Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con non, con chết sau sinh. Điều kiện, thủ tục hưởng chế độ thai sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Em thai 6 tháng và sinh bé mất tại bệnh viện, giấy ra viện ghi do sinh non, bên bảo hiểm xã hội không chấp nhận phải sửa lại đã sinh non và con mất hoặc có bản sao bệnh án, nhưng em hỏi bệnh viện không sửa được giấy ra viện và không cho bản sao. Em không biết sao, mong luật sư giúp em?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào Điều 31Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con…”.
Như vậy, khi bạn sinh con và con bạn bị mất tại bệnh viện thì trong trường hợp này bạn chỉ được hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội chỉ khi bạn đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Căn cứ vào Điều 34 Luật bảo hiễm xã hội 2014 thì khi bạn sinh con non, mất tại bệnh viện thì bạn sẽ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con, nếu bạn sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con bạn được nghỉ thêm 01 tháng nhưng không được nghỉ quá 06 tháng, thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Luật sư
Mức hưởng chế độ thai sản của một tháng sẽ bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Căn cứ vào Điều 9 Quyết định số 636/QĐ-BHXH hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội sinh con mà con chết sẽ bao gồm :
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
+ Trường hợp con chết sau khi sinh chưa có giấy chứng sinh thì cần phải có giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của con hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ.
Như vậy, khi đủ các điều kiện và cung cấp đủ các loại giấy tờ nói trên thì bạn mới được hưởng chế độ thai sản. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu muốn hưởng chế độ thai sản thì bắt buộc bạn phải có một trong các loại giấy tờ như giấy chứng tử; trích lục khai tử hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của bạn. Như bạn đã cung cấp, khi bệnh viện đã khai sai thông tin tình hình bệnh án của bạn vào trong giấy ra viện là dọa sinh con thì bạn phải đến yêu cầu bệnh viện sửa lại là đã sinh con và con mất; hoặc bạn yêu cầu bệnh viện phải cung cấp cho bạn trích sao hồ sơ bệnh án.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thai chết lưu có được hưởng chế độ thai sản không?
- 2 2. Nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ có được hưởng chế độ thai sản?
- 3 3. Chế độ thai sản đối với trường hợp thai chết lưu
- 4 4. Con chết sau khi sinh được hưởng chế độ thai sản như thế nào?
- 5 5. Lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi nào?
1. Thai chết lưu có được hưởng chế độ thai sản không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, chị gái tôi đã tham gia bảo hiểm được 10 năm, nay chị gái tôi đang mang thai được 34 tuần, tức là khoảng 8 tháng. Tuy nhiên do một số vấn đề liên quan đến cá nhân khác mà chị gái tôi bị thai lưu. Vậy chị tôi có được nghỉ lâu không? Có được hưởng giống như chế độ thai sản hay không? Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Chị gái bạn đóng bảo hiểm được 10 năm, nếu trường hợp của chị bạn bị thai lưu thì vẫn thuộc trường hợp hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất:Luật bảo hiểm xã hội 2006 có quy định
“Điều 28. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;
d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.
2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. “
Như vậy, chị gái bạn phải bảo đảm được điều kiện hưởng trong trường hợp này trước theo đó tại Điều 30 “Luật bảo hiểm xã hội mới nhất 2021” quy định về thời gian hưởng như sau:
“Điều 30. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu
Khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản mười ngày nếu thai dưới một tháng; hai mươi ngày nếu thai từ một tháng đến dưới ba tháng; bốn mươi ngày nếu thai từ ba tháng đến dưới sáu tháng; năm mươi ngày nếu thai từ sáu tháng trở lên.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”
Chị gái bạn bị thai chết lưu khi thai được khoảng 8 tháng thì sẽ được nghỉ 50 ngày.
Thứ hai: Chị bạn vẫn được hưởng chế độ thai sản theo đúng quy định tại Điều 35 “Luật bảo hiểm xã hội mới nhất 2021”.
2. Nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ có được hưởng chế độ thai sản?
Tóm tắt câu hỏi:
Cuối tháng 10/2014, tôi bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội tại công ty cho đến nay. Ngày 15/2/2016, tôi báo nghỉ với lý do đã có thai được 4 tháng 10 ngày, vì sức khỏe yếu nên bác sĩ nói tôi phải nghỉ. Công ty buộc tôi làm hết 30 ngày, trong đó 15 ngày sau thì phải bồi thường hợp đồng với lý do nghỉ không hợp lý. Ngày 15/3/2016, tôi chính thức chấm dứt hợp đồng với công ty. Vậy tôi có được hưởng chế độ thai sản không?
