Người bào chữa là gì? Người bào chữa tiếng anh là gì? Chỉ định người bào chữa trong tố tụng hình sự. Thẩm quyền chỉ định người bào chữa?
Người bào chữa được hiểu đơn giản là những người có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hoạt động tố tụng thay mặt thân chủ tham gia tố tụng trong một vụ án để biện hộ, bảo vệ cho thân chủ của mình. Việc bào chữa của người bào chữa góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo, giúp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Vậy người bào chữa được quy định như thế nào trong các văn bản pháp luật? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu các quy định về chỉ định người bào chữa và thẩm quyền chỉ định người bào chữa.
1. Người bào chữa là gì?
Trong các vụ án, để quyền và lợi ích của người bị buộc tội được bảo vệ cũng như để pháp luật được áp dụng một cách chính xác nhất thì người bào chữa là một thành phần tố tụng không thể thiếu.
Theo quy định của
Thông qua việc bào chữa, người bào chữa sẽ tham gia tố tụng để đưa ra những tình tiết xác định người bị buộc tội không có tội hoặc những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội và giúp đỡ người bị buộc tội về mặt pháp lí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Sự tham gia tố tụng của người bào chữa là rất cần thiết và có những vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc xác định sự thật của vụ án được đúng đắn, không để bị can, bị cáo bị buộc tội oan, sai.
Người bào chữa bao gồm các đối tượng sau:
– Luật sư: Là người có đầy đủ tiêu chuẩn hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Người đại diện của người bị buộc tội: có thể là cha mẹ hoặc là người giám hộ của người bị buộc tội chưa thành niên hoặc những người tham gia tố tụng có nhược điểm về thể chất, trí tuệ mà không thể tự bào chữa hay đại diện theo pháp luật của bị can, bị cáo là pháp nhân.
– Bào chữa viên nhân dân: Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
– Trợ giúp viên pháp lý: Khi người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
2. Người bào chữa tiếng anh là gì?
Người bào chữa tiếng anh là “Advocate”.
3. Chỉ định người bào chữa trong tố tụng hình sự:
Quyền bào chữa là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam. Việc thực hiện tốt các nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xác định được sự thật khách quan của vụ án, giúp hoạt động tố tụng được tiến hành đúng trình tự, đảm bảo việc xét xử công minh, kịp thời, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của ccas bị can, bị cáo, tránh oan sai.
Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nội dung sau:
“1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý,
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
– Bị can, bị cáo về tội mà bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
– Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa cho bản thân mình hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp phải chỉ định bào chữa:
– Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa.
– Trung tâm trợ giúp pháp lí nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
– Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Như vậy, đối tượng được bào chữa bắt buộc không chỉ riêng đối với những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội theo khung hình phạt cao nhất là tử hình mà còn đối với những người về tội mà bộ luật hình sự quy định mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân; ngoài ra, bộ luật tố tụng hình sự 2015 còn quy định thêm điều kiện người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa.
Tuy nhiên, có những bật cập đối với người bị buộc tội có nhược điểm về tâm thần thì khó khăn nhất là trường hợp những nhược điểm này không phải bẩm sinh mà xuất hiện trong quá trình điều tra, xét xử vụ án. Khi cơ quan tiến hành tố tụng có nghi ngờ về tình trạng tâm thần của người bị buộc tội thì các cơ quan này phải trưng cầu giám định. Vì vậy, pháp luật cần phải quy định thời điểm ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần là thời điểm các cơ quan này có nghĩa vụ đảm bảo người bào chữa cho người bị buộc tội chứ không chờ kết luận giám định. Vì nếu kết luận giám định là người bị buộc tội có nhược điểm về tâm thần thì sẽ đảm bảo được quyền bào chữa cho họ ngay từ đầu. Còn kết luận giám định không có nhược điểm về tâm thần thì lúc này sự tham gia tiếp theo của người bào chữa trong vụ án sẽ được giải quyết như trường hợp thông thường khác, tức là trên cơ sở thỏa thuận giữa người bị buộc tội và người bào chữa.
Bộ luật tố tụng hình sự cũng đưa ra cá quy định về người bào chữa ngoài luật sư, bào chữa viên nhân dân và người đại diện của người bị buộc tội còn gồm cả trợ giúp viên pháp lý để bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, qua đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp người bị buộc tội mà còn phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn hiện nay khi đa phần trợ giúp pháp lý đều không có thẻ luật sư nên khó khăn trong việc tiếp cận và bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội.
Sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong tố tụng hình sự là quy định mang tính nhân đạo của Luật Tố tụng hình sự nước ta. Quy định về sự tham gia của người bào chữa trong vụ án không chỉ phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo mà còn là sự bảo đảm quyền bào chữa cho họ, thù lao mà Nhà nước trả phải tương xứng với khối lượng công việc của người bào chữa và ý thức trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp của họ.
Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, người đại diện hoặc người bào chữa cho người bị buộc tội có quyền và nghĩa vụ tham gia, chứng kiến khi cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, lấy lời khai của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Trường hợp người bị buộc tội không có người đại diện hoặc khi mà cơ quan tiến hành tố tụng chưa liên hệ, không tìm được người đại diện của người bị buộc tội, chưa tìm được luật sư bảo vệ, bào chữa, thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể mời luật sư trực ban tham gia ngay các hoạt động tố tụng này để đảm bảo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.
4. Thẩm quyền chỉ định người bào chữa:
Theo quy định của Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thẩm quyền chỉ định người bào chữa là của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Trong đó, cơ quan tiến hành tố tụng gồm có Tòa án, Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra còn cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm:
– Các cơ quan của Bộ đội biên phòng;
– Các cơ quan của Hải quan;
– Các cơ quan của Kiểm lâm;
– Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển;
– Các cơ quan của Kiểm ngư;
– Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình.
Tương tự, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó, mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ từ đó giúp phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.