Thừa kế di sản là một trong những nội dung quan trọng được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự, trong đó có ghi nhận những đối tượng được hưởng thừa kế. Vậy con không cùng huyết thống có được thừa kế không?
Mục lục bài viết
1. Con không cùng huyết thống có được thừa kế không?
Thừa kế là một trong những vấn đề có những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân trong quan hệ huyết thống. Hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào định nghĩa về con không cùng huyết thống nhưng theo khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Theo đó những người có cùng họ hàng gần gũi với nhau, có cùng dòng máu trực hệ được xem là những người có cùng quan hệ huyết thống. Chính vì vậy, con không cùng huyết thống chỉ đến việc người con này được nuôi dưỡng bởi cá nhân mà những người này không có quan hệ huyết thống với nhau.
Các nội dung liên quan đến con nuôi thì được ghi nhận nhiều văn bản pháp luật có liên quan nhưng cụ thể lầ tại Luật Nuôi con nuôi. Theo quy định tại Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010, nếu cha mẹ đã tiến hành các hoạt động đăng ký con nuôi hợp pháp, gia đình và người con nuôi này đã xác lập ràng buôc về mặt pháp lý, phát sinh đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con thì trường hợp cha mẹ qua đời không lập di chúc, di sản sẽ được chia theo pháp luật.
Cụ thể, theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 khi di sản được chia, những người thừa kế theo pháp luật được quy định thứ tự sau:
+ Các cá nhân được xác định là hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
+ Nằm trong hàng thừa kế thứ hai có thể kể đến: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
+ Liên quan đến hàng thừa kế thứ ba, bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Bên cạnh đó, Điều 653 Bộ luật dân sự 2015 quy định con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.
Như vậy, con nuôi hợp pháp có quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, con nuôi là hàng thừa kế thứ nhất nên sẽ được thừa kế như nhau với những người cùng hàng thừa kế với mình nếu người chết không lập di chúc. Tuy nhiên, không phải trường hợp con nuôi nào cũng được pháp luật công nhận và được chia thừa kế như con đẻ theo quy định của pháp luật. Để được công nhận là con nuôi hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010 như đã quy định.
Như vậy, con không cùng huyết thống vẫn có thể được hưởng thừa kế theo pháp luật nếu người con này được nuôi dưỡng chăm sóc và đặc biệt đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và cơ quan này đã chấp thuận đề nghị. Còn đối với trường hợp không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nhưng người đã chết có để lại di chúc để cho người con không cùng huyết thống một hay tất cả tài sản mà tình huống này không tồn tại những cá nhân không phụ thuộc vào di chúc thì người con không cùng huyết thống sẽ được hưởng di sản theo bản di chúc mà người chết để lại.
2. Có trường hợp nào ghi nhận tình trạng nuôi con nuôi trên thực tế, không phụ thuộc vào đăng ký không?
Có thể thấy, khi lựa chọn nhận nuôi con nuôi với mục đích là xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, mọi quyết định đều mong muốn những điều đem lại lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình và đây cũng xem là mục đích nhân đạo.
Quyết định về nuôi con nuôi được điều chỉnh chính thức từ ngày Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực, theo đó nhận nuôi con nuôi hợp pháp phải có giấy chứng nhận nuôi con nuôi của cha nuôi, mẹ nuôi. Xét đến trường hợp nếu trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cá nhân phải tiến hành đăng ký trong thời hạn 05 năm (đây là trường hợp đăng ký nuôi con nuôi thực tế). Qúa trình nhận nuôi con và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nếu đáp ứng các điều kiện sau:
+ Cần đảm bảo rằng, các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
+ Tính đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
+ Trên thực tế chứng minh được mối quan hệ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
Như đã biết, thì tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015. Nên có thể khẳng định, con nuôi hợp pháp thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Nếu muốn được hưởng thừa kế thì phải có giấy tờ chứng minh việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Đồng thời, còn tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể như: người để lại di sản có để lại di chúc không, di chúc có vô hiệu hay không.
Với nội dung phân tích nêu trên thì nếu chỉ nhận con nuôi bằng hành động cụ thể bằng cách sử dụng lời nói, đưa về chăm sóc nhưng tính từ năm 2010 đến 2015 kể từ khi Luật Nuôi con nuôi 2010 có hiệu lực mà không tiến hành đăng ký theo quy định thì sẽ không được ghi nhận là con nuôi hợp pháp, kể cả việc nhận con nuôi từ thời gian rất lâu.
3. Việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước thì thực hiện ra sao để đảm bảo quyền thừa kế:
– Hồ sơ nhận nuôi con nuôi:
Theo Điều 17 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:
+ Cá nhân có yêu cầu chấp thuận nuôi con nuôi thì cần chuẩn bị đơn xin nhận con nuôi;
+ Bên cạnh đó,không thể thiếu giấy tờ chứng minh nhân thân của cá nhân là Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
+ Để chứng minh được đủ tư cách, đạo đức, đủ điều kiện nhận con nuôi thì có thêm phiếu lý lịch tư pháp;
+ Nộp kèm Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
+ Liên quan đến chứng minh sức khỏe nuôi dưỡng chăm sóc con nuôi thì cần có Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.
– Đồng thời, để hướng dẫn chi tiết hoạt động nhận con nuôi đã được ghi nhận tại Điều 7
+ Hồ sơ của người nhận con nuôi trong nước được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ quy định tại Điều 17 của Luật Nuôi con nuôi. Trường hợp người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi và không cùng thường trú tại một địa bàn xã, thì việc xác nhận về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi được thực hiện như sau:
Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi, thì văn bản về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó thường trú xác nhận.
Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường trú, thì công chức tư pháp – hộ tịch xác minh hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ luật dân sự 2015;
– Luật Nuôi con nuôi 2010;
– Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật nuôi con nuôi.