Ngày nay, nhu cầu vay tiền để chi tiêu cho những khoản sinh hoạt, đầu tư của cá nhân ngày một tăng cao. Để bảo đảm thủ tục pháp lý cho người vay và cả người cho vay, khi vay tiền nên lập thành hợp đồng vay tiền có đầy đủ chữ ký của các bên có liên quan. Vậy khi ký hợp đồng vay tiền thì cần lưu ý những vấn đề gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Hợp đồng vay tài sản và đối tượng của hợp đồng vay tài sản:
- 2 2. Hợp đồng vay tiền được lập dưới hình thức nào?
- 3 3. Khi ký hợp đồng vay tiền thì cần lưu ý nhưng vấn đề gì?
1. Hợp đồng vay tài sản và đối tượng của hợp đồng vay tài sản:
Căn cứ theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản được quy định là sự thoả thuận giữa các bên về việc vay tài sản. Theo đó bên cho vay sẽ giao tài sản cho bên vay và đến khi đến hạn thanh toán khoản vay thì bên vay phải hoàn trả cho bên vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi suất theo sự thoả thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định.
Đối tượng của hợp đồng vay có thể là tiền hoặc những tài sản có giá khác như: vàng, kim khí, đá quý,…Tuy nhiên, thông thường đối tượng của hợp đồng vay trên thực tế đều là một khoản tiền và trong khuôn khổ của bài viết này, Luật Dương Gia xin đi sâu vào tài sản vay là tiền – hợp đồng vay tiền.
2. Hợp đồng vay tiền được lập dưới hình thức nào?
Hiện nay, pháp luật không có quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng vay tiền trong dân sự. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật về dân sự thì hợp đồng vay tiền có thể xác lập bằng miệng hoặc bằng văn bản.
Tuy nhiên, hợp đồng vay được xác lập miệng giữa bên vay và bên cho vay chỉ nên thực hiện khi số tiền cho vay không quá lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân quen có thể đảm bảo không xảy ra những rủi ro. Theo Luật Dương Gia, quý bạn đọc nên lập hợp đồng vay tiền bằng văn bản, có chữ ký của cả bên, bên cho vay và thậm chí là chữ ký của bên thứ ba làm chứng để làm cơ sở giải quyết khi có tranh chấp xảy ra trong hợp đồng vay. Trong hợp đồng vay tài sản thường nêu rõ các điều khoản về quyền lợi, nghĩa vụ cũng như cam kết của các bên về khoản vay.
3. Khi ký hợp đồng vay tiền thì cần lưu ý nhưng vấn đề gì?
Vay tiền trong dân sự được biết đến là một vấn đề nhạy cảm và thường được các bên quan tâm, chú trọng cam kết từng điều khoản trong hợp đồng vay tiền. Theo đó, để bảo đảm tính pháp lý, tránh xảy ra những tranh chấp, vi phạm trong quan hệ dân sự này, khi ký kết hợp đồng vay tiêng cả bên vay và bên cho vay đều phải lưu ý những vấn đề sau:
2.1. Lưu ý về việc sử dụng tài sản vay của bên vay:
Căn cứ theo quy định tại Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các bên khi ký hợp đồng vay tiền cần phải thoả thuận rõ về việc sử dụng số tiền vay vào đúng mức đích vay. Theo quy định này thì bên cho vay tiền có quyền tiến hành kiểm tra việc sử dụng số tiền vay của bên vay và có quyền đòi lại số tiền đã cho vay trước thời hạn mà các bên đã cam kết nếu như bên cho vay đã nhắc nhở nhưng bên vay vẫn sử dụng số tiền đã vay trái với mục đích đã thoả thuận.
Quy đình về việc sử dụng số tiền vay vào đúng mục đích để bảo đảm quyền lợi cho các bên, đặc biệt là bên cho vay. Bảo đảm việc rủi ro về tài sản khi bên cho vay đã phải bỏ ra một khoản tiền mà bên vay sử dụng sai mục đích dẫn đến tình trạng không thể trả nợ theo thoả thuận đã đề ra.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp các bên khi ký kết hợp đồng vay tài sản lại không thoả thuận về mục đích sử dụng tiền vay cũng như cam kết sử dụng đúng mục đích nên dẫn đến tình trạng bên vay sử dụng tiền vay vào một mục đích khác và gây thiệt hại nhiều về khoản tiền đó nên không có khả năng thanh toán. Thậm chí một số trường hợp bên vay lợi dụng việc vay tiền để chiếm đoạt số tiền của bên cho vay, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hoặc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
2.2. Lãi suất thoả thuận trong hợp đồng vay tiền:
Lãi suất là vấn đề thường được đặt ra khi phát sinh quan hệ vay tài sản trong dân sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự đã được phân tích tại mục 1 của bài viết này thì lãi suất được thanh toán cùng với khoản tiền vay khi các bên có thoả thuận hoặc thuộc trường hợp pháp luật quy định phải trả lãi.
Theo đó, khi ký kết hợp đồng vay tiền có thoả thuận về vấn đề lãi suất khi cho vay thì các bên cần lưu ý đến quy định về mức lãi suất trong hợp đồng vay mà pháp luật về dân sự điều chỉnh. Căn cứ theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì lãi suất trong hợp đồng vay tiền được thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Thứ nhất, đối với trường hợp lãi suất được xác lập khi các bên có thoả thuận trả lãi. Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi bên vay và bên cho vay có thoả thuận về lãi suất trong điều khoản tại hợp đồng vay tiền thì mức lãi thoả thuận không được vượt quá 20%/năm, tương đương với khoảng 1,67%/ tháng của khoản tiền vay. Lãi suất có thể vượt quá mức quy định trên khi thuộc một số trường hợp mà pháp luật có quy định khác như lãi suất ngân hàng.
Theo quy định trên, nếu các bên thoả thuận mức lãi suất trong hợp đồng vay vượt quá 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.
– Thứ hai, đối với trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi cùng với khoản tiền vay trong hợp đồng nhưng trong hợp đồng lại không xác định rõ mức lãi suất và khi có tranh chấp về lãi suất thì mức lãi suất trong hợp đồng vay lúc này được xác định bằng 50% của mức lãi suất 20%/năm tại thời điểm trả nợ.
Lưu ý, khi hợp đồng vay có thoả thuận về việc trả lãi kèm theo nợ gốc nhưng quá hạn mà bên vay chưa thành toán cho bên cho vay thì sẽ được tính lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả. Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả (trừ khi các bên có thoả thuận khác).
3.3. Lưu ý về việc thoả thuận kỳ hạn vay tiền trong hợp đồng vay tiền:
Khi thoả thuận và ký kết hợp đồng vay tiền thì các bên có thể thoả thuận về việc thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn hoặc vay có kỳ hạn. Cụ thể như sau:
3.3.1. Thoả thuận về việc thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn:
Các bên có thể thoả thoả thuận với nhau và thể hiện trong điều khoản trong hợp đồng vay về kỳ hạn thanh toán khoản tiền vay. Nếu các bên thoả thuận về việc thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn theo quy định tại Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc thực hiện sẽ dựa trên nguyên tắc sau:
– Thứ nhất, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có thoả thuận về lãi suất (lãi suất 0%) thì bên vay có quyền đòi lại số tiền đã cho vay bất kỳ lúc nào và bên vay phải có nghĩa vụ thanh toán theo đúng thời hạn mà bên cho vay yêu cầu. Tuy nhiên bên cho vay khi đòi lại số tiền đã cho vay trong trường hợp cho vay tiền không kỳ hạn thì phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý (trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác);
– Thứ hai, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tiền cho vay bất kỳ lúc nào nhưng phải bảo đảm báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại số tiền đã cho vay.
Trong trường hợp thoả thuận hợp đồng vay không kỳ hạn thì bên vay cũng có thể trả lại tiền cho bên cho vay bất kỳ lúc nào và phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cả lãi nếu các bên có thoả thuận nhưng cũng phải đảm bảo thời gian báo trước cho bên cho vay.
3.3.2. Thoả thuận về việc thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn:
Khi các bên có thoả thuận về việc thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn sẽ thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 470 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, nguyên tắc thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn được quy định như sau:
– Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
– Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.