Quy định về di sản thừa kế? Hồ sơ khởi kiện phân chia di sản thừa kế? Trình tự thủ tục khởi kiện phân chia di sản thừa kế?
Trên thực tế chúng ta có thể thấy, việc chia di sản và hưởng di sản thừa kế không còn quá xa lạ đối với chúng ta ngay từ khi chưa có hiểu biết nhiều về pháp luật. Trong
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Quy định về di sản thừa kế:
Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Di sản thừa kế có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản thuộc sở hữu của người chết để lại cho những người còn sống.
Theo đó, người được hưởng di sản thừa kế tiến hành khai nhận di sản thừa kế như sau:
Về hồ sơ pháp lý các bên khai nhận di sản thừa kế gồm những giấy tờ sau:
– CMND hoặc hộ chiếu (bản chính kèm bản sao) của từng người nhận thừa kế
– Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (bản chính kèm bản sao)
– Giấy ủy quyền
– Giấy khai sinh, Giấy xác nhận con nuôi; bản án, sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác (bản chính kèm bản sao) chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế.
Hồ sơ pháp lý của người đề lại di sản thừa kế
– Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản, giấy báo tử, bản án tuyên bố đã chết (bản chính kèm bản sao).
– Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (bản chính kèm bản sao)
– Di chúc (nếu có)
Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
– Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất ở do UBND cấp
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất, các loại giấy tờ khác về nhà ở (bản chính kèm bản sao);
– Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa – hợp thức hóa do UBND quận/huyện cấp có xác nhận của Phòng thuế trước bạ và thổ trạch ;
– Văn tự bán nhà được UBND chứng nhận (nếu có); Biên lai thu thuế nhà đất (nếu có)
– Giấy phép xây dựng (nếu có)
– Biên bản kiểm tra công trình hoàn thành (nếu có)
– Bản vẽ do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện, đã được UBND hoặc Phòng Tài nguyên và môi trường xác nhận kiểm tra nội nghiệp, quy hoạch (nếu có)/.
– Giấy tờ về tài sản khác (Sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy xác nhận của ngân hàng mở tài khoản, giấy đăng ký xe ô tô, cổ phiếu, …)
Theo đó, việc xác định di sản thừa kế mà người chết để lại căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp đối với khối tài sản đó. Đối với trường hợp di sản thừa kế là tài sản thuộc sở hữu chung thì việc xác định tài sản chung của người để lại di sản có thể dựa trên những thỏa thuận đã có từ trước hoặc căn cứ vào văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Hồ sơ và trình tự thủ tục khởi kiện phân chia di sản thừa kế:
– Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
+ Không có di chúc;
+ Di chúc không hợp pháp;
+ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
– Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
+ Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
+ Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
+ Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trong Bộ luật quy định về người thừa kế theo pháp luật khi có di sản thừa kế để lại gồm:
– Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo đó, trong trường hợp của bạn là thừa kế theo pháp luật áp dụng trong trường hợp không có di chúc để lại của cha mẹ và cả bạn và anh trai trong trường hợp chứng minh được nhân thân thì khi khởi kiện chia thừa kế đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất và hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau.
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Nếu còn trong thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì bạn có quyền khởi kiện anh trai bạn tới Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế.
Nếu bạn không tới trực tiếp Tòa án thì bạn có thể gửi hồ sơ khởi kiện thông qua đường bưu điện. Hồ sơ khởi kiện phân chia di sản thừa kế gồm:
– Đơn khởi kiện chia di sản thừa kế;
– Giấy khai sinh bản chính của bạn;
– Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
– Bản kê khai các di sản;
– Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
– Chứng minh thư nhân dân bản sao có chứng thực
– Sổ hộ khẩu gia đình của bạn bản sao có chứng thực
Thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh trai bạn đang sinh sống.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
+ Yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;
+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Theo đó, Tòa án sẽ xem xét những tài liệu, chứng cứ, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp, đương sự nộp lại biên lai thu tiền cho Tòa án, tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Theo quy định của Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Đối với yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại, thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Nếu bạn không có giấy khai sinh bản chính thì bạn có thể nộp thay bằng giấy khai sinh bản sao và khi nộp hồ sơ khởi kiện bạn nêu rõ lý do vì sao bạn không cung cấp được giấy khai sinh bản chính.
Như vậy, trong trường hợp của bạn thì bạn chứng minh được mối quan hệ nhân thân của mình đối với người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì bạn có quyền khởi kiện khi không được thừa hưởng di sản. Để khởi kiện anh trai của bạn thì bạn cần phải chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm các giấy tờ chúng tôi đã nêu bên trên gồm giấy tờ cá nhân như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, giấy chứng tử của người để lại di sản,… và nộp đến Tòa án nơi anh trai bạn đang sinh sống.