Trong đời sống hiện nay việc mua bán các mặt hang trên các nền tảng xã hội, các chợ thương mại điện tử đã trở nên vô cùng quen thuộc. Bài viết này sẽ tìm hiểu những vấn đề liên quan đến thương mại điện tử và mẫu quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử.
Mục lục bài viết
1. Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử là hình thức giao dịch buôn bán thông qua Internet hay các phương tiện điện tử. Các sản phẩm đến từ các doanh nghiệp sẽ được bán thông qua website trực tuyến hay các trang thương mại điện tử.
Theo nghĩa rộng hơn thì giao dịch thương mại điện từ là sự mua, bán, trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, chính phủ hay các tổ chức bằng một phương tiện kết nối trung gian Internet.
Mặc dù hoạt động mua bán được thực hiện trên mạng nhưng việc thanh toán và giao hàng có thể thực hiện theo phương pháp truyền thống tùy theo sự lựa chọn của khách hàng.
Thương mại điện tử tiếng Anh là: “Electronic commerce”.
2. Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?
Sàn giao dịch thương mại điện tử được hiểu là website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (gọi chung là website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử). Thông qua Sàn giao dịch thương mại điện tử các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Sàn giao dịch thương mại điện tử tiếng Anh là: “Electronic Commerce Exchange”.
3. Mẫu quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————————
…….., ngày tháng năm 20..
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
WEBSITE CUNG CẤP DỊCH VỤ TMĐT [TÊN WEBSITE]
I. Nguyên tắc chung
– Nêu các mục đích và nguyên tắc của Sàn giao dịch/website.
II. Quy định chung
– Các quy định, định nghĩa, tên gọi trên Sàn giao dịch/website, phân loại thành viên trên sàn giao dịch/website, v.v…
III. Quy trình giao dịch
– Quy trình dành cho người mua hàng;
– Quy trình dành cho người bán hàng/đăng tin;
– Quy trình giao nhận vận chuyển;
– Quy trình xác nhận/hủy đơn hàng;
…
Các quy trình khác:
– Quy trình bảo hành/bảo trì sản phẩm;
– Quy trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại;
…
Đối với website Đấu giá trực tuyến cần làm rõ và tuân thủ các quy định tại Điều 48 đến Điều 51
1. Địa điểm và thời gian đấu giá. (Điều 48)
2. Thông báo đấu giá hàng hóa (Điều 49)
3. Xác định người mua hàng (Điều 50)
4. Thông báo kết quả đấu giá (Điều 51)
Lưu ý: Ban quản lý Sàn giao dịch/website TMĐT cần làm rõ các bước, có quy trình cụ thể kèm theo.
IV. Quy trình thanh toán
– Ban quản lý Sàn giao dịch/website TMĐT đưa ra các phương thức thanh toán, Thành viên có thể tham khảo và lựa chọn áp dụng nếu phù hợp.
V. Đảm bảo an toàn giao dịch
– Ban quản lý Sàn giao dịch/website TMĐT cần cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin quan trọng cần biết trước khi tham gia giao dịch thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ trên Sàn, đảm bảo Người tiêu dùng mua hàng hóa được an toàn.
– Ban quản lý Sàn giao dịch/website TMĐT đưa ra cơ chế/phương án/giải pháp bảo đảm an toàn giao dịch. Đối với Sàn giao dịch/website TMĐT có chức năng thanh toán trực tuyến, Ban quản lý sàn phải nêu rõ cơ chế bảo mật thanh toán của khách hàng, xử lý khiếu nại và đền bù thiệt hại trong trường hợp thông tin thanh toán của khách hàng qua website bị thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, di chuyển trái phép hoặc bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng.
VI. Bảo vệ thông tin cá nhân khách hàng
– Nêu rõ trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng.
– Nêu rõ cam kết bảo mật tuyệt đối theo chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của Sàn giao dịch/website TMĐT. Việc thu thập và sử dụng thông tin của mỗi khách hàng chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của khách hàng đó trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Nêu rõ khách hàng có quyền tự kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân của mình hoặc yêu cầu Sàn giao dịch/website TMĐT thực hiện việc này.
