Gia đình anh A đã mất, chỉ còn chị B và anh A không để lại di chúc. Hỏi chị B có được hưởng di sản không và các khoản nợ của anh A được thanh toán như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Mình có 1 trường hợp mong luật sư tư vấn giúp! Gia đình anh A không may xảy ra tai nạn đã chết hết. Gia đình chỉ còn 1 em gái tên B. Gia đình vay tiền ngân hàng nên thế chấp giấy tờ nhà 1 tỷ. Không có di chúc. Cho mình hỏi: Chị B có được hưởng tài sản của anh A hay không? Phần nợ của anh A với ngân hàng xử lý như thế nào? Giúp mình nhé!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Hưởng thừa kế khi không có di chúc
Khi người chết để lại di sản mà không có di chúc, di sản đó sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 657 “Bộ luật dân sự 2015”:
“1. 1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;…”
Trong trường hợp anh A mất không để lại di chúc thì di sản anh A để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 676 “Bộ luật dân sự 2015”, thứ tự hưởng thừa kế theo hàng như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, nếu anh A vẫn còn vợ, bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi thì di sản của anh được chia cho họ. Chị B thuộc hàng thừa kế thứ hai nên không được hưởng di sản trong trường hợp này.
Nếu những người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã mất hoặc không có thì di sản của anh sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai, bao gồm: ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột và cháu của anh A mà anh là ông nội. Trong trường hợp này, chị B thuộc hàng thừa kế thứ hai và chỉ được hưởng di sản khi những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã mất hoặc không có. Di sản của anh sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai. Nếu hàng thừa kế thứ hai chỉ còn lại chị B thì chị được hưởng toàn bộ di sản.
2. Xử lý phần nợ ngân hàng của anh A
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 637 “Bộ luật dân sự 2015” về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Như vậy, trước khi chia di sản của anh A, những người hưởng di sản phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của anh A trong phạm vi số di sản anh để lại như tiền công lao động, tiền bồi thường thiệt hại, các khoản nợ…. Về thứ tự ưu tiên thanh toán được quy định tại Điều 683 “Bộ luật dân sự 2015” như sau:
“Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
4. Tiền công lao động;
5. Tiền bồi thường thiệt hại;
6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;
7. Tiền phạt;
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;
9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;
10. Các chi phí khác.”
Như vậy, phần nợ của anh A với ngân hàng sẽ được thanh toán bằng di sản mà anh để lại. Sau khi thanh toán các khoản, còn thừa thì những người thừa kế được hưởng. Nếu phần di sản không đủ để thanh toán nợ thì những người thừa kế không có trách nhiệm trả phần nợ của anh A.
>>> Luật sư