Một loại đất đai mà người dân có thể rất ít biết đến đó là đất lưu không. Vậy đất lưu không là gì? Đất này có được cấp sổ đỏ hay không? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để làm rõ về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Đất lưu không là gì?
Đất lưu không được hiểu là đất thuộc hành lang an toàn giao thông, hành lang lưới điện, đê điều. Theo Luật giao thông đường bộ thì hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Phần đất lưu không thường nằm trong quy hoạch để phục vụ công trình công cộng, giao thông, thuỷ lợi, điện lưới, phần đất này thuộc sự quản lý của Nhà nước, nhưng do chưa sử dụng đến nên đang bỏ không. Đất lưu không là loại đất công cộng, bất kỳ cá nhân nào cũng không có quyền sở hữu đất lưu không, người dân có thể xin phép cơ quan có thẩm quyền sử dụng tạm thời phần đất này cho đến khi nhà nước sử dụng đến. Tuy nhiên, phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì việc sử dụng phần đất lưu không của người sử dụng mới là hợp pháp.
Vì là đất “bỏ không” nên có rất nhiều những tranh chấp về đất lưu không trước nhà đối với nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng đất lưu không thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Do đó các cá nhân, hộ gia đình chỉ được phép sử dụng tạm thời nhưng phải xin phép chứ không được “chiếm đoạt” làm của riêng.
2. Đất lưu không có được cấp sổ đỏ không?
Như đã phân tích, đất lưu không là phần đất thuộc sự quản lý của Nhà nước, tạm thời chưa được sử dụng, không có cá nhân nào được phép sở hữu phần đất này vậy nên khi Nhà nước chưa sử dụng đến phần đất này thì người dân được phép tạm thời sử dụng, nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần đất này. Người dân nếu có nhu cầu thì có thể sử dụng vùng đất lưu không nhưng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, chấp thuận. Nếu không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật thì chủ tịch UBND tại các khu vực có nghĩa vụ phát hiện ngăn chặn các trường hợp xâm chiếm sử dụng đất lưu không trái phép và trong nhiều trường hợp có thể phải chịu chế tài xử phạt hành chính.
Vì đất lưu không chỉ được tạm thời sử dụng, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi Nhà nước thu hồi sẽ không phải đền bù gì. Khi Nhà nước có quy hoạch xây dựng công trình công cộng thì có thể hoàn toàn thu hồi để thực hiện việc xây dựng, người dân phải chấp hành việc trả lại phần đất này cho Nhà nước.
3. Ví dụ về tranh chấp đất lưu không thường gặp:
3.1. Tình huống:
Anh A có sử dụng 5m đất lưu không để xây cổng và tường rào, phần đất này không có trong sổ đỏ đã được cấp cho gia đình anh A. Được một thời gian xã yêu cầu thu hồi lại phần đất lưu không để xây dựng cống rãnh thoát nước. Ông A không đồng ý vì đất ông đã sử dụng lâu, đã xây công trình trên đất, cơ quan nhà nước không được thu hồi. Trong trường hợp này, xã có quyền thu hồi lại đất của ông A không? Nếu thu hồi thì ông A có được đền bù không?
3.2. Hướng giải quyết:
Như đã phân tích ở những quy định trên, đất lưu không là đất thuộc hành lang an toàn giao thông, thuộc sự quản lý của nhà nước, không được cấp sổ đỏ. Khi địa phương chưa sử dụng đến phần đất này thì người dân có thể làm đơn gửi đến UBND xã để xin phép sử dụng đất.
Nếu không xin phép cơ quan có thẩm quyền mà tự ý sử dụng phần đất này, xây dựng các công trình trên đất thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu những chế tài theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, nếu anh A tự ý xây cổng và tường rào trên đất lưu không mà không làm đơn xin phép gửi tới UBND xã và chưa được phê duyệt đơn mà tự ý sử dụng đất lưu không thì có thể anh A sẽ phải bị xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ các công trình trên đất, bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất hoặc buộc giao nộp lại số tiền, lợi ích bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Hơn nữa, trường hợp lấn nếu gia đình ông A lấn chiếm đất ở khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng.
