Trường hợp kiện đòi lại tài sản là động sản phải đăng kí quyền sở hữu. Thủ tục kiện đòi lại tài sản là động sản phải đăng kí quyền sở hữu.
Động sản phải đăng ký quyền sở hữu là các tài sản mà động sản mà Nhà nước quy định phải đăng ký quyền sở hữu. Các tài sản này thường là các tài sản có ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội cần có sự quản lý của Nhà nước, hoặc những tài sản hạn chế chủ thể có quyền sở hữu, hoặc tài sản mà việc bảo đảm quyền sở hữu sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không thực hiện về đăng ký quyền sở hữu.
“Bất động sản được hiểu là các tài sản không thể di chuyển được trong không gian hoặc khi tách ra thì không còn công dụng tổng thể của tài sản nữa”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật dân sự 2005, bất động sản là các tài sản bao gồm: “Đất đai, Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; Các tài sản khác gắn liền với đất đai; Các tài sản khác do pháp luật quy định”. Và theo Điều 167 Bộ luật dân sự 2005 thì bất động sản là loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu.
Như vậy có thể thấy rằng, khác với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, đối với tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản thì việc xác định ai là chủ sở hữu tương đối dễ dàng bởi vì về nguyên tắc, ai là người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu (giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản là quyền sử dụng đất) thì người đó được pháp luật công nhận là chủ sở hữu và được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu. Chính vì vậy, khi tham gia các giao dịch có tính chất chuyển dịch tài sản mà tài sản được chuyển dịch là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản thì người nhận chuyển dịch cần phải kiểm tra người chuyển dịch tài sản cho mình có phải chủ sở hữu hay là người được chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp hay không. Ngoài ra, khi giao dịch hoàn tất người nhận chuyển dịch còn phải tiến hành các thủ tục sang tên theo quy định tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng) của họ mới được nhà nước công nhận và bảo hộ.
Theo quy định tại Điều 258 Bộ luật dân sự 2005: “Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng kí quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”. Quy định này còn tồn tại một số điểm vướng mắc sau:
-Người có quyền khởi kiện đòi lại động sản phải đăng kí quyền sở hữu hoặc bất động sản: Theo quy định trên, người có quyền khởi kiện đòi lại động sản phải đăng kí quyền sở hữu và bất động sản chỉ có “chủ sở hữu”. Quy định như vậy là không hợp lí. Cần phải quy định quyền này đối với cả người chiếm hữu hợp pháp tài sản.
Ví dụ: A là chủ sở hữu một chiếc xe máy 150cm3, A cho B thuê xe trong thời hạn 3 tháng. Trong thời gian thuê, C ăn cắp xe rồi làm giải toàn bộ giấy tờ xe và bán cho D. D không biết nguồn gốc bất hợp pháp của chiếc xe trên nên đã mua nó với giá 80 triệu đồng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định tại Điều 258 Bộ luật dân sự 2005, chỉ có A mới có có quyền kiện đòi tài sản bởi A là chủ sở hữu. Tuy nhiên, ở đây cần phải cho cả B quyền này vì:
Thứ nhất, Điều 256 Bộ luật dân sự 2005 dành quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật cho cả chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp. Trên tinh thần đó, nếu Điều 258 chỉ quy định quyền cho chủ sở hữu khi đối chiếu với Điều 256 sẽ thiếu thống nhất.
Thứ hai, cho phép người chiếm hữu hợp pháp khỏi kiện đòi lại tài sản nhằm đảm bảo thời hiệu khởi kiện.
Thứ ba, thừa nhận người chiếm hữu hợp pháp có quyền kiện đòi tài sản còn giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chính chủ sở hữu. Trong ví dụ trên, giả sử A đi xa và gần hết thời hạn thuê xe mới trở về thì C có thể không còn do D chiếm hữu nữa mà đã chuyển giao cho người khác, việc kiện đòi lại tài sản của A sẽ trở nên phức tạp hơn hoặc không thực hiện được nữa.
–Người thứ ba chiếm hữu ngay tình động sản phải đăng kí quyền sở hữu hoặc bất động sản: Về vấn đề này, cho đến nay vẫn tồn tại hai quan điểm:
Quan điểm 1: Trong mọi trường hợp, nếu người thiết lập giao dịch có đối tượng là động sản phải đăng kí quyền sở hữu hoặc bất động sản nhưng không thể biết được nguồn gốc, tình trạng bất hợp pháp của tài sản, họ đều được coi là người thứ ba chiếm hữu ngay tình. Ở ví dụ trên, D được coi là người chiếm hữu ngay tình.
Quan điểm 2: Chỉ người nhận được tài sản thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa mới được công nhận là người thứ ba chiếm hữu ngay tình (với điều kiện là những người này không biết việc chiếm hữu của mình là không dựa trên căn cứ do pháp luật quay định). Nói cách khác, những người theo quan điểm này cho rằng quy định về người thứ ba chiếm hữu ngay tình tại Điều 258 chỉ đề cập đến người chiếm hữu trong hai trường hợp duy nhất này, những trường hợp khác đều bị coi là chiếm hữu không ngay tình. Với quan điểm này, ở ví dụ trên, D là người chiếm hữu không ngay tình.
Cho dù chấp nhận quan điểm nào thì vấn đề cơ bản mang tính thực tế cần phải lưu ý là: ngoại trừ hai trường hợp đối với người chiếm hữu ngay tình vừa kể trên, chủ sở hữu đều có quyền kiện đòi lại động sản phải đăng kí quyền sở hữu và bất động sản từ người chiếm hữu bất hợp pháp (tùy theo quan điểm mà ngay tình hoặc không ngay tình). Tức là, trong ví dụ trên, A luôn có quyền kiện đòi lại tài sản từ D.
Sở dĩ, có quy định như vậy là do “tài sản giao dịch là bất động sản hoặc động sản phải đăng kí quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ban gay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu…”. (Khoản 2 Điều 138 Bộ luật dân sự 2005). Hơn nữa cá nhân, tổ chức dễ dàng hơn trong việc chứng minh là chủ sở hữu động sản phải đăng kí quyền sở hữu và bất động sản so với chứng minh là chủ sở hữu động sản không phải đăng kí quyền sở hữu.