Đầu tư là một trong những phương pháp phổ biến nhất để các cá nhân và tổ chức tìm kiếm lợi nhuận, các dự án đầu tư hướng tới mục tiêu tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh trên một địa bàn cụ thể. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về vấn đề điều chỉnh dự án đầu tư theo quyết định của Tòa án, Trọng tài?
Mục lục bài viết
1. Điều chỉnh dự án đầu tư theo quyết định Tòa án, Trọng tài:
Trước hết, cần tìm hiểu quy định của pháp luật về dự án đầu tư. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Văn bản hợp nhất Luật đầu tư năm 2022 có đưa ra khái niệm về dự án đầu tư. Theo đó, dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc tập hợp đề xuất bỏ vốn dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh trên một địa bàn cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Đồng thời, dự án đầu tư bao gồm nhiều loại hình khác nhau, có thể kể đến một số mô hình dự án đầu tư như sau:
– Dự án đầu tư mở rộng. Đây là loại hình dự án đầu tư phát triển đối với các dự án đầu tư đang trong quá trình hoạt động bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, chuyển đổi loại hình công nghệ, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc cải thiện môi trường trong quá trình hoạt động đầu tư;
– Dự án đầu tư mới. Đây là loại hình dự án đầu tư thực hiện lần đầu hoặc cũng có thể là hình thức dự án đầu tư độc lập với các dự án đầu tư đang hoạt động trên thực tế;
– Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây là loại hình dự án đầu tư thực hiện dựa trên cơ sở ý tưởng khai thác tài sản liên quan đến sở hữu trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng nhanh chóng và vượt bậc.
Đồng thời, vấn đề điều chỉnh dự án đầu tư theo bản án, quyết định của tòa án, trọng tài cũng là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng. Căn cứ theo quy định tại Điều 54 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, có quy định cụ thể về vấn đề điều chỉnh dự án đầu tư theo bản án/quyết định của tòa án, trọng tài. Theo đó, đối với dự án đầu tư bắt buộc phải điều chỉnh theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án, hoặc trọng tài thì các nhà đầu tư cần phải căn cứ vào bản án, quyết định đó để điều chỉnh dự án đầu tư và tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với các dự án đầu tư bắt buộc phải điều chỉnh theo bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của tòa án, trọng tài thì các nhà đầu tư cần phải căn cứ vào nội dung ghi nhận trong bản án, quyết định đó để điều chỉnh dự án đầu tư sao cho phù hợp.
2. Hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư theo quyết định Tòa án, Trọng tài:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 54 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, có quy định cụ thể về thành phần hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư theo bản án, quyết định của tòa án, trọng tài. Theo đó, hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư theo quyết định của tòa án, trọng tài sẽ bao gồm một số văn bản nhất định, chuẩn bị hồ sơ là một trong những giai đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình điều chỉnh dự án đầu tư. Các nhà đầu tư cần phải điều chỉnh dự án đầu tư theo quyết định của tòa án, trọng tài cần phải lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án bao gồm các giấy tờ sau:
– Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
– Giấy tờ tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của các nhà đầu tư;
– Bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án, trọng tài;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư.
3. Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quyết định Tòa án, Trọng tài:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 54 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, cụ thể như sau:
– Đối với các dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư sẽ được thực hiện cụ thể như sau:
+ Nhà đầu tư có dự án đầu tư phải điều chỉnh theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án, trọng tài cần phải nộp một bộ hồ sơ (thành phần hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu nêu trên) về Bộ kế hoạch và đầu tư hoặc có thể nộp về cho cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án;
+ Trong khoảng thời gian 07 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ kế hoạch và đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ căn cứ vào quyết định, bản án có hiệu lực của pháp luật để ra quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư/điều chỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ kế hoạch và đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan chấp thuận chủ trương dự án đầu tư cần phải điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương dự án đầu tư. Bên cạnh đó, căn cứ vào Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cần phải đồng thời điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư, quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được điều chỉnh cần phải được gửi cho tòa án, trọng tài đã ra bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, đồng thời gửi cho cơ quan thi hành án để thi hành theo các quyết định đó.
– Đối với dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đồng thời không thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tuy nhiên không thuộc một trong những trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 41 của Văn bản hợp nhất luật đầu tư năm 2022, quy trình điều chỉnh dự án đầu tư sẽ được thực hiện như sau:
+ Nhà đầu tư có dự án đầu tư cần phải điều chỉnh theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc trọng tài cần phải chuẩn bị hồ sơ theo các loại giấy tờ nêu trên cho cơ quan đăng ký đầu tư;
+ Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cần phải căn cứ vào bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án, trọng tài để thực hiện thủ tục điều chỉnh đối với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh bắt buộc phải được gửi cho tòa án, trọng tài đã ra bản án, quyết định có hiệu lực, đồng thời gửi cho cơ quan thi hành án và gửi cho các nhà đầu tư có liên quan.
Ngoài ra, trong trường hợp các nhà đầu tư không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án hoặc trọng tài, cơ quan thi hành án dân sự, thì tổ chức/cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư đó hoàn toàn có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo khoản 3 và khoản 4 Điều 54 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.
THAM KHẢO THÊM: