Giám định khuyết tật ở đâu? Thủ tục giám định khuyết tật? Cơ cấu, tổ chức của Hội đồng giám định y khoa các cấp?
Hiện nay, theo như quy định của pháp luật hiện hành thì đối với những người khuyết thực hiện việc giám định khuyết tật để hưởng các chế độ chính sách của nhà nước đối với người khuyết tật. Nhưng không phải người khuyết tật nào cũng biết về việc đi giám định khuyết tật ở đâu? Thủ tục giám định khuyết tật được pháp luật người khuyết tật quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về nội dung này trong bài viết chi tiết dưới đây:
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
– Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 năm 2010, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011;
–
–
1. Giám định khuyết tật ở đâu?
Giám định khuyết tật là việc mà người khuyết tật đến các cơ quan giám định khuyết tật giám định về mức độ khuyết tật của mình để hưởng các chế độ, chính sách của người khuyết tật. Vậy theo như quy định tại Điều 15 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về nơi người khuyết tât đến giám định khuyết tật, cụ thể việc xác định mức độ khuyết tật thường được quy định tại Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Pháp luật này cũng quy định về các trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định y khoa thực hiện
Bên cạnh đó, đối với những người khuyết tật thuộc các trường hợp đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì việc xác định mức độ khuyết tật theo quy định của Chính phủ.
2. Thủ tục giám định khuyết tật?
Tóm tắt câu hỏi:
Cháu tên là Dung, quê ở huyện Cần Giờ, con cháu tên là Vân sinh năm 2008. Con cháu năm nay 7 tuồi đang học lớp 2 trí não phát triển bình thường, nhưng con cháu chỉ cao 90 cm, xương cánh tay và chân ngắn ngủn, hai chân cong hình chữ O. Cho cháu hỏi là con cháu có phải là khuyết tật không, nếu phải thì cháu đến đâu để giám định khuyết tật. Cháu mong nhận được thư trả lời của công ty Dương Gia ạ!
Luật sư tư vấn:
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Nếu gia đình bên bạn xác định được những dấu hiệu khuyết tật của bé nhà mình, bên bạn nên thực hiện thủ tục theo quy định của Luật người khuyết tật 2010 như sau:
Thứ nhất: Khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.
Thứ hai: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Thứ ba: Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận.
Thứ tư: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.=
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ xác định mức độ khuyết tật quy định tại Điều này.
Thành phần hồ sơ:
Trường hợp Hội đồng xác định mức khuyết tật không kết luận được mức độ khuyết tật, hồ sơ gồm:
– Giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi cư trú;
Trường hợp đối tượng sống ở Trung tâm nuôi dưỡng phải có giấy xác nhận, trong giấy xác nhận ghi rõ họ tên, tuổi, dán ảnh đối tượng, đóng dấu giáp lai của Trung tâm và Trung tâm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác nhận đó.
– Bản sao biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, trong đó có ghi rõ Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;
– Bản sao các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh, tật: Giấy ra viện, giấy phẫu thuật và các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
– Biên bản xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng Giám định y khoa lần gần nhất (nếu có).
Trường hợp người khuyết tật hoặc người đại diện của người khuyết tật không đồng ý kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, hồ sơ gồm:
– Giấy giới thiệu có ảnh và dấu giáp lai như trên;
– Bản sao biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
– Bản sao các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh, tật: Giấy ra viện, giấy phẫu thuật và các giấy tờ liên quan khác (nếu có). Biên bản xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng Giám định y khoa lần gần nhất (nếu có);
– Giấy kiến nghị của người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật về kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
Trường hợp có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, không chính xác, hồ sơ khám giám định gồm các giấy tờ sau:
– Các giấy tờ như mục Trường hợp người khuyết tật hoặc người đại diện của người khuyết tật không đồng ý kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật ngoài ra, cần chuẩn bị thêm:
– Bằng chứng xác thực về việc không khách quan, không chính xác của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật như biên bản họp, giấy kiến nghị, ảnh chụp, băng ghi hình hoặc các chứng cứ khác.
Yêu cầu và điều kiện:
+ Giấy giới thiệu của UBND xã nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, trong giấy giới thiệu ghi rõ người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi đối tượng đang cư trú.
+ Biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (bản sao Biên bản).
+ Các giấy tờ theo quy định :
. Bản sao các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh, tật: Giấy ra viện, giấy phẫu thuật và các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
. Biên bản xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng Giám định y khoa lần gần nhất (nếu có).
+ Giấy kiến nghị của người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật về kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
3. Cơ cấu, tổ chức của Hội đồng giám định y khoa các cấp
Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh là tổ chức gồm những thành viên kiêm nhiệm và có chuyên môn về y tế do Giám đốc Sở Y ế quyết định thành lập- Gồm Hội đồng giám định y khoa của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, theo như quy định của pháp luật hiện hành thì mỗi tỉnh, thành phố sẽ thành lập một Hội đồng giám định y khoa và có con dấu riêng, không có tư cách pháp nhân và không có tài khoản riêng. Bên cạnh đó Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh thì có nhiệm kỳ hoạt động theo như quy định là 05 năm kể từ ngày ký quyết định thành lập với số thành viên của hội đồng bao gồm 5 người và mỗi người giữ một chức vụ khác nhau và được quy định, cụ thể: 01 Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Y tế; 02 Phó chủ tịch hội đồng gồm: 01 Phó chủ tịch thường trực là lãnh đạo trung tâm giám định y khoa cấp tỉnh, 01 Phó chủ tịch chuyên môn là Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh; 01 Uỷ viên thường trực là viên chức Trung tâm giám định y khoa tỉnh; 01 Uỷ viên chuyên môn là Giám định viên của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.
Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh có cơ quan thường trực được xác định là Trung tâm Giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội đồng giám định y khoa các Bộ – Gồm Hội đồng giám định y khoa Bộ Quốc phòng, Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an, Hội đồng giám định y khoa Bộ Giao thông vận tải. Cơ cấu tổ chức, thành phần, số lượng thành viên và cơ quan thường trực của Hội đồng giám định y khoa Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định; Cơ cấu tổ chức, thành phần, số lượng thành viên và cơ quan thường trực của Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định theo quy định pháp luật.
Hội đồng giám định y khoa Bộ Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ GTVT ký Quyết định thành lập, kiện toàn, bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề xuất của các cơ quan tham mưu theo quy định của Bộ GTVT. Hội đồng giám định y khoa Bộ Giao thông vận tải cũng giống như Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh thì hội đồng có con dấu riêng, không có tư cách pháp nhân, không có tài khoản riêng và cũng có nhiệm kỳ hoạt động theo như quy định là 05 năm kể từ ngày ký quyết định thành lập. Được xác lập cơ quan thường trực là Trung tâm Giám định y khoa Giao thông vận tải.
Trên đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về giám định khuyết tật ở đâu? Thủ tục giám định khuyết tật? theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật về giám định khuyết tật khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!