Luật sư tư vấn:
Khoản 1 Điều 37 “Bộ luật lao động 2019” quy định:
1. Người lao động làm việc theo
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
Như vậy, trường hợp lao động nữ mang thai nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền là một trong những trường hợp được quy định trong quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động trước thời hạn. Tuy nhiên, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải tuân thủ thời hạn báo trước theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 “Bộ luật lao động 2019”:
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Do đó, lao động nữ mang thai nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và phải báo trước cho người sử dụng lao động tuân theo thời hạn quy định tại Điều 156 “Bộ luật lao động 2019”. Theo đó, thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi
Việc công ty bạn yêu cầu bạn phải làm việc hết 30 ngày và bồi thường khoản tiền trong 15 ngày là hoàn toàn không có căn cứ, vi phạm quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ mang thai. Việc bồi thường cho công ty chỉ tiến hành khi phía người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật theo quy định tại Điều 41 “Bộ luật lao động 2019”. Bạn có thể khiếu nại công ty đối với hành vi vi phạm này để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Như vậy, lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, đáp ứng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014.
3. Chế độ thai sản đối với trường hợp thai chết lưu
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi là vợ em mang thai được 37 tuần nhưng đã bị thai lưu, vợ em đóng bảo hiểm xã hội được 3 năm liên tục như vậy vợ em có được hưởng chế độ thai sản không? Mức hưởng như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 33 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý được quy định như sau:
“- Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
+ 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
+ 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
+ 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
+ 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”
Căn cứ Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng chế độ thai sản:
“- Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
+ Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
+ Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
+ Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.”
Vợ bạn bị thai chết lưu 37 tuần tuổi, vợ bạn được nghỉ tối đa 50 ngày.
* Mức hưởng của bạn được tính như sau:
+ Một tháng (30 ngày) bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
+ 20 ngày còn lại mức hưởng tính như sau: Mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
4. Con chết sau khi sinh được hưởng chế độ thai sản như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Em đang đi làm, đã đóng BHXH được trên 6 tháng, đủ điều kiện hưởng thai sản, ngày 28/2/2017 em sinh non 22 tuần 3 ngày, con em chết sau khi sinh, vậy luật sư cho em hỏi, trường hợp của em được nghỉ bao nhiêu ngày và mức hưởng thai sản là bao nhiêu? Chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 34
“Điều 34. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
……
3. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.”
Theo như bạn trình bày, bạn sinh non, con bạn mất sau khi sinh thì bạn sẽ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, khi hết thời gian hưởng chế độ thai sản nói trên mà trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc sức khỏe chưa phục hồi thì bạn được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
Trong vòng 45 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc, bạn phải nộp hồ sơ để hưởng chế độ thai sản. Trường hợp con chết sau khi sinh, hồ sơ bao gồm:
– Sổ bảo hiểm xã hội;
– Giấy khai sinh hoặc trích lục giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
– Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của con hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh.
5. Lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Cho em hỏi vấn đề về chế độ hưởng thai sản. Em có tham gia đóng bảo hiểm từ tháng 4/2015 cho tới 30/3/2018 đóng liên tục ạ. Em dự sinh 30/5/2018 vậy nếu em sinh vào đầu tháng 6/2018 thì em có được hưởng chế độ thai sản theo bộ luật quy định không ạ ? Em xin cảm ơn !?
Luật sư tư vấn:
Với thông tin bạn cung cấp thì bạn dự sinh 30/5/2018 nhưng nếu bạn sinh vào đầu tháng 6/2018 thì bạn vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Bởi, theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì điều kiện để hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con như sau:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
…
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.”
Theo đó, bạn chỉ được hưởng chế độ thai sản khi bạn đáp ứng một trong các điều kiện:
– Bạn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
– Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con đối với trườg hợp người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Luật sư tư vấn pháp luật về chế độ thai sản đối với lao động nữ: 1900.6568
Bên cạnh đó, thời gian 12 tháng trước khi sinh con theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được quy định như sau:
“1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.”
Đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì nếu bạn sinh là tháng 6/2018. Như vậy, tính lùi về 12 tháng trước khi sinh là tháng 7/2017 đến tháng 6/2018. Và bạn nêu bạn có tham gia đóng bảo hiểm từ tháng 4/2015 cho tới 30/3/2018 đóng liên tục. Như vậy, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2018, bạn đã đóng được 9 tháng bảo hiểm xã hội nên bạn đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Khi đó bạn sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản là 06 tháng căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Trường hợp bạn sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, bạn sẽ được nghỉ thêm 01 tháng.
Sau khi sinh, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày bạn trở lại làm việc thì bạn cần nộp hồ sơ cho công ty nơi bạn đang làm việc để công ty thực hiện thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thai sản. Về hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 101 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 9 Quyết định 636/QĐ-BHXH gồm các giấy tờ sau:
– Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
– Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc bạn phải nghỉ việc để dưỡng thai.
– Sổ bảo hiểm xã hội của bạn;
Về mức hưởng chế độ thai sản: Theo quy định tại Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng thai sản một tháng mà bạn sẽ được hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Bên cạnh đó, bạn sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.