Đập phá, đốt xe máy của người khác thì phạm tội gì? Quy định về mức bồi thường đối với hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác.
Trên mạng xã hội thời gian gần đây xuất hiện nhiều sự việc như: 9x đốt nhà người yêu do bị ngăn cấm, níu kéo không thành, thanh niên mang xăng tới thiêu trụi nhà người yêu, nhóm thanh niên rượt đuổi, đập phá xe của thanh niên khác,…Không hiếm gặp các mẩu tin như vậy, và tất cả những hành vi phá hoại tài sản của người khác như vậy đều vi phạm pháp luật và phải chịu mức xử phạt theo luật định.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có đứa em năm nay tròn 18 tuổi. Vào khoảng 5h30 chiều, em tôi cùng 2 đứa bạn của nó đi tắm suối thì gặp 3 người khác từ rẫy về. Lúc này hai thằng bạn của đứa em tôi nói với em tôi là trong 03 người kia có 01 người đã từng đánh mình, nghe thằng bạn nói như vậy nên em tôi và 2 đứa bạn của nó cầm dao rượt đánh 3 người kia. Ba người kia bỏ chạy để lại 02 chiếc xe honda ở gần đó. Rượt đánh không kịp nên em tôi và 2 thằng bạn của nó đã đập một chiếc xe và đốt một chiếc xe. Kết quả là một xe bị đập nát, 1 xe bị cháy rục hoàn toàn. Vậy xin hỏi Luật Dương gia em tôi đã vi phạm về tội gì? Những quy định về mức bồi thường và bồi thường bao nhiêu. Gia đình tôi phải làm gì để khắc phục hậu quả mà đứa em đã phá hoại tài sản của người khác?
Luật sư tư vấn:
Theo như bạn trình bày thì em trai bạn năm nay 18 tuổi do đó em trai bạn phải chịu TNHS về mọi tội phạm. Em bạn cùng với hai người bạn đi tắm suối thì gặp 03 người khác từ rẫy về, lúc này hai người bạn của em bạn có nói là trong 03 người kia có một người đã từng đánh mình và 03 người cùng nhau cầm dao rượt đánh họ, 03 người kia bỏ chạy được vì nhóm của em bạn rượt không kịp. Nhóm của em bạn đã đập một chiếc xe và đốt một chiếc xe do nhóm người kia để lại. Hành vi của em bạn thực hiện đang vi phạm Bộ luật hình sự năm 2017 và
* Đối với hành vi cầm dao rượt đuổi đánh người khác:
Điều 134
Khung 1: Người nào có hành vi tác động trái pháp luật đến thân thể người khác gây thiệt hại dưới dạng thương tích hoặc sức khỏe theo quy định của pháp luật mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp “Dùng hung khí nguy hiểm…” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung 2: Trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS hoặc phạm tội 02 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.
Khung 3: Trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Khung 4: Trường hợp gây chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 61% trở lên, từ 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm.
Khung 5: Trường hợp phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
“Dao” được liệt kê vào là một trong những hung khí nguy hiểm bởi tính sắc nhọn, tính sát thương cao.
Em bạn đã có hành vi dùng dao là một loại hung khí nguy hiểm rượt đuổi nhằm mục đích là gây thương tích cho người khác, do nhóm người kia chạy thoát được nên em bạn chưa gây ra hậu quả thực tế. Mặc dù hậu quả chưa xảy ra nhưng đó hoàn toàn vì lý do khách quan, về mặt ý chí chủ quan thì em bạn vẫn muốn tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng.
Khi đó em bạn thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.”
Và lưu ý rằng: Người phạm tội chưa đạt (chưa có hậu quả xảy ra) vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Trường hơp phạm tội chưa đạt thì việc quyết định hình phạt được quy định tại Khoản 1, 3 Điều 57 Bộ luật hình sự 2015 nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Theo hướng dẫn cụ thể tại Mục III Nghị quyết 02-HĐTP-TANDTC/QĐ – Về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự (Trạng thái: Còn hiệu lực) thì người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt (bất kỳ tội phạm nào do cố ý). Tuy nhiên, để có thể xác định em bạn có phạm tội thì phải có đầy đủ các căn cứ chứng minh rằng em bạn không thực hiện được hành vi phạm tội đến cùng vì nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của em bạn thuộc khoản nào của điều luật để làm căn cứ áp dụng khoản, điều luật đó trong việc quyết định hình phạt. Trong trường hợp không xác định được tội phạm mà em bạn thực hiện không đạt thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của điều luật, thì áp dụng khoản nhẹ nhất cụ thể là khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
* Đối với hành vi đập và đốt một chiếc xe của người khác:
Hành vi này thì em bạn còn bị truy cứu TNHS về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.
Khung 1: Trường hợp em bạn hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ trị giá từ 2.000.000đ đến dưới 50.000.000đ hoặc chiếc xe có giá trị dưới 2.000.000đ nhưng thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Em bạn đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.
– Em bạn đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích.
– Em bạn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Trường hợp chiếc xe bị phá hủy là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức, giá trị tài sản bị thiệt hại từ 50.000.000đ đến dưới 200.000.000đ, dùng chất cháy nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm, nhằm che giấu một tội phạm khác, hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Khung 3: Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000đ đến dưới 500.000.000đ, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Khung 4: Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Như vậy tùy theo trị giá tài sản của hai chiếc xe Honda mà nhóm của em bạn đã hủy hoại của người khác để có thể xác định được em bạn phạm tội thuộc khoản nào của Điều luật với mức hình phạt tương ứng.
* Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Ngoài việc phải chịu TNHS với hai tội danh nêu trên thì em bạn còn phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hai chiếc xe theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Việc bồi thường phải căn cứ vào thiệt hại thực tế và phải bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì sẽ do
Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân thì người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường bằng tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc, gia đình bạn không có trách nhiệm bồi thường thay cho em trai bạn trừ trường hợp gia đình bạn tự nguyện mong muốn thực hiện việc bồi thường này. Để khắc phục được hậu quả do em bạn gây ra thì trước tiên em bạn cùng gia đình bạn nên chủ động liên hệ ngay với người bị thiệt hại để thỏa thuận với họ về mức bồi thường thỏa đáng, việc chủ động nhanh chóng bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.