Đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng là gì? Mẫu đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng? Hướng dẫn soạn thảo đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng? Những tác hại của tiếng ồn trong xây dựng? Một số quy định về hình phạt đối với các vi phạm các quy định về tiếng ồn? Một số biện pháp làm giảm thiểu tiếng ồn trong xây dựng?
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng trong những năm gần đây đã mang lại những thay đổi tích cực cho diện mạo của các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… Tuy nhiên, việc những công trình xây dựng chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại đang mọc lên như nấm đi kèm với những vấn đề lớn như ô nhiễm không khí thì ô nhiễm tiếng ồn đang trở thành vấn đề đáng được quan tâm. Ô nhiễm tiếng ồn (Tiếng Anh: Noise pollution hoặc noise disturbance) là tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho người hoặc động vật. Cá nhân, tổ chức có căn cứ cho rằng tiếng ồn từ công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cư dân lân cận có quyền làm đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng là gì?
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
Mục lục bài viết
- 1 1. Đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng là gì?
- 2 2. Mẫu đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng chi tiết nhất:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng:
- 4 4. Những tác hại của tiếng ồn trong xây dựng:
- 5 5. Một số quy định về hình phạt đối với các vi phạm các quy định về tiếng ồn:
- 6 6. Một số biện pháp làm giảm thiểu tiếng ồn trong xây dựng:
1. Đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng là gì?
Tiếng ồn là những âm thanh không mong muốn gây khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng tới quá trình làm việc và nghỉ ngơi. Tiếng ồn vật lý là những dao động sóng âm với cường độ và tần số khác nhau, sắp xếp không có trật tự và được lan truyền trong môi trường đàn hồi. Tiếng ồn xây dựng là tiếng ồn từ việc di chuyển máy móc, thiết bị, âm thanh từ hoạt động của máy móc, công nhân xây dựng của công trình xây dựng
Đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng là mẫu đơn được soạn thảo bởi cá nhân, tổ chức gửi đến cơ quan có thẩm quyền khi nhận thấy tiếng ồn xây dựng vượt quá mức độ và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe cộng đồng từ đó đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn từ công trình xây dựng.
Đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng được soạn thảo nhằm mục đích đề nghị cơ quan nhà nước giải quyết sự việc tiếng ồn từ công trình xây dựng trên địa bàn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương. Nội dung đơn trình bày rõ sự việc, nội dung bắt nguồn của tiếng ồn, mức độ và mong muốn giảm thiểu tiếng ồn để giảm các tổn hại về sức khỏa mà tiếng ồn gây ra, lý do làm đơn và gửi kèm theo những tài liệu, chứng cứ kèm theo.
2. Mẫu đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng chi tiết nhất:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Tuân thủ quy định của pháp luật, giảm thiểu, chấm dứt việc gây ra tiếng ồn
trong quá trình xây dựng công trình …
(Tại địa chỉ: ….Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội)
Kính gửi:
– Công ty …
– Ủy ban nhân dân quận……
– Ủy ban nhân dân phường……
– Sở xây dựng thành phố Hà Nội.
Tôi là :…(Tên tổ chức/cá nhân)
Hiện đang sinh sống tại địa chỉ:…
Điện thoại:…
Căn cứ vào tình hình hoạt động xây dựng tại địa chỉ …thuộc dự án …của Chủ đầu tư …… trong thời gian qua, có nhiều vấn đề vi phạm quy định của pháp luật về tiếng ồn như sau:……
Dựa trên những sự việc trên, chúng tôi kính đề nghị quý cơ quan có biện pháp can thiệp nhằm chấm dứt tình trạng trên để đảm bảo cho quyền lợi ích hợp pháp cho những hộ dân sinh sống quanh khu vực và chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn./.
Hà Nội, ngày……. tháng……. năm……
Các tài liệu chứng cứ kèm theo:
1.
2.
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu nếu có)
3. Hướng dẫn soạn thảo đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng:
Phần kính gửi: Ghi thông tin của Công ty, Ủy ban Nhân dân quận/huyện… nơi gửi đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng
Phần thông tin của người làm đơn đề nghị
Tôi là : (Tên tổ chức/cá nhân), Ghi rõ họ tên bằng chữ in hoa có dấu
Hiện đang sinh sống tại địa chỉ: Ghi theo địa chỉ nơi ở hiện tại ( ghi rõ tên đường, khu phố, phường/xã/thị trấn, Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương)
Điện thoại:
Người làm đơn trình bày sự việc, ghi rõ lý do làm đơn đề nghị:
Căn cứ vào tình hình hoạt động xây dựng tại địa chỉ ….. thuộc dự án …….. của Chủ đầu tư …… trong thời gian qua, có nhiều vấn đề vi phạm quy định của pháp luật về tiếng ồn như sau:
Lời cảm ơn
Cuối đơn cá nhân, tổ chức liệt kê danh sách các tài liệu, chứng cứ kèm theo
Người làm đơn ký, ghi rõ họ tên
4. Những tác hại của tiếng ồn trong xây dựng:
Bên cạnh những nguy hại về ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước thì vấn đề ô nhiễm tiếng ồn nói chung và ôn nhiễm tiếng ồn trong xây dựng nói riêng đang có những ảnh hướng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của con người. Một số những tác hại mà tiếng ồn trong xây dựng có thể kể đến là:
– Tiếng ồn ảnh hưởng đến cơ thể phụ thuộc vào tính chất vật lý của nó như cường độ, tần số, âm phổ…
– Làm ảnh hưởng đến cơ quan thính giác, hệ thần kinh và các hệ thống chức năng khác bên trong cơ thể con người.