– Nêu cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc thông tin cá nhân được sử dụng sai mục đích hoặc phạm vi đã thông báo.
– Chi tiết xem tại Điều 68 đến Điều 73
VII. Quản lý thông tin xấu
– Nêu rõ trách nhiệm của thành viên sử dụng dịch vụ của Sàn giao dịch/website: ví dụ các quy định cấm liên quan đến việc đăng tải sản phẩm/dịch vụ (cần cung cấp danh sách các sản phẩm cấm giao dịch), quy định về sử dụng dịch vụ, quy định về việc cung cấp thông tin chính xác.
– Cơ chế rà soát, kiểm soát thông tin về sản phẩm/dịch vụ của Ban quản lý Sàn giao dịch/website TMĐT đối với sản phẩm/dịch vụ đăng tải trên website.
– Lưu ý: Tham khảo thêm một số hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo tại
VIII. Trách nhiệm trong trường hợp phát sinh lỗi kỹ thuật
– Trách nhiệm của Ban quản lý Sàn giao dịch/website khi có phát sinh từ lỗi kỹ thuật, lỗi đường truyền, phần mềm…
IX. Quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý website TMĐT [Tên website]
1. Quyền của Ban quản lý Sàn giao dịch/website TMĐT [Tên website]
2. Nghĩa vụ và trách nhiệm của Ban quản lý Sàn giao dịch/website [Tên website]
Lưu ý:
– Đối với các website Khuyến mại trực tuyến cần bổ sung, làm rõ:
1. Trách nhiệm của Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ khuyến mại trực tuyến (quy định tại Điều 41 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
2. Các cơ chế xử lý, nghĩa vụ giải quyết khiếu nại trong Đề án, Quy chế và bổ điều khoản này vào trong Hợp đồng dịch vụ khuyến mại (Quy định tại Điều 43 Nghị định 52/2013/NĐ-CP).
– Đối với các website Đấu giá trực tuyến cần bổ sung, làm rõ
1. Trách nhiệm của Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ Đấu giá trực tuyến (Quy định tại Điều 46 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
2. Trách nhiệm của người bán trên website đấu giá trực tuyến (Quy định tại Điều 47 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
X. Quyền và trách nhiệm thành viên tham gia Sàn giao dịch/website [Tên website]
1. Quyền của Thành viên Sàn giao dịch/website TMĐT [Tên website]
2. Nghĩa vụ của Thành viên Sàn giao dịch/website TMĐT [Tên website]
Lưu ý:
– Nếu thành viên và nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ trên sàn/website khác nhau thì cần làm rõ “Quyền và nghĩa vụ” của Nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ đó.
– Chi tiết xem thêm Điều 37, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về “Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch TMĐT”.
XI. Điều khoản áp dụng
XII. Điều khoản cam kết
Địa chỉ liên lạc chính thức của Sàn giao dịch/website TMĐT [Tên website]:
– Sàn giao dịch/Website Thương mại điện tử [Tên website]
-Công ty/Tổ chức :
– Địa chỉ:
– Tel:……………………….Fax:…………………..Email:…………………..
ĐẠI ĐIỆN CÔNG TY
CHỨC DANH
Ký và đóng dấu
4. Quy định về sàn giao dịch thương mại điện tử:
Quy chế hoạt động
– Các hoạt động giao dịch thương mại điện tử phải được thực hiện trên trang chủ website
– Hoạt động sàn thương mại điện tử phải bao gồm các nội dung: Quyền và nghĩa vụ thương nhân, tổ chứ cung cấp dịch vụ, Quyền và lợi ích người sử dụng sàn thương mại điện tử.
– Sàn thương mại điện tử phải có các chính sách rõ ràng
– Các bên liên quan có trách nhiệm rà soát và tự rà soát và phát hiện kịp thời các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch chung.
– Cần phải đưa ra các giới hạn trách nhiệm cho các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử.
– Có cơ chế khiếu nại và xử lý khiếu nại các bên liên quan
Các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi có nội dung thay đổi cần báo cho các bên liên quan ít nhất 5 ngày trước khi áp dụng để các bên có thể thích ứng kịp thời với việc thay đổi.
