Xin hỏi luật sư làm thế nào để tiếp tục tiến hành được việc xây dựng? Nếu có tranh chấp cần phải làm những gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Thân chào luật sư!
Tôi có một câu hỏi về tranh chấp đất đai, mong luật sư tư vấn giúp. Gia đình tôi sống trên thửa đất 100 m2, có xây dựng một căn nhà 4 tầng, trong đó một nửa đất có sổ đỏ mang tên ông bà nội tôi; một nửa còn lại là đất lấn chiếm từ năm 1990, trên đó xây dựng một nhà cấp 4 và không có tranh chấp. Năm 2008, bố mẹ tôi ly dị, trong quá trình ra tòa mẹ tôi bị lừa dối ký vào đơn không yêu cầu chia tài sản. sau khi ly hôn, mẹ tôi, tôi và em tôi sống trong ngôi nhà 4 tầng có sổ đỏ mang tên ông bà nội tôi. Năm 2010, bố tôi lấy vợ khác có đăng ký kết hôn, có 2 con,1 trai, 1 gái. Năm 2013 cả nhà bố tôi dọn về chung sống trên căn nhà 4 tầng mà 3 mẹ con đang ở. Mẹ tôi có làm đơn xin chính quyền với nguyện vọng xin được xuống khu dưới nhà cấp 4 cơi nới, cải tạo để sống ở đó và đã được Ủy ban nhân dân cho phép, tuy nhiên bố tôi không đồng ý mà chỉ cho 1 nửa gian ( 50 m2 chia làm 2 gian). Theo như quyết định của Ủy ban nhân dân, mẹ tôi xây bức tường để ngăn cách với nhà 4 tầng liền kề thì bố tôi gọi thanh tra xây dựng lên và đình chỉ với lý do đất chưa rõ ai có quyền sử dụng đất nên phải đình chỉ. Xin hỏi luật sư làm thế nào để tiếp tục tiến hành được việc xây dựng? Nếu có tranh chấp cần phải làm những gì? Rất mong được sự tư vấn của quý luật sư! Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Làm thế nào để tiếp tục tiến hành được việc xây dựng bức tường ngăn cách?
Với trình bày của bạn chúng tôi thấy rằng gia đình bạn đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất tại mảnh đất lấn chiếm từ năm 1990, chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật mà cụ thể tại Điều điều 50 “Luật đất đai năm 2013” thì trường hợp của bạn đã sử dụng đất trên 20 năm (từ trước ngày 15/10/1993), được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, hiện nay gia đình bạn đang có tranh chấp về mảnh đất đó nên việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bạn sẽ bất lợi. Chính vì vậy, việc giải quyết trường hợp của bạn để tiếp tục xây dựng bức tường và sử dụng mảnh đất lấn chiếm từ năm 1990 là rất khó khăn vì chưa xác định được ai là người có quyền sử dụng mảnh đất trên.
2. Nếu có tranh chấp đất đai cần phải làm những gì?
Theo “Luật đất đai năm 2013” tại Điều 135 quy định như sau: “ Hoà giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai.
Thời hạn hoà giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn.
Kết quả hoà giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất. Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển kết quả hoà giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định về quản lý đất đai”.
Trong trường hợp gia đình bạn không hòa giải được sẽ được tiến hành theo thủ tục sau:
“ Tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:
….
2. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này được giải quyết như sau:
a) Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết; quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng;
b) Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng” ( Điều 136 Luật Đất đai)
Các giấy tờ tại khoản 1, 2 và 5 gồm:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ nhất: – Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
– Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
– Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất. ( khoản 1 Điều 50 luật Đất đai)
Thứ hai: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. ( khoản 2 Điều 50 Luật Đất đai)
Thứ ba: Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật ( khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai)
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.