Lưu trú là gì? Trục xuất là gì? Quy định của pháp luật về lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh? Ai phải trả chi phí trục xuất?
Hiện nay, hoạt động du lịch ngày càng phát triền kéo theo một số lượng lớn người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Có rất nhiều trường hợp người nước ngoài sau khi đến du lịch đã quyết định ở lại Việt Nam hoặc vì lý do nào đó mà không thể quay trở lại quốc gia của mình trong thời gian nhất định, đối với những trường hợp này thì người nước ngoài cần phải lưu trú tại Việt Nam. Ngoài ra, khi người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam bị trục xuất thì cũng cần lưu trú lại trong thời gian chờ xuất cảnh đối với trường hợp không thể thực hiện được ngay việc trục xuất. Vậy khi người nước ngoài bị trục xuất bắt buộc phải quay về quốc gia của mình thì ai sẽ là người trả chi phí trục xuất? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Lưu trú là gì? Trục xuất là gì?
1.1. Lưu trú
Theo quy định tại Điều 31 Luật Cư trú: “Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.” Theo đó, có thể hiểu lưu trú là là việc công dân ở lại tại một địa điểm thuộc xã, phường thị trấn ngoài nơi cư trú của mình, nhưng không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú trong một khoảng thời gian nhất định mà chỉ vì một số lý do như công việc, du lịch, thăm bệnh,… có tính chất tạm thời mới thực hiện
1.2. Trục xuất
Trục xuất là một hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam, hình phạt này chỉ được áp dụng đối với người phạm tội là người nước ngoài. Theo quy định của
Người bị phạt trục xuất phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định thi hành án. Trong trường hợp người bị phạt trục xuất phải chấp hành các hình phạt khác hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ khác thì thời hạn họ rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do pháp luật quy định.
2. Quy định của pháp luật về lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh
Theo Điều 121 Luật Thi hành án hình sự 2019, lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh được quy định như sau:
“1. Trong thời gian chờ xuất cảnh, người chấp hành án phải lưu trú tại nơi được cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh chỉ định.
2. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đưa người chấp hành án phạt trục xuất vào cơ sở lưu trú của Bộ Công an nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có nơi thường trú, tạm trú;
b) Nhập cảnh trái phép hoặc phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
c) Tự ý rời khỏi nơi lưu trú được chỉ định hoặc không chấp hành các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền;
d) Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng người đó có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chờ xuất cảnh;
đ) Có hành vi bỏ trốn, chuẩn bị bỏ trốn hoặc hành vi khác gây khó khăn cho việc thi hành án phạt trục xuất;
e) Mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
g) Tự nguyện xin vào cơ sở lưu trú.
3. Thủ tục đưa người chấp hành án phạt trục xuất vào cơ sở lưu trú được thực hiện như sau:
a) Trường hợp người chấp hành án đang tại ngoại thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải áp giải người chấp hành án đến cơ sở lưu trú;
b) Trường hợp người chấp hành án đang bị tạm giam thì sau khi nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi tạm giam phải giao người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để áp giải vào cơ sở lưu trú;
c) Khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là trục xuất chấp hành xong án phạt tù thì trại giam phải giao người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để áp giải vào cơ sở lưu trú.
4. Trường hợp người chấp hành án chết trong thời gian chờ xuất cảnh thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú được chỉ định phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xác định nguyên nhân chết. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản hoặc bằng fax cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án phạt trục xuất, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức mai táng. Trường hợp thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết đề nghị được nhận tử thi, tro cốt về mai táng và tự chịu chi phí thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xem xét, giải quyết.
5. Chính phủ quy định chi tiết chế độ ăn, ở, sinh hoạt, thăm gặp, khám bệnh, chữa bệnh đối với người chấp hành án phạt trục xuất trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú, chi phí mai táng đối với người chấp hành án phạt trục xuất chết tại cơ sở lưu trú.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, người chấp hành án phạt trục xuất phải lưu trú tại cơ sở được chỉ định trong thời gian chờ xuất cảnh. Trường hợp người bị trục xuất không có nơi thường trú, tạm trú; nhập cảnh trái phép; phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của pháp luật Việt Nam; người chấp hành án tự ý rời khỏi nơi lưu trú được chỉ định hoặc có hành vi bỏ trốn, chuẩn bị bỏ trốn; hoặc người chấp hành án phạt trục xuất bị mắc bệnh truyền nhiễm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành đưa người chấp hành án phạt trục xuất vào cơ sở lưu trú của Bộ Công an. Ngoài ra, cở sở lưu trú hoặc nơi lưu trú được chỉ định phải báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền khi có người chấp hành án hình phạt lưu trú chết trong thời gian chờ xuất cảnh.
Bên cạnh đó, Nghị định số 65/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh. Nghị định quy định chi tiết về tổ chức quản lý và các chế độ đối với nười người chấp hành án phạt trục xuất lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh bao gồm chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, liên lạc, thăm gặp, nhận quà, khám bệnh, chữa bệnh, chi phí mai táng. Theo đó:
– Người lưu trú phải ở tập trung tại cơ sở lưu trú được chỉ định và chịu sự quản lý, giám sát của cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú tổ chức tiếp nhận, quản lý người có quyết định đưa vào cơ sở lưu trú, bàn giao người lưu trú ra khỏi cơ sở lưu trú theo đúng quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
– Cơ sở lưu trú có trách nhiệm thực hiện các quy định về canh gác, dẫn giải, quản lý chặt chẽ người lưu trú trong thời gian lưu trú. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng phương án và tổ chức các biện pháp bảo vệ an toàn cho cơ sở lưu trú; phối hợp truy tìm người lưu trú bỏ trốn khỏi cơ sở lưu trú; kiểm tra thư, bưu phẩm, tiền mặt, giấy tờ có giá, đồ vật của người lưu trú nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý đồ vật cấm mang vào cơ sở lưu trú; tiếp nhận, trả lời đơn thư, đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến cơ sở lưu trú, người lưu trú và quản lý hồ sơ, cơ sở dữ liệu của người lưu trú theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Nghị định cũng quy định rõ về chế độ ở, ăn, mặc đối với người chấp hành án phạt trục xuất lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh. Cụ thể như sau: người lưu trú được bố trí ở buồng tập thể theo giới tính (nam, nữ); diện tích chỗ nằm tối thiểu là 3 m2/người (người lưu trú có con nhỏ ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 4 m2), có bệ gạch men hoặc giường, có phòng vệ sinh, có chiếu, chăn và màn; người lưu trú mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc người mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải được bố trí ở riêng trong phòng cách ly; người lưu trú là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được bố trí ở riêng.
3. Ai phải trả chi phí trục xuất?
Căn cứ theo Điều 124 Luật Thi hành án hình sự 2019, quy định chi phí cho việc thi hành án trục xuất như sau:
“Điều 124. Chi phí trục xuất
Người chấp hành án phạt trục xuất phải chịu chi phí vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu biển để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam; trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất không có khả năng tự chịu chi phí thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam giải quyết kinh phí đưa người chấp hành án phạt trục xuất về nước; trường hợp đã yêu cầu mà cơ quan, tổ chức đó vẫn chưa giải quyết được kinh phí nhưng vì lý do an ninh quốc gia cần phải trục xuất ngay thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quyết định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi trả vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu biển cho người chấp hành án phạt trục xuất.”
Như vậy, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự Việt Nam, người thi hành án phạt trục xuất phải trả chi phí trục xuất. Trong trường hợp người thi hành án phạt trục xuất không có đủ khả năng chi trả chi phí trục xuất thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với một số cơ quan liên quan thực hiện trả chi phí trục xuất cho người chấp hành án đó.