Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vậy lập di chúc thừa kế bằng vi bằng có giá trị pháp lý không?
Mục lục bài viết
1. Lập di chúc thừa kế bằng vi bằng có giá trị pháp lý không?
Thừa kế với tư cách là một quan hệ pháp luật dân sự trong đó những chủ thể có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Ở trong quan hệ này, người có tài sản, trước khi chết hoàn toàn có quyền định đoạt tài sản của mình cho những người khác, kể cả là người không có huyết thống. Những người có quyền nhận di sản có thể nhận hoặc không nhận di sản đó (trừ trường hợp người đó từ chối nhận di sản nhằm để trốn tránh một nghĩa vụ nào đó). Đối tượng của thừa kế là các tài sản của người đã chết để lại. Tuy nhiên, có một số các quyền tài sản gắn liền với nhân thân người đã chết thì không thể chuyển cho những người thừa kế (ví dụ như là tiền cấp dưỡng…) vì pháp luật quy định chỉ người đó mới có quyền được hưởng.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tại Điều 628 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định di chúc bằng văn bản bao gồm những loại sau:
– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng:
+ Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
+ Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định về nội dung của di chúc mà pháp luật quy định.
– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:
+ Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì người lập di chúc có thể tự mình đánh máy hoặc là nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc của mình, nhưng bắt buộc phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc bắt buộc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc ngay trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng cũng bắt buộc phải thực hiện xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
+ Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định về nội dung của di chúc và tuân thủ đúng điều kiện về người làm chứng mà pháp luật quy định.
– Di chúc bằng văn bản có công chứng: người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thủ tục công chứng di chúc
– Di chúc bằng văn bản có chứng thực: người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng hoặc yêu cầu đến ủy ban nhân dân xã thực hiện thủ tục chứng thực di chúc.
Theo đó, Di chúc bằng văn bản có người làm chứng là một trong những hình thức di chúc hợp pháp.
Nghị định 08/2020/NĐ-CP có giải thích vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do chính Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến và lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật. Những người làm chứng cho việc lập di chúc được quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015, điều này quy định mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Thêm nữa, 09 trường hợp thừa phát lại không được lập vi bằng được quy định tại Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại không bao gồm có trường hợp lập di chúc.
Như vậy, qua các phân tích trên, có thể khẳng định được rằng lập di chúc thừa kế bằng vi bằng hoàn toàn có giá trị pháp lý. Nhưng lưu ý rằng, vi bằng di chúc không thay thế di chúc công chứng, di chúc chứng thực.
2. Trường hợp nào thì thừa phát lại không được lập vi bằng di chúc?
Như đã nói ở trên, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Ngoài những đối tượng này không được làm chứng trong việc lập di chúc thì khi người lập di chúc sử dụng dịch vụ lập vi bằng đối với di chúc của mình, những thừa phát lại sau cũng sẽ không được thực hiện lập vi bằng đối với di chúc:
– Người lập di chúc là vợ/chồng của thừa phát lại;
– Người lập di chúc là con của thừa phát lại, bao gồm con đẻ, con nuôi;
– Người lập di chúc là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của thừa phát lại;
– Người lập di chúc là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại;
– Người lập di chúc là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của thừa phát lại;
– Người lập di chúc là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại;
– Người lập di chúc là bác, chú, cậu, cô, dì của thừa phát lại;
– Người lập di chúc là bác, chú, cậu, cô, dì của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại;
– Người lập di chúc là anh, chị, em ruột của thừa phát lại;
– Người lập di chúc là anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại;
– Người lập di chúc là cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
3. Nội dung phải có trong bản di chúc khi lập vi bằng:
Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự. Theo đó, nội dung phải có trong bản di chúc khi lập vi bằng bao gồm các nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm lập di chúc;
– Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
– Di sản để lại và nơi có di sản.
– Các nội dung khác không trái với pháp luật, đạo đức xã hội.
Lưu ý rằng, di chúc khi lập vi bằng:
– Không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu;
– Nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc;
– Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc thừa phát lại đã lập vi bằng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa.
4. Thủ tục lập vi bằng di chúc:
Bước 1: ký hợp đồng dịch vụ lập vi bằng di chúc
Tại văn phòng thừa phát lại, người yêu cầu lập vi bằng di chúc và văn phòng thừa phát lại sẽ tiến hành ký dịch vụ lập vi bằng di chúc, theo đó hai bên sẽ thỏa thuận một số vấn đề liên quan đến những nội dung của việc lập vi bằng di chúc, chi phí lập vi bằng và thời gian và địa điểm lập vi bằng, các chi phí khác phát sinh (nếu có).
Bước 2: tiến hành lập vi bằng di chúc
Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng di chúc và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng di chúc phải thật khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết thì Thừa phát lại sẽ có quyền mời người làm chứng để chứng kiến việc lập vi bằng di chúc.
Người yêu cầu lập vi bằng di chúc phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng di chúc (nếu có) và sẽ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.
Khi lập vi bằng di chúc, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu lập vi bằng di chúc về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.
Vi bằng di chúc phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và sẽ phải ghi vào sổ vi bằng.
Bước 3: Đăng ký vi bằng
Kể từ ngày kết thúc lập vi bằng di chúc, trong vòng 03 ngày làm việc, Văn phòng Thừa phát lại sẽ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính 01 bộ vi bằng di chúc, tài liệu chứng minh (nếu có) về Sở Tư pháp nơi mà Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
Trong thời hạn là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng di chúc hoặc kể từ ngày mà Văn phòng Thừa phát lại nơi mà lập vi bằng di chúc cập nhật vào cơ sở dữ liệu về vi bằng, Sở Tư pháp sẽ ghi vào sổ đăng ký vi bằng hoặc sẽ tiến hành duyệt nội dung cập nhật trên cơ sở dữ liệu về vi bằng.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.