Giao dịch cho vay là một trong những giao dịch phổ biến nhất hiện nay, có thể xác lập giao dịch cho vay giữa những người không quen biết hoặc thậm chí là những người thân thiết. Tuy nhiên không phải trường hợp nào bên vay cũng tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của mình. Vậy cho người thân vay tiền không trả có kiện đòi được không?
Mục lục bài viết
1. Cho người thân vay tiền không trả có kiện đòi được không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 463 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản. Theo đó, hợp đồng vay tài sản được xem là sự thoả thuận giữa các bên, bên cho vay sẽ giao tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình cho bên vay, khi đến thời hạn thì bên vay cần phải hoàn trả lại cho bên cho vay tài sản theo đúng số lượng, đúng chất lượng của các bên, đồng thời bên vay thì phải trả lãi nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật liên quan có quy định.
Đồng thời, nghĩa vụ trả nợ là một trong những nghĩa vụ của bên vay, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ theo đúng thời gian và đúng định mức dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Căn cứ theo quy định tại Điều 466 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Theo đó:
– Bên vay tài sản là tiền thì phải có nghĩa vụ trả đủ tiền khi đến thời hạn, nếu tài sản là vật thì bên vay phải có nghĩa vụ trả vật cùng loại theo đúng số lượng, đúng chất lượng, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền phù hợp với giá trị của vật đã vay được tính tại thời điểm và địa điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý;
– Địa điểm trả nợ được xác định là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở chính của bên cho vay, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Trong trường hợp vay không lãi tuy nhiên khi đến hạn, bên vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên cho vay hoàn toàn có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 dựa trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả của bên vay, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
– Trường hợp cho vay có lãi, tuy nhiên khi đến thời hạn nhưng bên tay vẫn không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay sẽ phải trả lãi theo quy định của pháp luật. Theo đó:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả, trong trường hợp chậm trả thì bên vay còn phải trả lãi theo mức lãi suất căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015;
+ Lãi được tính trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất theo hợp đồng vay tài sản tương ứng với thời gian chậm trả, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Theo đó, người khởi kiện sẽ gửi đơn khởi kiện đi kèm theo giấy tờ tài liệu chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo các phương thức như sau:
– Nộp trực tiếp tại Tòa án;
– Gửi thông qua dịch vụ bưu chính đến Tòa án;
– Gửi trực tuyến thông qua phương tiện điện tử tại Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Theo đó thì có thể nói, trả nợ đúng thời hạn là một trong những nghĩa vụ cơ bản mà bên vay cần phải tuân thủ, bất kể đó là người thân thiết hay người không quen biết. Khi đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ của mình, tuy nhiên người thân vẫn không hoàn trả số tiền đó, thì bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện tại Tòa án để kiện đòi hoàn trả tài sản. Và trong trường hợp này bạn cần phải thực hiện thủ tục đòi nợ cá nhân.
Một lời khuyên dành cho bạn đó là, kể cả trong trường hợp người thân vay tiền tuy nhiên người thân không tuân thủ nghĩa vụ của mình, bạn cần phải công tư phân minh, cần phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ tối đa quyền lợi của mình, trong đó thủ tục khởi kiện đòi nợ tại Tòa án là một trong những thủ tục khả thi nhất và có tính cưỡng chế cao nhất.
2. Cho người thân vay tiền không trả thì khởi kiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 191 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thủ tục khởi kiện đòi nợ sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ. Thủ tục khởi kiện một vụ án dân sự để đòi nợ cá nhân trước hết cần phải chuẩn bị hồ sơ gửi đến tòa án. Thành phần hồ sơ bao gồm: Đơn khởi kiện theo mẫu do pháp luật quy định, hợp đồng vay tài sản, giấy ghi nợ hoặc các tài liệu giấy tờ khác có liên quan, giấy tờ tùy thân của nguyên đơn, giấy xác nhận của cơ quan nhà nước về nơi cư trú của bị đơn, các loại giấy tờ khác khi được yêu cầu.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận của Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu chính. Trong trường hợp tòa án nhận được đơn khởi kiện bằng phương thức trực tuyến thì Tòa án cần phải in hồ sơ ra bản giấy, ghi vào sổ nhận đơn. Trong trường hợp Tòa án nhận đơn bằng hình thức khởi kiện trực tiếp, thì Tòa án cần phải có nghĩa vụ cấp giấy xác nhận đã tiếp nhận đơn cho người khởi kiện. Trong trường hợp Tòa án nhận đơn thông qua dịch vụ bưu chính thì trong khoảng thời gian 02 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đơn, Tòa án cần phải thông báo về việc đã nhận đơn cho người khởi kiện. Trong trường hợp Tòa án nhận đơn thông qua phương thức trực tuyến, thì Tòa án cần phải thông báo về việc đã nhận đơn cho người khởi kiện thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Bước 3: Trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Toà án nhân dân cần phải phân công thẩm phán để xem xét đơn khởi kiện. Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày được phân công, thẩm phán xem xét đơn cần phải xem xét và đưa ra một trong các quy định sau: Yêu cầu sửa đổi hoặc bổ sung đơn khởi kiện trong trường hợp nhận thấy đơn khởi kiện còn thiếu, tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn, chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu nhận thấy vụ án đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu nhận thấy vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 4: Kết quả xử lý đơn của thẩm phán căn cứ theo quy định tại Điều 191 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 bắt buộc phải được ghi vào sổ nhận đơn, thông báo cho người khởi kiện. Sau đó tiến hành quá trình thụ lý vụ kiện bao gồm: Xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
3. Thời hiệu khởi kiện đòi nợ dân sự là bao nhiêu lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về các loại thời hiệu. Theo đó, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà các chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi nhận thấy quyền lợi đó bị xâm phạm bởi chủ thể thứ ba, nếu hết thời hạn đó thì sẽ mất quyền khởi kiện. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thời hiệu khởi kiện hợp đồng, theo đó, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng trên thực tế được xác định là 03 năm, được tính kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Hợp đồng vay tài sản cũng là một trong những hình thức của hợp đồng dân sự. Vì vậy, thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản cũng được xác định là 03 năm được tính kể từ ngày bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng thời gian đã thỏa thuận với bên cho vay. Thời hiệu này không phân biệt việc bên vay là người thân hay là những người không quen biết, không phân biệt việc cho vay có được lập thành văn bản hay không, dù hoạt động vay nợ được xác định bằng sự thỏa thuận của các bên thì cũng là một dạng của hợp đồng vay tài sản. Vì vậy, nếu muốn khởi kiện đòi nợ thì cần phải xem xét thời hạn khởi kiện để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nếu hết thời hạn đó thì sẽ mất quyền khởi kiện.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật dân sự 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
THAM KHẢO THÊM: