Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định hai cách thức xác lập quan hệ tài sản: theo pháp luật và theo thỏa thuận.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định hai cách thức xác lập quan hệ tài sản: theo pháp luật và theo thỏa thuận. Trong trường hợp không có thỏa thuận của vợ và chồng thì việc giải quyết quan hệ tài sản của họ tuân theo pháp luật.
Thực tế cho thấy, việc quy định chế độ tài sản theo thỏa thuận và ưu tiên áp dụng nó so với chế độ tài sản theo pháp định có những ưu điểm sau:
– Đảm bảo quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản mình. Quyền tự định đoạt tài sản của chủ sở hữu được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 32 và Bộ Luật Dân sự Điều 197: Quyền tự định đoạt của chủ sở hữu. Bởi lẽ, về nguyên tắc, mỗi cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo ý chí của mình, miễn sao không xâm phạm lợi ích của người khác, không trái với đạo đức xã hội. Về nguyên tắc, chế độ tài sản theo thỏa thuận cho phép vợ chồng tự thỏa thuận về việc xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với tài sản họ. Như vậy sẽ đảm bảo vợ, chồng có quyền tự định đoạt tài sản riêng của mình. Đồng thời, điều này còn cho phép vợ chồng có thể tự bảo toàn khối tài sản riêng của mình, giảm hoặc tránh được những xung đột, tranh chấp về tài sản sau khi ly hôn. Quyền tài sản của vợ chồng là quyền gắn với nhân thân vợ chồng vì vậy cần phải để cho chính họ cùng nhau thỏa thuận, quyết định lựa chọn một hình thức thực hiên hợp lý, có lợi nhất cho bản thân và gia đình.
– Từ đó, góp phần giảm chi phí khi ly hôn và giúp Tòa án xác định được tài sản riêng, tài sản chung nhanh chóng và dễ dàng hơn. Theo báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật hôn nhân gia đình năm 2000 trong công tác xét xử các vụ việc hôn nhân và gia đình của ngành tòa án nhân dân số 01/ BC – TANDTC ngày 15 tháng 01 năm 2013 thì: “ số lượng và độ phức tạp của các vụ việc liên quan đến tranh chấp tài sản vợ chồng ngày càng gia tăng , gây khó khăn và tốn kém cho ngành tư pháp”. Nếu như vợ chồng thực hiện chế độ thỏa thuận tài sản thì khi ly hôn nếu tranh chấp về tài sản của vợ chồng, thì hôn ước là căn cứ giúp cơ quan tư pháp giải quyết thuận tiện và nhanh chóng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Nếu xét về góc độ kinh tế, trong điều kiện kinh tế thị trường, sở hữu cá nhân và tự do kinh doanh đang dẫn đến ý thức tự chủ ngày càng cao của cá nhân về sở hữu tài sản. Chế độ tài sản theo thỏa thuận cho phép vợ chồng tự quyết định quyền sở hữu trong gia đình, tạo ra khả năng đôi bên có thể tự giác thực hiện các nghĩa vụ và quyền đã theo thỏa thuận, giúp họ giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh, do đó tránh được tình trạng gia đinh bấp bênh khi cả hai vợ chồng cùng tham gia các hoạt động kinh doanh có rủi ro cao.
Tuy nhiên, chế độ tài sản theo thỏa thuận này lại đề cao lợi ích cá nhân, điều này mâu thuẫn với bản chất của của gia đình là “ bổn phận trách nhiệm” trong môi trường đề cao ý thức trách nhiệm, không cho phép lợi ích cá nhân. Tự do thỏa thuận thường “cái tôi” được đề cao, lợi ích riêng của cá nhân sẽ không đảm bảo cho gia đình có cuộc sống ổn định và bền vững. Hạn chế đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích đích thực của hôn nhân là xây dựng gia đình dân chủ, hòa thuận, hạnh phúc và bền vững ( Điều 1 Luật hôn nhân và gia đình).