Cách thức, thủ tục, hồ sơ yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi. Trẻ em bị bỏ rơi được ai khai sinh? Khai sinh tại đâu? Khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi thế nào?
Mỗi cá nhân khi sinh ra đều có quyền được khai sinh, dù là trẻ chỉ sống được 24 giờ rồi chết hay trẻ bị bỏ rơi. Vậy theo quy định của pháp luật, khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi thế nào? Cách thức, thủ tục, hồ sơ yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây Công ty LUẬT DƯƠNG GIA chúng tôi xin trình bày chi tiết về vấn đề này để bạn đọc nắm bắt được các quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý:
Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch
Nội dung tư vấn:
Mục lục bài viết
1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính
– Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an phường, xã, thị trấn nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.
– Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn hoặc Trưởng công an phường, xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.
– Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng như giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ, nếu có; họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập.
– Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.
– Sau khi lập biên bản theo quy định, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.
– Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em
– Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏrơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.
2. Trình tự thực hiện khai sinh cho trẻ bỏ rơi
– Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, nơi trẻ em bị bỏ rơi hoặc qua đường bưu chính, từ thứ hai đến thứ sáu (buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11giờ 30 phút, buổi chiều từ 13g 00 đến 17giờ 00) và sáng thứ bảy (từ 07 giờ 30 phút đến 11giờ 30 phút).
– Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ:
* Trường hợp nộp trực tiếp:
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ hợp lệ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo quy định;
Trường hợp tiếp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn không thể giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày thì người tiếp nhận hồ sơ phải có phiếu hẹn ghi rõ thời gian (giờ, ngày) trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
* Trường hợp nộp qua bưu chính:
Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì thực hiện giải quyết hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì mời người nộp hồ sơ đến bổ sung theo quy định.
– Bước 3: Ngay khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, công chức Tư pháp-Hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh. Trường hợp từ chối, thông báo bằng văn bản, có nêu rõ lý do.
3. Thành phần hồ sơ khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi
* Giấy tờ phải xuất trình:
– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh;
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).
Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.
* Giấy tờ phải nộp:
+ Tờ khai theo mẫu quy định;
+ Biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi thay thế cho Giấy chứng sinh; các giấy tờ khác của trẻ khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi…
+ Trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi: Nộp kèm theo văn bản ủy quyền theo quy định pháp luật.
Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.
* Giấy tờ phải xuất trình: Giấy tờ tùy thân (gồm: hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng).
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Thời hạn giải quyết: Ngay trong ngày làm việc. Nếu nộp hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong làm việc tiếp theo.
Nghị định quy định UBND cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
Trong quá trình giải quyết bổ sung hộ tịch trường hợp Trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi, trẻ chưa xác định được cha, mẹ thì theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của con nuôi thực hiện bổ sung thông tin của cha, mẹ nuôi vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh; mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”.
Mẫu tờ khai đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TỜ KHAI ĐĂNG KÝ KHAI SINH
Kính gửi: (1)…………………….
Họ, chữ đệm, tên người yêu cầu: ………….
Nơi cư trú: (2)…………………………
Giấy tờ tùy thân: (3)…………………
Quan hệ với người được khai sinh: ……………..
Đề nghị cơ quan đăng ký khai sinh cho người dưới đây:
Họ, chữ đệm, tên:…………………
Ngày, tháng, năm sinh: ……………… ghi bằng chữ: ……….
Giới tính:…….. Dân tộc:……….. Quốc tịch: ………….
Nơi sinh: (4)…………………
Quê quán: ………………
Họ, chữ đệm, tên người mẹ: ……………………
Năm sinh: (5)………….. Dân tộc:……… Quốc tịch: ……….
Nơi cư trú: (2) ……………………
Họ, chữ đệm, tên người cha: ……………….
Năm sinh: (5)………… Dân tộc:………. Quốc tịch: ……..
Nơi cư trú: (2) …………………
Tôi cam đoan nội dung đề nghị đăng ký khai sinh trên đây là đúng sự thật, được sự thỏa thuận nhất trí của các bên liên quan theo quy định pháp luật.
Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan của mình.
Làm tại: ………, ngày ….. tháng … năm …..
Đề nghị cấp bản sao(6): Có , Không Số lượng:…….bản | Người yêu cầu (Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên) ………………………………… |
Chú thích:
(1) Ghi rõ tên cơ quan đăng ký khai sinh.
(2) Ghi theo nơi đăng ký thường trú; nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.
(3) Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân của người đi đăng ký, ghi rõ số, cơ quan cấp, ngày cấp hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế (Ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/2014).
(4) Trường hợp sinh tại cơ sở y tế thì ghi rõ tên cơ sở y tế và và địa chỉ trụ sở cơ sở y tế đó.
Ví dụ: – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đường La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội
- Trạm y tế xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Trường hợp sinh ra ngoài cơ sở y tế thì ghi địa danh của 03 cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh), nơi sinh ra.
Ví dụ: xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
(5) Ghi đầy đủ ngày, tháng sinh của cha, mẹ (nếu có).
(6) Đề nghị đánh dấu X vào ô nếu có yêu cầu cấp bản sao và ghi rõ số lượng..
Trên đây là nội dung tư vấn của Đội ngũ chuyên viên công ty LUẬT DƯƠNG GIA về vấn đề “Cách thức, thủ tục, hồ sơ yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi”, nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc các câu hỏi liên quan đến vấn đề hộ tịch mong quý khách có thể gọi điện theo số hotline của công ty chúng tôi theo số 1900.6568 để được các chuyên viên chúng tôi giải đáp. Trân trọng!