Vệc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội thì nhà nước quy định những trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình khi có những điều kiện nhất định theo luật định. Bài viết hướng dẫn bạn soạn thảo đơn xin giảm án tử hình.
Mục lục bài viết
1. Đơn xin giảm án tử hình là gì?
Tử hình là loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, có mục đích phòng ngừa tái phạm từ phía người bị kết án một cách triệt để nhưng không có mục đích giáo dục người bị kết án vì đã tước bỏ cơ hội tái hòa nhập xã hội của họ, có khả năng đạt được hiệu quả cao trong phòng ngừa chung. Đây có thể nói là hình phạt không có khả năng khắc phục khi bị quyết định sai nên các thủ tục liên quan đến hình phạt này được quy định rất chặt chẽ.
Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định, cụ thể:
– Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, chống loài người, tội phạm chiến tranh…
– Tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người (tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi)
– Tội phạm về ma túy: tội mua bán trái phép chất ma túy…
– Tội phạm tham nhũng: tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ
Đơn xin giảm án tử hình là văn bản do người bị kết án hoặc người thân của họ lập ra và được gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét nhằm xin giảm án tử hình xuống chung thân khi có những điều kiện nhất định.
Đơn xin giảm án tử hình được lập ra để cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét những điều kiện mà người bị kết án có được để giảm án từ tử hình xuống chung thân, từ đó tạo cơ hội cho người bị kết án được cải tạo và sớm hòa nhập xã hội.
2. Mẫu đơn xin giảm án tử hình:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
————–o0o————–
…. , ngày … tháng … năm …
ĐƠN XIN GIẢM ÁN TỬ HÌNH
(V/v: Đề nghị giảm án tử hình theo nội dung bản án sơ thẩm số (1)…… ngày…/……/…….. của
– Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Kính gửi: –(2) Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án.
Tên tôi là: (3)…….. Giới tính:……..
CMND số: ……….. Ngày cấp: ………….. Tại: ………
Ngày sinh: …………
Địa chỉ thường trú: …………
Là: (4)………
Tôi xin tóm tắt sự việc như sau: (5)…………
Do đó, tôi có căn cứ để cho rằng ……….. có thể được giảm án tử hình theo quy định của pháp luật. Tôi kính mong quý Tòa án có thể xem xét cho tôi được giảm án tử hình.
Tôi xin chân thành cám ơn!
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo đơn xin giảm án tử hình:
(1) Điền các thông tin liên quan đến bản án sơ thẩm đã có hiệu lực như số bản án, ngày ra bản án, tòa án cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm, hành vi bị xét xử; trường hợp vụ án bị xét xử phúc thẩm và kết án tử hình thì ghi theo bản án phúc thẩm.
(2) Đề gửi người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án tử hình ở đây là Chánh án tòa án cấp sơ thẩm.
+ Trường hợp một người bị kết án tử hình mà lại bị xét xử về một tội phạm mới tại một Tòa án khác (tội phạm mới có thể được thực hiện trước hoặc sau khi bị kết án tử hình), nhưng bị xử phạt với mức hình phạt không phải là tử hình (dù tổng hợp hình phạt chung cho các bản án là tử hình) thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án là Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm về tội phạm mà người bị kết án bị xử phạt tử hình.
+ Trường hợp một người bị kết án tử hình nhiều lần theo nhiều bản án của các Tòa án đã xử sơ thẩm khác nhau thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án là Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm vụ án sau cùng.
(3) Điền đầy đủ thông tin liên quan đến người làm đơn như họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số chứng minh thư, địa chỉ thường trú.
(4) Ví dụ: Bị cáo bị kết án tử hình trong vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh… xét xử sơ thẩm theo bản án… (điền thông tin bản án như trên)
(5) Phần này trình bày về hành vi mà bị cáo đã thực hiện và đã bị Tòa án tuyên phạt vào ngày, tháng, năm nào, với mức phạt bao nhiêu và đưa ra căn cứ để xin giảm án.
Ví dụ: Theo nội dung Bản án sơ thẩm số…… ngày…/…./…… của Tòa án nhân dân tỉnh………, tôi phải chịu án tử hình do thực hiện hành vi mua bán trái phép 6 kilôgam nhựa thuốc phiện. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tôi đã hiểu ra lỗi lầm của mình và hợp tác với các cơ quan chức năng để triệt để đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy mà tôi tham gia. Hơn nữa, vào ngày…/…./….. tôi phát hiện mình đang có thai, có Giấy xác nhận của cơ sở y tế là Bệnh viện………….)
Theo tôi được biết thì Khoản…. Điều…… Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định:
“Điều…….”
(Phần này nêu căn cứ pháp luật cho yêu cầu giảm án tử hình của bị cáo.
Ví dụ: Theo tôi được biết thì điểm a Khoản 3 Điều 40
“Điều 40. Tử hình
…
3.Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
…”)
4. Trình tự thủ tục xin giảm án tử hình:
Bước 1: Nộp đơn
Người làm đơn soạn thảo đơn theo mẫu phía trên và gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án, Viện kiểm sát.
Bước 2: Thủ tục xem xét đơn
Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm khi nhận được đơn phải tiến hành xem xét đơn và khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự, tức những trường hợp sau đây thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án:
– Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
– Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
Trong thực tiễn đã có vụ án không thi hành án tử hình vì phụ nữ mang thai như sau:
Công an tỉnh Quảng Ninh đang tạm đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ quản giáo của trại tạm giam Công an tỉnh để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi, quê Lạng Sơn) mang thai trong thời gian tạm giam chờ thi hành án tử hình. Theo đó, Nguyễn Thị Huệ bị tuyên án tử hình theo Bản án số 315 ngày 19/6/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao.
Trong thời gian chờ thi hành án, Huệ tìm cách làm quen với phạm nhân nấu bếp Nguyễn Tuấn Hưng (27 tuổi, quê Quảng Ninh), đặt vấn đề trả công Hưng 50 triệu đồng nếu anh ta giúp cô ta mang thai. Tháng 8/2015, Hưng 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi nilon rồi tìm cách đưa vào hành lang nhà giam nơi Huệ bị giam giữ. Lợi dụng lúc được tháo cùm ra ngoài vệ sinh, nữ tử tù đã lấy tinh trùng bơm vào tử cung.
+ Người đủ 75 tuổi trở lên;
+ Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành có hiệu lực từ ngày 15/01/2021, trong đó, hướng dẫn cụ thể về điều kiện để người phạm tội tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ được giảm án tử hình như sau:
Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.
Đối với trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 4.000.000.000 đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 2.000.000.000 đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã chuyển nhượng nhà đất là tài sản riêng của mình để thay A nộp lại số tiền 3.000.000.000 đồng thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô.