Khái quát về xuất khẩu lao động? Người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài có phải đóng thuế không?
Xuất khẩu lao động đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, trước nhu cầu tìm kiếm việc làm với nguồn thu nhập lớn. Người xuất khẩu lao động không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam mà còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước tiếp nhận người lao động. Điều này nhằm tác động tới nhận thức và hành vi của người lao động. Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc, người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì có phải đóng thuế không? đóng thuế trước khi đi? khi đang ở nước ngoài? đóng thuế cho ai? hàng loạt các câu hỏi về nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ giải đáp tất cả những câu hỏi này.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.
1. Khái quát về xuất khẩu lao động?
Trải qua một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, xuất khẩu lao động trở nên rất phổ biến và trở thành xu thế chung của Thế giới. Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về định nghĩa xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nếu như trước đây với thuật ngữ ” hợp tác quốc tế lao động”, xuất khẩu lao động được hiểu là sự trao đổi lao động giữa các quốc gia thông qua các hiệp định được thoả thuận và ký kết giữa các quốc gia đó hay là sự di chuyển lao động có thời hạn giữa các quốc gia một cách hợp pháp và có tổ chức. Trong hành vi trao đổi này, nước đưa lao động đi được coi là nước xuất khẩu lao động, còn nước tiếp nhận sử dụng lao động thì được coi là nước nhập khẩu lao động.
Ngày nay với cách sử dụng thống nhất thuật ngữ xuất khẩu lao động để nhấn mạnh hơn đến tính hiệu quả kinh tế của hoạt động này, từ các khái niệm trên có thể hiểu: xuất khẩu lao động là hoạt động kinh tế của một quốc gia thực hiện việc cung ứng lao động cho một quốc gia khác trên cơ sở những hiệp định hoặc hợp đồng có tính chất pháp quy được thống nhất giữa các quốc gia đưa và nhận lao động.
Trong nền kinh tế thị trường, xuất khẩu lao động là một hoạt động kinh tế đối ngoại, mang đặc thù của xuất khẩu nói chung. Thực chất xuất khẩu lao động là một hình thức di cư quốc tế. Tuy nhiên, đây chỉ là sự di cư tạm thời và hợp pháp.
Có thể chia xuất khẩu lao động căn cứ theo hàng hóa sức lao động thành:
Xuất khẩu lao động có nghề: Là loại lao động trước khi ra nước ngoài làm việc đã được đào tạo thành thạo một loại nghề nào đó và khi số lao động này ra nước ngoài làm việc có thể bắt tay ngay vào công việc mà không phải bỏ ra thời gian và chi phí để đào tạo nữa.
Xuất khẩu lao động không có nghề: Là loại lao động mà khi ra nước ngoài làm việc chưa được đào tạo một loại nghề nào cả. Loại lao động này thích hợp với những công việc đơn giản, không cần trình độ chuyên môn hoặc phía nước ngoài cần phải tiến hành đào tạo cho mục đích của mình trước khi đưa vào sử dụng.
Đặc điểm của xuất khẩu lao động bao gồm:
Xuất khẩu lao động là một hoạt động kinh tế. Ở nhiều nước trên thế giới, xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng thu hút lực lượng lao động đang tăng lên của nước họ và thu ngoại tệ bằng hình thức chuyển tiền về nước của người lao động và các lợi ích khác. Những lợi ích này đã buộc các nước xuất khẩu phải chiếm lĩnh ở mức cao nhất thị trường lao động ở nước ngoài, mà việc chiếm lĩnh được hay không lại dựa trên quan hệ cung cầu sức lao động – nó chịu sự điều tiết, sự tác động của các quy luật của kinh tế thị trường. Bên cung phải tính toán mọi hoạt động của mình làm sao để bù đắp được chi phí và có phần lãi vì vậy cần phải có cơ chế thích hợp để tăng khả năng tối đa về cung lao động. Bên cầu cũng phải tính toán kỹ lưỡng hiệu quả của việc nhập khẩu lao động. Như vậy, việc quản lý Nhà nước, sự điều chỉnh pháp luật luôn luôn bám sát đặc điểm này của hoạt động xuất khẩu lao động: Làm sao để mục tiêu kinh tế phải là mục số 1 của mọi chính sách pháp luật về xuất khẩu lao động.
Xuất khẩu lao động là một hoạt động thể hiện rõ tính chất xã hội. Thực chất, xuất khẩu lao động không tách rời khỏi người lao động. Do vậy, mọi chính sách pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động phải kết hợp với các chính sách xã hội: Phải đảm bảo làm sao để người lao động ở nước ngoài được lao động như cam kết trong
Xuất khẩu lao động là sự kết hợp hài hoà giữa sự quản lý vĩ mô của Nhà nước và sự chủ động, tự chiụ trách nhiệm của tổ chức xuất khẩu lao động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Xuất khẩu lao động thực hiện trên cơ sở hiệp định, thoả thuận nguyên tắc của các Chính phủ và trên cơ sở của hợp đồng cung ứng lao động.
Xuất khẩu lao động diễn ra trong một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tính gay gắt trong cạnh tranh của XKLĐ xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu. Một là, xuất khẩu lao động mang lại lợi ích kinh tế khá lớn cho các nước đang có khó khăn về giải quyết việc làm. Do vậy, đã buộc các nước xuất khẩu lao động phải cố gắng tối đa để chiếm lĩnh thị trường ngoài nước. Nghĩa là, họ phải đầu tư nhiều cho chương trình marketing, cho chương trình đào tạo, tập huấn nhằm tăng giá trị sử dụng của sức lao động. Hai là, xuất khẩu lao động đang diễn ra trong môi trường suy giảm kinh tế trong khu vực. Nhiều nước trước đây thu nhận nhiều lao động nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số thị trường các nước Châu Phi…cũng đang phải đối đầu với tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Chủ thể chịu tác động và điều chỉnh trực tiếp nhất trong nội dung về xuất khẩu lao động là người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, được hiểu công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006. Điều kiện này được quy định cụ thể tại Điều 42, bao gồm:
“Người lao động được đi làm việc ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;
3. Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;
4. Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;
5. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;
6. Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
7. Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
2. Người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài có phải đóng thuế không?
Về nguyên tắc, một người khi muốn “xuất ngoại” thì phải thực hiện hết nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, đặc biệt là nghĩa vụ thuế, đây cũng là yếu tố để quyết định cá nhân có được xuất cảnh hay không. Việc xuất cảnh này thường mang tính định cư lâu dài hoặc trong một thời gian nhất định nhưng có ảnh hưởng tới việc nộp thuế trong thời gian trước đó.
Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 quy định:
“Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:
1. Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; đoàn kết với người lao động của nước tiếp nhận người lao động và người lao động của các nước khác;
2. Chủ động học nghề, học ngoại ngữ, tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan;
3. Tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
4. Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
5. Làm việc đúng nơi quy định; thực hiện nội quy nơi làm việc và về nước sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng thực tập theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;
6. Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
7. Tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;
8. Nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
9. Đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này.“
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 nêu trên, khi người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động cần phải tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng lao động, tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động. Bên cạnh việc phải tuân thủ pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, người lao động còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động. Nếu trước khi đi xuất khẩu lao động, cá nhân còn có nghĩa vụ thuế thì phải thực hiện theo đúng quy định về nộp thuế của Luật Quản lý thuế.