Hiện nay, vấn đề nhập khẩu hàng hóa là việc thu mua hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam để tiêu thụ, chế biến, sử dụng trong nước thông qua thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật. Gần đây, trong giai đoạn gần tết Nguyên Đán nhiều mặt hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường, nhiều trường hợp bị phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự để có thể răn đe hành vi vi phạm nhập khẩu hàng hóa không có xuất xứ này.
Mục lục bài viết
1. Hàng hóa nhập khẩu không có xuất xứ sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 52 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP, Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn gốc; không có nhãn hàng hóa hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, hoặc bị thay đổi được quy định như sau:
1) Trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến dưới 5.000.000 đồng thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
2) Trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
3) Trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
4) Trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
5) Trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng;
6) Trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng thì phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng;
7) Trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
8) Trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị 100.000.000 đồng trở lên thì phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng;
9) Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt nêu trên trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.”.
Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau:
– Tịch thu tang vật vi phạm là hàng hóa có nhãn hàng hóa thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền quốc gia hoặc các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục Việt Nam;
– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng;
Ngoài ra, áp dụng thêm các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
– Đối với hành vi vi phạm nêu tại mục 1, 2, 4 nêu trên được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông;
– Buộc thu hồi hàng hóa và buộc loại bỏ hình ảnh, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; buộc thu hồi và tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa gian lận về thời hạn sử dụng đối với hành vi vi phạm nêu tại mục 3 nêu trên;
– Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm nêu trên.
2. Hàng hóa xuất xứ được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP thì hàng hóa có xuất xứ được hiểu là hàng hóa hoặc nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi theo quy định tại Chương II hoặc quy tắc xuất xứ không ưu đãi theo quy định tại Chương III Nghị định 31/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Cụ thể:
Thứ nhất, căn cứ theo quy định Chương II Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định quy tắc xuất xứ ưu đãi như sau:
– Quy tắc xuất xứ ưu đãi theo Điều ước quốc tế:
Việc xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn Điều ước quốc tế đó.
– Quy tắc xuất xứ ưu đãi theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác:
Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác sẽ được thực hiện theo quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu dành cho các ưu đãi này và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn quy tắc xuất xứ đó.
Thứ hai, đối với quy tắc xuất xứ không ưu đãi:
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định hàng hóa xuất xứ là hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Trường hợp 1: Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, nhưng đáp ứng các quy định tại Điều 8 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
+ Hàng hóa được coi là có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nếu hàng hóa đó đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuộc Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng do Bộ Công Thương quy định.
+ Bộ Công Thương ban hành Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ và hướng dẫn cách xác định các tiêu chí xuất xứ hàng hóa.
– Trường hợp 2: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 31/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:
Hàng hóa có xuất xứ thuần túy được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ trong các trường hợp sau:
1) Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại nhóm nước, nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
2) Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nhóm nước, nước hoặc vùng lãnh thổ đó.
3) Các sản phẩm thu được từ nuôi trồng, thu lượm, săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt hoặc săn bắt tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
4) Các sản phẩm từ động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nhóm nước, nước hoặc vùng lãnh thổ đó.
5) Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, không được liệt kê từ nội dung 1), 2), 3), 4) nêu trên, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
6) Các sản phẩm lấy từ dưới đáy biển hoặc lấy từ nước, đáy biển bên ngoài lãnh hải của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, tuy nhiên phải đáp ứng điều kiện nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.
7) Các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của nhóm nước, nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
8) Các sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất ngay trên tàu từ các sản phẩm nêu tại mục 7) nêu trên sẽ được đăng ký ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
9) Các vật phẩm thu được trong quá trình sản xuất hoặc các vật phẩm thu được trong quá trình tiêu dùng ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó hiện không còn thực hiện được chức năng ban đầu, không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các vật liệu thô, nguyên liệu hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.
10) Các hàng hóa thu được hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu từ mục nội dung 1) đến 9) nêu trên tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
3. Trách nhiệm kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 31/2018/NĐ-CP việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện như sau:
Thứ nhất, Bộ Công Thương hướng dẫn việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trước và sau khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của thương nhân trong các trường hợp sau:
1) Kiểm tra hồ sơ, kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do Bộ Công Thương cấp hoặc do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp hoặc do thương nhân tự chứng nhận xuất xứ theo yêu cầu của cơ quan hải quan nước nhập khẩu;
2) Có trách nhiệm phối hợp kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của thương nhân để kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan nước nhập khẩu trong trường hợp kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo nội dung tại 1) nêu trên mà không được chấp nhận;
3) Phải tiến hành việc thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất đối với thương nhân trước khi được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc đối với thương nhân đề nghị tham gia tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trước khi xem xét việc cấp Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Bộ Công Thương;
4) Thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất đối với thương nhân sau khi phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Bộ Công Thương hoặc đối với thương nhân sau khi được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
5) Có trách nhiệm chủ trì cùng các cơ quan hữu quan trong nước, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra của nước nhập khẩu để kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
Thứ hai, Bộ Tài chính hướng dẫn việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan trong các trường hợp sau:
1) Đối với hàng hóa nhập khẩu:
– Tiến hành xác minh, kiểm tra xuất xứ hàng hóa của thương nhân nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu;
– Tiến hành việc gửi yêu cầu kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu một cách ngẫu nhiên hoặc khi có lý do nghi ngờ tính xác thực của các thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hóa thuộc diện nghi ngờ; tính chính xác của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
– Thành lập đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất của thương nhân nước xuất khẩu theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong trường hợp không chấp nhận kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc cơ quan hải quan, đồng thời
2) Đối với hàng hóa xuất khẩu, tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của thương nhân xuất khẩu trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, đảm bảo hàng hóa khai báo đúng xuất xứ.
Đối với trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, Bộ Tài chính thông báo với Bộ Công Thương để phối hợp trong việc chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp;
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 31/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa;
– Nghị định 126/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.