– Trường hợp tác động của tiếng ồn lặp lại nhiều lần làm cho cơ quan thính giác không còn khả năng hồi phục trạng thái ban đầu dẫn đến bệnh nặng tai và điếc.
– Tiếng ồn có cường độ trung bình và cao gây kích thích mạnh hệ thần kinh trung ương, nếu kéo dài sẽ gây ra huỷ hoại sự hoạt động của não (đau đầu, chóng mặt).
– Bên cạnh đó, tiếng ồn có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thống tim mạch (gây rối loạn nhịp tim) ảnh hưởng đến co bóp của dạ dày gây viêm dạ dày do hệ thần kinh bị căng thẳng, cao huyết áp.
5. Một số quy định về hình phạt đối với các vi phạm các quy định về tiếng ồn:
Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có đề cập đến những trường hợp vi phạm các quy định về tiếng ồn và chế tài xử phạt với nội dung cụ thể như sau:
– Phạt cảnh cáo: Áp dụng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.
– Phạt tiền: Áp dụng đối với các trường hợp gây tiếng ồn từ 02 dBA trở lên, mức phạt tiền có thể từ 1.000.000 đồng đến cao nhất là 160.000.000 đồng
Ngoài hình phạt chính thì những hành vi vi phạm các quy định về tiếng ồn còn có khả năng phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung, cụ thể:
– Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP
– Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP
Biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài hình phạt tiền, phạt cảnh cáo thì đối với những hành vi vi phạm các quy định về tiếng ồn còn có thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như:
– Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm
– Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm
6. Một số biện pháp làm giảm thiểu tiếng ồn trong xây dựng:
Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, chúng ta dễ dàng giảm tiếng ồn từ các công trình xây dựng bằng sử dụng biện pháp kiểm soát kỹ thuật. Một số biện pháp mà các công trình xây dựng có thể áp dụng để giảm thiểu tiếng ồn cps thể kể đến như:
– Thay thế thiết bị hiện có bằng các thiết bị ít tạo tiếng ồn hơn
Thông thường, các thiết bị, máy móc, thiết bị mới thường ít gây tiếng ồn so với thiết bị cũ khi vận hành.
Chọn các máy móc, thiết bị ít gây tiếng ồn cũng rất cần thiết, ví dụ như lưỡi cưa giảm tiếng ồn có thể giảm một nửa độ ồn khi cắt các khối gạch.
– Lắp đặt thêm các vật liệu giảm xóc, giảm âm, dựng rào chắn.
Ngoài ra, các thiết bị đang sử dụng phải phù hợp nhất với công việc, tránh việc sử dụng các thiết bị hoạt động quá mức và ngược lại. Nhìn chung, các thiết bị chạy bằng điện yên tĩnh hơn thiết bị chạy bằng diesel, thiết bị chạy bằng thủy lực thường êm hơn so với khí nén.
Tạo các rào chắn quanh công trường bằng các vật liệu như ván ép, khối gạch, các tấm lót từ vật liệu hấp thụ âm thanh nhằm đạt hiệu quả cách âm tối đa có thể. Giải pháp cách âm sử dụng tường chắn bằng các vật liệu triệt âm, phản xạ âm được dùng hiệu quả ở ven đường giao thông sát với các khu dân cư. Tường cách âm kiểu phổ thông sử dụng vật liệu gỗ, bê tông dạng thanh, được sắp xếp theo tính toán nhằm mục đích phản xạ âm và giảm cường độ âm.
– Gắn bộ giảm âm , bảo trì các thiết bị cũ
Đối với các thiết bị cũ, có thể gắn thêm các bộ giảm âm hay các vật liệu hấp thụ âm thanh.
Bên cạnh đó, việc bảo trì các thiết bị cũ cũng có thể làm giảm mức tiếng ồn tới 50%. Những thiết bị, máy móc tạo nhiều tiếng ồn nên đặt cách xa nơi ở của người dân và nơi có nhiều công nhân làm việc.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về mẫu đơn đề nghị chấm dứt giảm thiểu tiếng ồn xây dựng chi tiết nhất. Để được tư vấn rõ hơn về biểu mẫu này hoặc có bất cứ vấn đề pháp luật gì cần được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!