Đồng thừa kế được hiểu đơn giản là những người cùng có quyền hưởng di sản thừa kế do người chết để lại. Hướng dẫn xử lý khi không liên lạc được với đồng thừa kế được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn xử lý khi không liên lạc được với đồng thừa kế:
Đồng thừa kế được hiểu đơn giản là những người cùng có quyền hưởng di sản thừa kế do người chết để lại. Theo quy định của pháp luật hiện nay, tùy trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật mà xác định những người được hưởng di sản thừa kế khác nhau (đồng thừa kế). Cụ thể:
– Đồng thừa kế theo di chúc: Đồng thừa kế theo di chúc là những người cùng được hưởng di sản của người đã mất mà người đó đã chỉ định những người này được hưởng di sản ở trong di chúc (bao gồm di chúc bằng văn bản và di chúc miệng).
– Đồng thừa kế theo pháp luật: Nếu người chết không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật, khi đó đồng thừa kế theo pháp luật chính là những người cùng hàng thừa kế với nhau, bao gồm:
+ Đồng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Đồng thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai, bao gồm tất cả những người sau:
++ Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người chết;
++ Anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
++ Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
+ Đồng thừa kế ở hàng thừa kế thứ ba, bao gồm tất cả những người sau:
++ Cụ nội, cụ ngoại của người chết;
++ Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết;
++ Cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột;
++ Chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Lưu ý rằng, những đồng thừa kế ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do các đồng thừa kế đó đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trong trường hợp các đồng thừa kế có yêu cầu phân chia di sản nhưng lại không thể liên lạc được với một hoặc một số các đồng thừa kế khác thì thủ tục phân chia di sản chưa thể thực hiện luôn được mà phải đợi khi nào “tập hợp” được hết các đồng thừa kế mới có thể thực hiện thủ tục phân chia di sản theo đúng pháp luật, trừ trường hợp một hoặc một số các đồng thừa kế đã chết.
Chính vì thế, nếu trong trường hợp không liên lạc được với đồng thừa kế thì những đồng thừa kế còn lại có thể lựa chọn một trong các cách thức xử lý sau để thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế:
Cách 1: Thực hiện thủ tục yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đó đã chết
Cách 2: Giữ nguyên hiện trạng di sản (không phân chia di sản) và đợi đến khi hết thời hiệu thừa kế (thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế mà pháp luật quy định).
2. Thủ tục yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết khi không liên lạc được với đồng thừa kế:
Thủ tục yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết khi không liên lạc được với đồng thừa kế được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết
Khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết là người có quyền, lợi ích liên quan đến người đó. Chính vì thế, một trong các đồng thừa kế có quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết khi không thể liên lạc được với đồng thừa kế đó. Hồ sơ yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết khi không thể liên lạc được với đồng thừa kế đó, bao gồm:
– Đơn yêu cầu (theo mẫu pháp luật quy định).
– Tài liệu, chứng cứ chứng minh đồng thừa kế đó đã chết theo các trường hợp pháp luật quy định, ví dụ như biệt tích, quyết định của tòa án tuyên bố mất tích, gặp thảm hoạ, thiên tai…
– Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn của người yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết.
– Các giấy tờ chứng minh quyền, nghĩa vụ liên quan giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu tuyên bố đã chết (đồng thừa kế) như di chúc,...
Bước 2: Nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết
Người yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết khi không thể liên lạc được với đồng thừa kế đó nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết đến tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau đây:
– Nộp trực tiếp tại Tòa án;
– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 35 và điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết là Toà án cấp huyện nơi đồng thừa kế bị tuyên bố đã chết cư tru cuối cùng. Ngoài ra, theo điểm a khoản 2 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết còn có quyền chọn Toà án cấp huyện nơi minh cư trú, làm việc để giải quyết.
Bước 3: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết
– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết.
– Nội dung thông báo, việc công bố thông báo và thời hạn thông báo được thực hiện theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 388 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
– Trong thời hạn thông báo, nếu người yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết (đồng thừa kế không liên lạc được) trở về và thông báo cho Tòa án biết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết.
Bước 4: Quyết định tuyên bố đồng thừa kế đã chết
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố đồng thừa kế đã chết thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này thì Tòa án phải xác định ngày chết của đồng thừa kế đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.
3. Những trường hợp được gửi đơn yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố đồng thừa kế là đã chết:
Căn cứ khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tuyên bố chết, theo Điều này thì những trường hợp sau các đồng thừa kế được gửi đơn yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố đồng thừa kế là đã chết khi không thể liên lạc được với đồng thừa kế này:
– Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố đồng thừa kế mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực đồng thừa kế là còn sống;
– Đồng thừa kế biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực đồng thừa kế là còn sống;
– Đồng thừa kế bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày xảy ra tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực đồng thừa kế là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực đồng thừa kế là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật Dân sự.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.