Còn trong trường hợp anh A đã xin phép UBND xã thì theo thời hạn đã cam kết với xã, anh A thực hiện việc tháo dỡ công trình như đã cam kết, đất này thuộc quản lý nhà nước, trong sổ đỏ của anh A không có phần diện tích đất này, nên trường hợp này xã có quyền thu hồi lại phần đất lưu không mà anh A.
Điều kiện để được hưởng bồi thường là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Như vậy, trong trường hợp này, vì gia đình A bị UBND xã thu hồi lại phần diện tích đất lưu không không có trong sổ đỏ nên phần đất này sẽ không được đền bù. Nếu hiện quy hoạch giao thông vẫn không sử dụng thì gia đình anh A vẫn tạm thời có quyền tiếp tục sử dụng nhưng sẽ không được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của mình được chủ động khi nhà nước thu hồi đất thì gia đình anh A nên liên hệ với UBND xã để cam kết về việc hoàn trả lại đất khi có quyết định thu hồi.
Theo quy định tại điều 202 của
4. Mẫu đơn xin phép sử dụng đất lưu không:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—–o0o—–
.., ngày… tháng … năm …
ĐƠN XIN XÁC NHẬN ĐẤT LƯU KHÔNG
(V/v: Diện tích đất … là đất dùng làm …)
Kính gửi: – Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) …
– Ông/Bà: … – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) …
(Hoặc các chủ thể có thẩm quyền khác như Phòng tài nguyên và môi trường …)
Tên tôi là: … Sinh năm: …
Chứng minh nhân dân số: … do CA … cấp ngày …/…/…
Hộ khẩu thường trú: …
Hiện đang cư trú tại: …
Số điện thoại liên hệ: …
Là: …
Tôi xin trình bày với Quý cơ quan/Ông/Bà… sự việc sau: …
Với lý do sau: …
Tôi làm đơn này kính đề nghị Quý cơ quan/Ông/Bà/… xác nhận phần đất: …
Là diện tích đất được dùng để… (lưu không) từ…
Tôi xin cam đoan những thông tin mà tôi đã nêu trên là đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm trước Quý cơ quan/Ông/Bà/… về tính trung thực của những thông tin này. Kính mong Quý cơ quan/Ông/Bà/… xem xét, xác minh và xác nhận thông tin mà tôi đã nêu trên để tôi có thể… (mục đích sử dụng Giấy xác nhận của bạn) …
Để chứng minh cho tính chính xác, trung thực của những thông tin trên, tôi xin gửi kèm theo đơn này những văn bản, tài liệu, chứng cứ sau (nếu có): … (Bạn nêu rõ số lượng, tình trạng văn bản,…)
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Xác nhận của…
Người làm đơn
(ký tên)
Lưu ý:
– Về tư cách làm đơn có thể là người dân có phần đất lưu không giáp ranh với diện tích đất đang sở hữu…
– Trình bày rõ lý do, mục đích viết đơn chẳng hạn như nếu có tranh chấp về diện tích đất lưu không với hộ gia đình khác, thì sẽ trình bày rõ việc phần đất lưu không này không thuộc quyền sử dụng của gia đình đó, việc gia đình đó sử dụng phần đất này làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hay hạn chế quyền sử dụng đất lưu không hoặc gia đình đang có nhu cầu sử dụng phần đất lưu không để xây lối đi hay cổng nhà hay tường rào, thì cũng trình bày rõ để xin phê duyệt của UBND xã/ phường…Từ đó trình bày rõ mong muốn của cá nhân gửi tới cơ quan có thẩm quyền xác định một phần đất là đất lưu không để nhằm mục đích muốn sử dụng mảnh đất lưu không này vào mục đích riêng như xây cổng, tường rào, trồng trọt, chăn nuôi…
– Về thông tin đất, cần thực hiện việc đo đạc chính xác để cung cấp những thông tin trong đơn như thông tin cụ thể về diện tích, vị trí, địa điểm …
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
–
– Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.