Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức cao thì xu hướng người nước ngoài tới làm việc tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đối với người lao động nước ngoài, giấy phép lao động là giấy tờ rất quan trọng vì đây là cơ sở pháp lý cho phép người nước ngoài làm việc hợp pháp và lưu trú tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Giấy phép lao động là gì?
Giấy phép lao động là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cho phép người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam.
Các trường hợp được cấp giấy phép lao động theo quy định pháp luật Việt Nam:
- Người nước ngoài vào thực hiện hợp đồng lao động;
- người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
- Người vào vào thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;
- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
- Người vào Việt Nam chào bán dịch vụ;
- Người nước ngoài làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tình nguyện viên nước ngoài;
- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
- Người nước ngoài là Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
- Người tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
Các trường hợp không phải xin giấy phép lao động:
- Người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc với thời hạn dưới 03 (ba) tháng; hoặc để xử lý các trường hợp khẩn cấp như: những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được;
- Người nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập theo Luật Doanh nghiệp) các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Người nước ngoài là Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng Chi nhánh tại Việt Nam;
- Luật sư nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Giấy phép lao động tiếng Anh là Work Permit
2. Điều kiện để xin giấy phép lao động:
Người sử dụng lao động được tuyển lao động nước ngoài khi người lao động nước ngoài có đủ các điều kiện sau:
– Đủ 18 tuổi trở lên.
– Có sức khoẻ phù hợp với yêu cầu công việc.
– Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống), có nhiều kinh nghiệm và thâm niên trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, kinh doanh hoặc những công việc quản lý mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.
– Đối với người lao động nước ngoài xin vào hành nghề y, dược tư nhân, trực tiếp khám, chữa bệnh tại Việt Nam phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về hành nghề y, dược tư nhân.
– Không có tiền án, tiền sự; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài
– Có giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ đủ 03 (ba) tháng trở lên, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp không phải cấp giấy phép lao động quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
3. Quy trình xin giấy phép lao động cho người nước ngoài:
Hồ sơ xin giấy phép lao động.
– Đơn đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài;
– Giấy chứng nhận sức khỏe khám tại nước ngoài hoặc giấy khám sức khỏe khám tại Việt Nam tại các bệnh viện, phòng khám, có sở y tế đủ điều kiện theo quy định của Bộ y tế (trong thời hạn 12 tháng).
– Lý lịch tư pháp của người nước ngoài cấp tại nước ngoài hoặc phiếu lý lịch số 1 được cấp tại Việt Nam (được cấp không quá 06 tháng).
– Văn bản thông báo chấp thuận vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài.
– Bản chứng thực hộ chiếu và visa của người nước ngoài.
– Văn bản chứng minh là quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, giáo viên ( Bằng đại học, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc nước ngoài tối thiểu là 03 năm,…)Ngoài ra, đối với các ngành, nghề có yêu cầu đặc biệt (cầu thủ bóng đá, phi công, bảo dưỡng máy bay) hoặc các trường hợp lao động nước ngoài cung cấp dịch vụ hoặc thực hiện hợp đồng, chào bán dịch vụ…tại Việt Nam, hồ sơ sẽ bao gồm các giầy tờ khác theo quy định của pháp luật.)
– 02 ảnh màu, kích thước 4×6, phông nền trắng, không đeo kính.
– Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài ( tùy từng trường hợp theo quy định:
Lưu ý: Các giấy tờ được cấp ở nước ngoài hoặc được cấp bởi cơ quan Đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam phải được Hợp pháp hoá lãnh sự và dịch thuật công chứng ra tiếng Việt.
- Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.
– Bước 1: Doanh nghiệp, tổ chức xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài.
Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) gửi báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo quy định mới từ thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 02/10/2017, người sử dụng lao động còn có thể thực hiện nộp tờ khai và báo cáo này thông qua cổng thông tin điện tử địa chỉ http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn. Thủ tục như sau:
- Người sử dụng lao động đăng ký tài khoản tại cổng thông tin điện tử nêu trên và nộp hồ sơ bằng tài khoản đã lập, trong thời hạn ít nhất là 20 ngày trước ngày dự kiến sử dụng lao động nước ngoài;
- Trong vòng 12 ngày kể từ ngày nhận được tờ khai và báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài hợp lệ, cơ quan chấp thuận sẽ gửi kết quả qua thư điện tử của người sử dụng lao động. Nếu hồ sơ nộp chưa hợp lệ, cơ quan chấp thuận sẽ ra thông báo chỉnh sửa.
