Kiện đòi lại tài sản là động sản không đăng ký. Được kiện đòi tài sản là động sản không phải đăng kí quyền sở hữu trong những trường hợp nào?
Theo từ điển giải thích thuật ngữ luật học: “Động sản là tài sản có thể dịch chuyển hoặc di rời từ nơi nay sang nơi khác trong không gian nhất định”. Tùy thuộc vào tính chất, giá trị tài sản cũng như cơ chế pháp lý điều chỉnh mà động sản được chia thành động sản phải đăng kí quyền sở hữu và động sản không phải đăng kí quyền sở hữu. Trên thực tế, đối với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì rất khó để xác đinh tài sản đó thuộc về ai, nếu chúng không có các dấu hiệu đặc biệt mà chỉ riêng vật đó mới có. Khi tham gia các giao dịch người thứ ba có thể nhận được tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người không phải là chủ sở hữu đích thực, hoặc từ người không có quyền định đoạt tài sản mà không biết. Do vậy, việc chiếm hữu của người thứ ba trong những trường hợp đó có thể là chiếm hữu ngay tình hoặc chiếm hữu không ngay tình.
– Người thực tế đang chiếm giữ tài sản là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình
Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật được quy định tại Điều 183 Bộ Luật dân sự 2005 biết đó là chiếm hữu bất hợp pháp hoặc tuy không biết nhưng cần phải biết rằng người chuyển dịch tài sản cho mình là người không có quyền chuyển dịch. Ví dụ: người mua biết là của gian nhưng vẫn mua vì giá rẻ…Như vậy, trong trường hợp này, lỗi ở đây là của người thực tế đang chiếm giữ tài sản. Do đó, trong mọi trường hợp người thực tế đang nắm giữ tài sản là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình đều có nghĩa vụ trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp của tài sản đó. Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 601 “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”
– Người thực tế đang chiếm giữ tài sản là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình
Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật được quy định tại Điều 183 “Bộ luật dân sự 2015” nhưng người chiếm hữu không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này, người thực tế đang nắm giữ tài sản không có lỗi. Điều 257 “Bộ luật dân sự 2015” quy định: “Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng kí quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.Theo đó, khi người chiếm hữu ngay tình có được tài sản là động sản không phải đăng kí quyền sở hữu thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản đó trong hai trường hợp sau:
+ Trường hợp người thực tế nắm giữ tài sản là động sản không phải đăng kí quyền sở hữu là người chiếm hữu ngay tình có được động sản đó thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản.
Ví dụ: 1. B trộm chiếc điện thoại iphone của A rồi đem cho C.
2. B mượn chiếc điện thoại iphone của A rồi đem cho C
Trong tình huống trên, C là người chiếm hữu ngay tình chiếc điện thoại đó thông qua hợp đồng không có đền bù là tặng cho với người không có quyền định đoạt tài sản là B. Do đó, A có quyền kiện đòi lại tài sản trên từ người C và C có nghĩa vụ phải trả lại tài sản này.
Quy định trên nhằm bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản. Mặt khác, nghĩa vụ trả lại tài sản của người thứ ba ngay tình cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ vì ở đây, họ nhận được tài sản thông qua hợp đồng không có đền bù do đó, việc thực hiện nghĩa vụ không gây thiệt hại đối với họ. Trường hợp này không yêu cầu điều kiện về ý chí của chủ sở hữu. Tức là, dù vật rời chủ sở hữu nằm trong ý chí hay ngoài ý chí của họ thì người thứ ba ngay tình nhận được tài sản qua hợp đồng không có đền bù vẫn có nghĩa vụ trả lại tài sản.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Trường hợp người thực tế nắm giữ tài sản là động sản không phải đăng kí quyền sở hữu là người chiếm hữu ngay tình có được động sản đó thông qua hợp đồng có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản tuy nhiên sự chiếm hữu nằm ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Ví dụ: B trộm chiếc điện thoại iphone của A sau đó đem bán cho C.
Trong tình huống trên, C là người chiếm hữu ngay tình chiếc điện thoại thông qua hợp đồng có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản. Tuy nhiên, A vẫn có quyền kiện đòi lại tài sản từ C bởi ở đây, tài sản đã rời khỏi chủ sở hữu nằm ngoài ý chí của họ, cụ thể là A bị ăn trộm mất chiếc điện thoại.
Quy định này nhằm ngăn chặn lại các hành vi chiếm đoạt trái pháp luật tài sản của chủ sở hữu. Tuy việc chiếm hữu của người thứ ba là ngay tình nhưng cách thức tài sản rời khỏi chủ sở hữu là ngoài ý chí của chủ sở hữu nên người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua hợp đồng có đền bù vẫn phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
Ngoài ra, người chiếm hữu ngay tình còn phải thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Khoản 2, Điều 601 “Bộ luật dân sự 2015”: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật” trừ trường hợp xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu được quy định tại Khoản 1 Điều 247 “Bộ luật dân sự 2015”.
Tuy nhiên, theo điều 257 “Bộ luật dân sự 2015”, chỉ có chủ sở hữu mới có quyền đòi lại động sản không phải đăng kí quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình. Quy định này chưa hợp lí xuất phát từ những lí do sau:
Thứ nhất, Điều 256 “Bộ luật dân sự 2015” quy định về quyền đòi lại tài sản có chĩ rõ: Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền đòi yêu cầu người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó. Trong khi đó, chiếm hữu ngay tình theo Điều 257 là một trường hợp của chiếm hữu không có căn cứ pháp luật theo Điều 256. Trên cơ sở đó, việc quy định như vậy là không thống nhất, thiếu nhất quán, gây khó khăn trong việc áp dụng giải quyết các vấn đề phát sinh trên thực tế.
Thứ hai, việc quy định chỉ có chủ sở hữu mà không quy định người chiếm hữu hợp pháp có quyền đòi lại động sản không phải đăng kí quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình là bất hợp lí. Nếu chỉ quy định cho chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản trong trường hợp này vô hình chung sẽ tạo ra tâm lí bất an cho người thực hiện các giao dịch qua tay nhiều lần.
Ví dụ : A cho B thuê xe đạp. Trong thời gian thuê, C ăn trộm xe sau đó bán cho D. Theo quy định tại Điều 257 A không có quyền kiện đòi lại tài sản từ D vì tài sản rời khỏi A nằm trong ý chí của A. B cũng không có quyền đòi lại tài sản vì B không phải là chủ sở hữu. Nhưng tài sản rời khỏi B lại không nằm trong ý chí của B. Theo quy định tại Điều 257 quyền lợi của B không được bảo đảm.