Với những quy định rõ ràng, có thể thấy sàn thương mại điện tử là một trong những chợ buôn bán chất lượng giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm đến người bán ở nhiều nơi khác nhau và người bán có thể tiếp cận với đa dạng khách hàng.
Điều kiện để đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử
Để có thể thành lập website phục vụ cho việc giao dịch điện tử thì cần đáp ứng yêu cầu sau:
– Có tư cách pháp nhân đồng thời có ngành nghề kinh doanh phù hợp với nội dung kinh doanh của website
– Có tên đăng ký hợp lý theo quy định
– Có quy chế hoạt động cho website phù hợp
– Các tài liệu chứng thực bản thân
– Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ trên sàn giao dịch điện tử với khách hàng.
Những hành vi cấm trong giao dịch thương mại điện tử
Bởi đây là một môi trường kinh doanh nên nhà nước ta đã có quy định về những hành vi bị cấm trong sàn giao dịch thương mại điện tử rất rõ ràng gồm:
– Đối với những hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thì các hành vi, vi phạm bao gồm:
+ Lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử để tiến hành kinh doanh các mặt hàng giả, hàng nhái, những mặt hàng bị liệt vào danh mục cấm kinh doanh
+ Lợi dụng thương mại điện tử để tiến hành huy động vốn trái phép từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, để thu lợi cho bản thân
+ Khi chưa tiến hành đăng ký hoặc được cấp phép mà tiến hành cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát , đánh giá, chứng thực
+ Khi đăng ký thành lập website thương mại điện tử mà có hành vi gian dối, không khai đúng sự thật
– Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử
+ Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;
+ Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;
+ Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
+ Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.
– Giao dịch trên website thương mại điện tử vi phạm khi:
+ Thực hiện các hành vi lừa đảo người tiêu dùng trên sàn giao dịch thương mại điện tử
+ Dùng thông tin của các cá nhân, tổ chức khác mà chưa được sự đồng ý để tiến hành các hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử
– Tấn công vào hệ điều hành của các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng phải lưu lại, trái với ý muốn của họ
Trình tự, thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử
Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ online.gov.vn. Để khai báo hồ sơ, doanh nghiệp truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và tiến hành các bước sau:
Bước 1: Doanh nghiệp đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống bằng việc cung cấp những thông tin sau:
– Tên doanh nghiệp;
– Số đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp;
– Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;
– Địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp;
– Các thông tin liên hệ.
Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, doanh nghiệp nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:
– Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, doanh nghiệp được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;
– Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung thông tin, doanh nghiệpphải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.
Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, doanh nghiệp tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký.
Bước 4: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, doanh nghiệp nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:
– Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tiếp Bước 5;
-Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó doanh nghiệp quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.
Bước 5: Sau khi nhận được thông báo xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, doanh nghiệp gửi về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin) bộ hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh (bản giấy). Doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin ở Bước 4, nếu doanh nghiệp không có phản hồi thì hồ sơ đăng ký trên hệ thống sẽ bị chấm dứt và doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký lại từ đầu. Như vậy, thời hạn để đăng ký thiết lập Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hợp lệ là 10 ngày làm việc.
Kết quả của việc đăng ký Sàn giao dịch thương mại điện tử: Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thể hiện thành biểu tượng đăng ký. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin đăng ký tương ứng của thương nhân, tổ chức tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
5. Quy chế của sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?
Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử được quy định tại Điều 38 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử như sau:
– Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử phải được thể hiện trên trang chủ của website.
– Quy chế hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử phải bao gồm các nội dung sau:
+ Quyền và nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử;
+ Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử;
+ Mô tả quy trình giao dịch đối với từng loại giao dịch có thể tiến hành trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
+ Hoạt động rà soát và thẩm quyền xử lý của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi phát hiện các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch;
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
+ Giới hạn trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong những giao dịch thực hiện trên sàn;
+ Các quy định về an toàn thông tin, quản lý thông tin trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
+ Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch tiến hành trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
+ Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 69 Nghị định này;
+ Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
+ Biện pháp xử lý vi phạm đối với những người không tuân thủ quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử.
– Khi có thay đổi về một trong các nội dung nêu trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải thông báo cho tất cả các đối tượng sử dụng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử ít nhất 5 ngày trước khi áp dụng những thay đổi đó.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.