- Sau khi có chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện hồ sơ bản gốc cho cơ quan chấp thuận. Trong thời hạn 08 giờ cơ quan nhận được bản gốc hồ sơ, cơ quan chấp thuận sẽ trả bản gốc kết quả chấp thuận cho người sử dụng lao động.
- Hồ sơ bao gồm: Mẫu báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài (theo mẫu
thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH ).
– Bước 2: Chuẩn bị và nộp hồ sơ.
Nếu đơn vị sử dụng lao động Nộp hồ sơ qua mạng, thời hạn trả kết quả là 05 ngày. Cơ quan chấp thuận sẽ cấp Giấy phép lao động nếu hồ sơ hợp lệ hoặc ra thông báo chỉnh sửa hồ sơ nếu có sai sót. Sau khi nhận được Giấy phép lao động qua thư điện tử, người sử dụng lao động sẽ nộp bản gốc hồ sơ cho cơ quan cấp phép và nhận bản gốc giấy phép lao động.
Trường hợp doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động tại Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh (thành phố) nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Trường hợp doanh nghiệp có trụ sở thông thường nộp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh (thành phố).
Các trường hợp tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, hiệp hội … theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH thì nộp hồ sơ xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Cục việc làm – Bộ lao động – Thương binh và xã hội.
Nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền thì sau 07 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động sẽ nhận được kết quả.
– Bước 3: Ký kết hợp đồng lao động và báo cáo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trước ngày dự kiến bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản.
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ gửi bảo sao hợp đồng lao động tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
+ Thời hạn báo cáo: 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động;
+ Cơ quan nhận báo cáo: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Bước 4: Xin cấp thẻ tạm trú cho người lao động nước ngoài.
Thời hạn của thẻ tạm trú sẽ là 02 năm kể từ ngày bắt đầu có giá trị hiệu lực của thẻ.
Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo từng hình thức vào Việt Nam làm việc nhưng không quá 02 năm.
Trong trường hợp người nước ngoài tại Việt Nam làm việc theo hợp đồng thì thời hạn sẽ theo thời hạn dự kiến trong hợp đồng lao động ký kết. Khi thời hạn còn ít nhất 5 ngày thì người nước ngoài cần lưu ý xin cấp lại giấy phép lao động.
4. Các doanh nghiệp được tuyển dụng lao động nước ngoài:
– Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
– Các nhà thầu (thầu chính, thầu phụ) nước ngoài nhận thầu tại Việt Nam.
– Văn phòng đại diện, chi nhánh của các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, đào tạo, y tế.
– Các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
– Các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
– Các cơ sở y tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo, thể thao (kể cả các cơ sở thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).
– Văn phòng dự án nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam.
– Văn phòng điều hành của bên hợp doanh nước ngoài theo
– Các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Hợp tác xã.
- Người sử dụng lao động quy định tại mục 1 trên đây được tuyển lao động nước ngoài với tỷ lệ không quá 3% so với số lao động hiện có của doanh nghiệp, ít nhất cũng được tuyển 01 người.
- Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù sử dụng ít lao động hoặc ở giai đoạn mới đầu tư, sản xuất chưa ổn định mà có nhu cầu tuyển lao động nước ngoài vượt quá tỷ lệ 3% thì trình Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét và chấp thuận bằng văn bản trên cơ sở yêu cầu thực tế của từng doanh nghiệp.
- Đối với những người sử dụng lao động quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Mục 1 trên đây không quy định tỷ lệ lao động nước ngoài được tuyển dụng, nhưng nếu muốn tuyển lao động nước ngoài phải được sự chấp thuận của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức quy định tại Điều 1 của Nghị định này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyết định phê duyệt dự án hoặc cấp giấy phép hoạt động trong đó có quy định số lượng lao động nước ngoài được sử dụng thì không phải xin chấp thuận của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết luận: Giấy phép lao động là một trong số các giấy tờ cần thiết phải có khi người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài. Doanh nghiệp cần lưu ý để làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động hoặc xin cấp lại giấy phép lao động, tránh trường hợp bị xử phạt đáng tiếc.