả thuận nhưng thoả thuận đó được xác lập thông qua lời nói hay thông qua văn bản thì pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với từng loại tài sản khác nhau.
Ví dụ: trong trường hợp A cấp quyền hưởng dụng cho B đối với tài sản là một chiếc ô tô bằng một thỏa thuận miệng trong thời hạn 05 năm, nhưng khi B mới sử dụng chiếc ô tô này chưa đến 2 năm thì A đôi lại chiếc xe với lý do chỉ cho mượn, chứ không phải cho quyền hưởng dụng. Vậy trong trường hợp này thì thỏa thuận miệng có thể là căn cứ xác lập quyền hưởng dụng cho B đối với chiếc xe ô tô hay không? Thỏa thuận miệng có đủ mạnh để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra? Và hậu quả pháp lý lúc này là B sẽ phải trả lại chiếc xe cho A, hay B sẽ được sử dụng tiếp cho đến khi hết thời hạn 05 năm?
Quyền hưởng dụng được xác lập dựa trên di chúc. Người lập di chúc có thể định đoạt tài sản cho một người thừa kế và để lại quyền hưởng dụng di sản cho một người khác. Ví dụ: Ông A lập di chúc để lại tài sản là một mảnh đất cho con trai là anh C nhưng vì người con còn nhỏ chưa có đủ khả năng khai thác và sử dụng mảnh đất vào mục đích sản xuất được do đó để tránh việc để mảnh đất bỏ không trong nhiều năm ông A đã để lại quyền hưởng dụng mảnh đất đó cho bà B là em gái của ông A trong thời hạn 10 năm.
Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản vì để thực hiện được việc khai thác công dụng của tài sản thì chủ thể thực hiện phải thực tế chiếm hữu nó. Tuy nhiên, nếu các bên có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác thì thời điểm xác lập quyền hưởng dụng sẽ phụ thuộc vào những sự kiện tương xứng đó. Quyền hưởng dụng đã được xác lập sẽ có hiệu lực đối với mọi cá nhân pháp nhân trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
2. Mối quan hệ giữa quyền hưởng dụng, quyền sở hữu tài sản:
Quyền hưởng dụng và quyền sở hữu tài sản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung thêm quy định về quyền hưởng dụng là một trong những điểm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể thuận lợi hơn trong việc khai thác công dụng của tài sản, phù hợp với thực tiễn.
Chủ thể của quyền hưởng dụng và quyền sở hữu tài sản là hai chủ thể tách biệt, đó là người sở hữu và người có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức của chủ sở hữu khác.
Khi phát sinh quyền hưởng dụng thì quyền của chủ sở hữu tài sản sẽ bị hạn chế, chủ sở hữu tài sản sẽ không còn đầy đủ các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản bởi phần quyền của chủ sở hữu đã chuyển qua cho người có quyền hưởng dụng các hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Phần quyền còn lại của chủ sở hữu chính là quyền định đoạt.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa quyền hưởng dụng và quyền sở hữu tài sản được thể hiện qua những điểm sau:
– Thứ nhất, là quyền hưởng dụng và quyền sở hữu có mối quan hệ tác động lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Có thể thấy khi quyền hưởng dụng phát sinh thì người hưởng dụng có quyền khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng hoặc có thể cho phép người khác sử dụng bằng cách cho thuê quyền hưởng dụng trong một thời hạn nhất định mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu. Như vậy có thể thấy ở trường hợp này người có quyền hưởng dụng sẽ chiếm hữu và sử dụng tài sản nhưng không có quyền định đoạt, mà chủ sở hữu vẫn có quyền định đoạt tài sản này. Tuy nhiên, có thể thấy quyền sở hữu trong trường hợp này đã bị hạn chế, nhưng quyền hưởng dụng là một quyền khá mạnh và có thể làm triệt tiêu đi quyền sở hữu tài sản. Chẳng hạn như trường hợp chủ sở hữu muốn bán tài sản này, nhưng tài sản này đang được một chủ thể khác có quyền hưởng dụng thì có thể rất khó để bán tài sản này. Hoặc giá trị của tài sản này khi bán sẽ giảm sút. Khi chấm dứt quyền hưởng dụng hoặc sắp hết thời hạn thì chủ sở hữu mới có thể thuận lợi bán tài sản này. Bên cạnh đó pháp luật cũng có quy định chủ sở hữu tài sản được quyền yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình. Có thể thấy chủ sở hữu tài sản vẫn có quyền tác động, ảnh hưởng nếu như người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ.
– Thứ hai, quyền hưởng dụng có thể làm hạn chế và triệt tiêu quyền sở hữu nhưng quyền sở hữu hạn chế quyền hưởng dụng mà chỉ tác động theo hướng thiết lập sự kiểm soát đối với quyền hưởng dụng. Pháp luật dân sự quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với người có quyền hưởng dụng, nhằm bảo vệ quyền của người hưởng dụng. Khi phát sinh quyền hưởng dụng, chủ sở hữu có quyền định đoạt nhưng quyền này cũng không được phép làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được thiết lập, không được thực hiện bất kỳ một hành vi nào làm cản trở, gây khó khăn cho việc thực hiện quyền của người hưởng dụng và có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người hưởng dụng theo quy định của pháp luật. Như vậy, pháp luật đang bảo vệ quyền lợi của người hưởng dụng để tránh bị chủ sở hữu xâm phạm, chủ sở hữu được quyền định đoạt tài sản nhưng không thể thực hiện được quyền gì đối với tài sản của mình khi đã thiết lập quyền hưởng dụng.
Như vậy, khi phát sinh quyền hưởng dụng thì quyền sở hữu trở thành một “khuyết quyền” và việc thực hiện các quyền năng còn lại của chủ sở hữu chỉ là quyền định đoạt đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, nhưng nếu định đoạt tài sản mà không còn quyền khai thác và hưởng lợi từ tài sản thì sẽ gặp phải những hạn chế nhất định.
3. Khi bị xâm phạm quyền sở hữu, quyền quyền hưởng dụng chủ thể có quyền cần làm gì?
Khi bị xâm phạm quyền sở hữu, quyền hưởng dụng chủ thể có thể thực hiện những biện pháp tự bảo vệ. Đó có thể là những biện pháp như thỏa thuận, thương lượng, theo dõi, áp dụng những biện pháp ngăn chặn những hành vi xâm phạm đó. Trước đó chủ sở hữu, người có quyền hưởng dụng đã có thể áp dụng những biện pháp như: cài đặt hệ thống camera, bảo mật, còi hú…
Xét ở tính khả thi của biện pháp bảo vệ quyền, phương thức “tự bảo vệ” là phương thức giản tiện, phù hợp nhất mà mỗi chủ thể có thể áp dụng đối với từng loại tài sản của mình. Việc ghi nhận “tự bảo vệ” là biện pháp đầu tiên bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, các chủ thể mang quyền trong trường hợp này được chủ động hơn rất nhiều trong việc tự đánh giá, xem xét những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản của mình, qua đó hạn chế ở mức tốt nhất sự xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ. Có thể nói, đây là biện pháp được chủ sở hữu, chủ thể quyền hưởng dụng đối với tài sản sử dụng một cách thường xuyên nhất, cũng như dễ dàng nhất. Các chủ thể mang quyền tự thực hiện việc bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong khả năng của chính họ khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như đã trình bày ở trên, khi đã sử dụng những biện pháp tự bảo vệ nhưng không giải quyết và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình chủ sở hữu, chủ thể có quyền hưởng dụng đối với tài sản có quyền sử dụng biện pháp khác mang tính hiệu quả hơn để bảo vệ mình. Theo đó chủ thể mang quyền có thể yêu cầu sự can thiệp của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác giải quyết vụ việc của đôi bên. Yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hay nói cách khác chính là khởi kiện: Kiện đòi lại tài sản, kiện yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền hưởng dụng, kiện yêu cầu đòi bồi thường, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ. Biện pháp này được đánh giá trong nhiều trường hợp đạt được hiệu quả cao hơn trong việc bảo vệ quyền của chủ sở hữu, chủ thể có quyền hưởng dụng đối với tài sản là vì nó luôn mang tính cưỡng chế nhà nước trong khi phương thức tự bảo vệ đòi hỏi sự tự nguyện từ người vi phạm quyền.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Dân sự năm 2015