Công dân nước ngoài muốn hùn vốn kinh doanh cùng công dân Việt Nam thì phải làm như thế nào? Thời hạn thị thực của họ tối đa là bao nhiêu?
Tóm tắt câu hỏi:
Em hiện tại sống tại Cà Mau, có ý định hùng vốn, mở shop bán quần áo với một người bạn Pakistan_ công dân Pakistan.Vốn dự định ban đầu 5,000 usd – 10,000 usd. Trường hợp hùng vốn như vậy, em cần phải làm giấy tờ như thế nào để phù hợp với luật, kính mong được quý công ty giải đáp. Trường hợp bạn em, muốn đến Việt Nam theo dõi quá trình kinh doanh thời gian đầu, vậy bạn em có thể xin visa trên 6 tháng không? Nếu trường hợp hùng vốn ít như vậy, không thể hợp tác kinh doanh, không phù hợp Luật đầu tư quốc tế thì mong Quý công ty tư vấn giúp em, bao nhiêu vốn tối thiểu mới có thể hợp tác, và lĩnh vực nào thì phù hợp? Xin cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Về vấn đề hùn vốn để mở cửa hàng quần áo
Căn cứ Khoản 2 Điều 21, Khoản 2 Điều 22, Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư, có hai hình thức đầu tư trong trường hợp của bạn, đó là:
– Đầu tư để thành lập tổ chức kinh tế mà cụ thể đối với trường hợp của bạn là đầu tư để thành lập hộ kinh doanh.
– Đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC
Trường hợp 1: Đầu tư để thành lập tổ chức kinh tế
Khi hai bạn cùng chung vốn để mở cửa hàng quần áo thì hình thức hộ kinh doanh là đơn giản, phù hợp và thuận tiện nhất trong trường hợp này. Về thủ tục đăng kí kinh doanh đối với hộ kinh doanh được tiến hành như sau:
– Khi đăng ký kinh doanh, cá nhân hoặc người đại diện hộ kinh doanh phải nộp Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh;
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh, bao gồm cả số vốn của bạn và người bạn nước ngoài.
d) Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập. Cụ thể ở đây là những thông tin của bạn và người bạn nước ngoài.
– Địa điểm nộp Giấy đề nghị đăng kí hộ kinh doanh: Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
– Sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ, cá nhân hoặc người đại diện hộ kinh doanh đến nhận Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh.
Trường hợp 2: Đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC
Để nhận đầu tư của người bạn nước ngoài theo hình thức này, trước hết bạn vẫn phải đăng kí kinh doanh hộ kinh doanh để cơ quan nhà nước có thể kiểm soát hoạt động kinh doanh của bạn. Các bước tiến hành đăng kí kinh doanh hộ kinh doanh mà cá nhân làm chủ hộ cũng tương tự như đăng kí kinh doanh trong trường hợp 1 nêu trên.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh, để nhận tiền đầu tư của người bạn nước ngoài, hai bạn tiến hành kí hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC. Hợp đồng này để hợp tác sản xuất phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm và các hình thức hợp tác kinh doanh khác. Trong hợp đồng phải ghi rõ: đối tượng, nội dung hợp tác, thời hạn kinh doanh, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên, quan hệ hợp tác giữa các bên và tổ chức quản lý do các bên thỏa thuận. Bạn có thể tham khảo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư.
Như vậy, với hai cách thức trên, bạn có thể nhận đầu tư của người bạn nước ngoài.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Về vấn đề cấp thị thực (Visa) cho người nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh 24/2000/PL-UBTVQH10 thì có các loại thị thực sau:
– Thị thực một lần, có giá trị sử dụng một lần trong thời hạn không quá 12 tháng;
– Thị thực nhiều lần, có giá trị sử dụng nhiều lần trong thời hạn không quá 12 tháng.
Tuy nhiên, Pháp lệnh này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2014. Kể từ ngày 01/01/2015 sẽ áp dụng Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo Điều 9 của Luật này thị thực cấp đối với nhà đầu tư là không quá 5 năm. Cần lưu ý về điều kiện cấp thị thực đối với trường hợp người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh mà cụ thể ở đây là giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam (Điều 10 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014). Do đó, người bạn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam hoàn toàn được cấp thị thực với thời hạn không quá 5 năm.
Ngoài ra, người nước ngoài đó còn được cấp thẻ tạm trú theo quy định tại Điều 36, Điều 37, Điều 38 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.