Dịch vụ logistics là gì? Giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của Nghị định số 163/2017/NĐ-CP? Vai trò của Logistics trong thực tiễn?
Ngày nay, ta hiểu khái niệm Logistics như sau: Đây là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư ở khâu đầu vào và sản phẩm cuối cùng ở khâu đầu ra từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. Cùng với quá trình phát triển của mình, logistics đã góp phần làm đa dạng hóa khái niệm vận tải giao nhận truyền thống. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ thương mại quốc tế, nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa thực sự bùng nổ khiến logistics trở thành một dịch vụ có vai trò vô cùng quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho người kinh doanh dịch vụ này. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ logistics.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Dịch vụ logistics là gì?
Trong Bộ Luật thương mại, điều 233
“ Dịch vụ logistics là thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
Các doanh nghiệp khai thác bất kỳ một trong các hành vi trên bao gồm bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa thì đã thực hiện dịch vụ logistics.
Vì hoạt động logistics theo dây chuyền, nên nếu logistics tối ưu thì quá trình kinh doanh cũng được tối ưu giúp cho sản phẩm được vận chuyển nhanh nhất tới tay khách hàng, giá trị và tính cạnh tranh thương hiệu sẽ tăng lên đem lại những lợi ích về kinh tế cho doanh nghiệp. Hiệu quả của logistics không chỉ áp dụng cho hoạt động thương mại trong nước. Nó còn có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa giữa các quốc gia.
Các hoạt đồng của dịch vụ logistics chịu sự điều phối và quản lý của pháp luật. Vì vậy nó được kiểm soát bằng những quy định cụ thể trong luật thương mại 2005 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
3. Giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của Nghị định số 163/2017/NĐ-CP:
Căn cứ pháp lý: Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.
3.1. Về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics:
– Đối với thương nhân trong nước: thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc mười bảy loại dịch vụ logistics quy định tại Điều 3 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó. Nếu tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
– Đối với nhà đầu tư nước ngoài: Ngoài việc đáp ứng các điều kiện nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều kiện cụ thể sau đây:
+ Đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa):
Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp (tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%).
Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.
Công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp.
+ Đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (có thể dành riêng một số khu vực để cung cấp các dịch vụ hoặc áp dụng thủ tục cấp phép tại các khu vực này):
Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%.
Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức
+ Đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay:
Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%.
+ Đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển:
Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
+ Đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải:
Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.
+ Đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ:
Nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%.
Tất cả lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.
+ Đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không:
Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không.
+ Đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật:
Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước sau ba năm hoặc dưới hình thức doanh nghiệp trong đó không hạn chế vốn góp nhà đầu tư nước ngoài sau năm năm, kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.
Nhà đầu tư nước ngoài không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.
Việc thực hiện dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.
Lưu ý: Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó.
3.2. Giới hạn trách nhiệm:
Giới hạn trách nhiệm được hiểu là hạn mức tối đa mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dịch vụ logistics.
Đối với những trường hợp pháp luật liên quan có quy định cụ thể về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan đó.
Còn đối với các trường hợp pháp luật liên quan không quy định giới hạn trách nhiệm thì giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện như sau theo quy định của Nghị định.
– Trong tường hợp khách hàng không nhận được thông báo trước về trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường của khách hàng,
+ Trong trường hợp khách hàng đã nhận được thông báo trước về trị giá của hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.
+ Đối với trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức thực hiện nhiều công đoạn có quy định giới hạn trách nhiệm khác nhau: giới hạn trách nhiệm của công đoạn có giới hạn trách nhiệm cao nhất.
3. Vai trò của Logistics trong thực tiễn:
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, khi mà thị trường trên thế giới không ngừng phát triển thì lĩnh vực Logistics càng trở nên quan trọng và đóng 1 vai trò rất to lớn trong cuộc chiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau với nhau. Ý nghĩa của Logistics sẽ đem lại cho doanh nghiệp sẽ chiến thắng nếu các doanh nghiệp đó xây dựng được cho mình 1 hệ thống quản lý Logistics hiệu quả.
Nhờ những vai trò Logistics đem lại mà các doanh nghiệp có thể giải được bài toán nguyên vật liệu từ đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm một cách hiệu quả nhất.
Logistics còn giúp doanh nghiệp giảm tải được các nguồn chi phí vận hành , chi phí vận chuyển khác thông qua đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác.
Rất nhiều doanh nghiệp lớn trong nước cũng như trên thế giới đã nhận ra được tầm quan trọng của Logistics, từ đó tập trung cây dựng và phát triển các chiến lược Logistics để đạt được những thành công lớn.
Một vai trò quan trọng nữa là Logistics còn là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho hoạt động Marketing của các doanh nghiệp. Bằng cách đưa sản phẩm đến đúng thời điểm mà khách hàng đang có nhu cầu nhất, từ đó làm thỏa mãn khách hàng và đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.