Nhận nuôi con nuôi hiện nay là một thủ tục hành chính diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên một số người quan điểm rằng con nuôi không có máu mủ ruột rà vì vậy sẽ không được chia di sản thừa kế giống con đẻ. Vậy trên phương diện pháp lý thì con nuôi có quyền được thừa kế di sản giống như con đẻ hay không?
Mục lục bài viết
1. Con nuôi có quyền được thừa kế di sản như con đẻ không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 68 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về vấn đề bảo vệ quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Theo đó, giữa con nuôi và cha mẹ nuôi có các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, pháp luật về nuôi con nuôi, pháp luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi. Theo đó, được tính bắt đầu kể từ ngày giao nhận con nuôi trên thực tế, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên trong gia đình cha mẹ nuôi cũng phát sinh các quyền, nghĩa vụ đối ứng với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, pháp luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về người thừa kế theo pháp luật. Theo đó:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo trình tự như sau:
+ Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người đã chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người đã chết; cháu ruột của người đã chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người đã chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người đã chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người đã chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
-
Những người trong cùng một hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau;
-
Những người thuộc hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế đối với di sản của người mất trong trường hợp không còn ai thuộc hàng thừa kế trước đó (có thể do đã chết, hoặc không có quyền được hưởng di sản thừa kế hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế, tự nguyện từ chối nhận di sản thừa kế của người chết).
Tóm lại, con nuôi cũng là một trong những cá nhân thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Vì vậy, khi cha mẹ nuôi qua đời thì con nuôi hợp pháp vẫn có quyền được hưởng thừa kế di sản mà cha mẹ nuôi để lại.
Trên phương diện pháp lý, con nuôi sẽ có quyền được hưởng thừa kế di sản bình đẳng giống như con đẻ (do con nuôi và con đẻ cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất, được hưởng phần di sản bằng nhau trong trường hợp hưởng thừa kế theo pháp luật).
2. Con nuôi có quyền được hưởng thừa kế thế vị không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật dân sự năm 2015 thừa kế thế vị; theo đó, trong trường hợp con của người để lại di sản qua đời trước hoặc qua đời cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu của người đó sẽ được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng (trong trường hợp cha hoặc mẹ của cháu còn sống); nếu như cháu cũng qua đời trước hoặc qua đời cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt sẽ được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng (trong trường hợp cha, mẹ của chắt còn sống).
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 653 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha mẹ nuôi/cha mẹ đẻ. Theo đó, con nuôi và cho mẹ nuôi sẽ được thừa kế di sản của nhau, đồng thời được hưởng thừa kế di sản căn cứ theo quy định tại Điều 651 (thừa kế theo pháp luật) và Điều 652 (thừa kế thế vị) của Bộ luật dân sự năm 2015.
Do đó, nếu quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi được xác lập một cách hợp pháp, có thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ tương đương với quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ ruột và con ruột. Điều này đồng nghĩa với việc, con nuôi cũng là một trong những đối tượng được hưởng thừa kế thế vị.
Cần phải lưu ý: Các quyền này sẽ chỉ chấm dứt trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền đó là Tòa án nhân dân.
3. Thời điểm phát sinh quyền thừa kế thế vị của con nuôi là khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 614 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thời điểm và địa điểm mở thừa kế. Theo đó, thời điểm mở thừa kế được xác định là thời điểm người có tài sản qua đời. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền đó là Tòa án nhân dân tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế được xác định theo khoản 2 Điều 71 của Bộ luật dân sự năm 2015. Bên cạnh đó, điểm điểm mở thừa kế là khái niệm để chỉ nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản, trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản thì địa điểm mở thừa kế được xác định là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản của người chết.
Căn cứ theo quy định tại Điều 614 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế. Theo đó, được tính bắt đầu kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Như vậy, quyền thừa kế thế vị của con nuôi hợp pháp sẽ được phát sinh kể từ thời điểm mở thừa kế (cha hoặc mẹ nuôi qua đời).
Đồng thời, theo phân tích nêu trên thì thời điểm mở thừa kế được xác định là thời điểm người có tài sản qua đời. Trong trường hợp tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế sẽ được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 71. Đối chiếu với Điều 71 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề tuyên bố chết như sau:
(1) Người có quyền lợi liên quan có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là Tòa án ra quyết định tuyên bố một cá nhân là đã chết khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
-
Sau khoảng thời gian 03 năm được tính bắt đầu kể từ ngày có quyết định tuyên bố mất tích của cơ quan có thẩm quyền đó là Toà án phát sinh hiệu lực pháp luật trên thực tế, tuy nhiên vẫn không có tin tức xác thực rằng cá nhân đó còn sống;
-
Cá nhân đã biệt tích trong chiến tranh sau khoảng thời gian 05 năm được tính bắt đầu kể từ ngày chiến tranh kết thúc, tuy nhiên đến nay vẫn không có tin tức xác thực rằng cá nhân đó còn sống;
-
Cá nhân bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai tuy nhiên sau khoảng thời gian 02 năm được tính bắt đầu kể từ ngày tai nạn, thiên tai, thảm họa đó chấm dứt; và đến nay vẫn không có tin tức xác thực rằng cá nhân đó còn sống, ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác;
-
Cá nhân đã biệt tích trong khoảng thời gian 05 năm liên tục trở lên và không có tin tức xác thực rằng cá nhân đó còn sống, thời hạn này sẽ được tính căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật dân sự năm 2015.
(2) Căn cứ vào các trường hợp tuyên bố chết nêu trên, Toà án sẽ xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.
THAM KHẢO THÊM: