Các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của báo chí và truyền thông xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
Mục lục bài viết
1. Yếu tố pháp lý:
Hệ thống pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng nhất, góp phần tạo cơ sở để báo chí và TTXH phát huy được tối đa vai trò của mình trong công tác đấu tranh PCTN. Theo đó, nếu hệ thống pháp luật liên quan đến PCTN nói chung, đặc biệt là các quy định về vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, phóng viên, các phương tiện TTXH trong PCTN càng chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ sẽ tạo ra cơ sở pháp lý, là tiền đề để báo chí và TTXH thực hiện được hết vai trò, chức năng của mình trong công cuộc đấu tranh PCTN.
Sự tham gia của báo chí và TTXH trong công cuộc đấu tranh PCTN là một vấn đề hết sức nhạy cảm và tiềm ẩn những mối đe dọa đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của đội ngũ phóng viên, nhà báo tham gia đưa tin về tham nhũng. Chính vì vậy, một yêu cầu đặt ra là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về PCTN; trong đó cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu ban hành và hoàn thiện các quy định về bảo đảm cho sự tham gia của báo chí, TTXH trong PCTN, cụ thể như: các quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí; các quy định bảo đảm an toàn cho phóng viên, nhà báo đưa tin về tham nhũng; các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên không gian mạng… Có như vậy, báo chí và TTXH mới thực sự phát huy được hết vai trò quan trọng của mình với tư cách là lực lượng đi đầu trong đấu tranh PCTN.
2. Năng lực của đội ngũ nhà báo tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng:
Đội ngũ những người làm báo có vai trò quan trọng trong đấu tranh PCTN. Các nhà báo, phóng viên trực tiếp điều tra, phát hiện và đưa tin nhằm phơi bày trước công chúng những hành vi, vụ việc tham nhũng.
Với đặc thù hoạt động của các nhà báo trong hoạt động đấu tranh chống tham nhũng thường là độc lập, điều tra ngầm nên để báo chí phát huy hơn nữa vai trò là vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng thì bản thân những người làm báo phải được trang bị kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo mang tính chuyên nghiệp cao và phải hoạt động theo đúng mục đích, tôn chỉ của cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, những người làm báo tham gia PCTN phải có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Ngược lại, nếu bản thân nhà báo, cơ quan báo chí chưa chủ động, tích cực, kiến thức, kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…thì hiệu quả tham gia PCTN của báo chí sẽ không được như mong muốn.
3. Công tác quản lý, giám sát các phương tiện truyền thông xã hội:
Cũng giống như báo chí, trong cuộc đấu tranh PCTN tại các quốc gia trên thế giới hiện nay, TTXH cũng được xem là một trong những vũ khí sắc bén. Với tốc độ lan truyền thông tin nhanh và khả năng kết nối trên phạm vi xuyên quốc gia, các phương tiện TTXH có vai trò quan trọng phơi bày, lên án và định hướng dư luận xã hội tham gia PCTN.
Tuy nhiên, với cơ chế lan truyền thông tin nhanh, khó kiểm soát nên nếu không được quản lý, giám sát một cách chặt chẽ thì TTXH có thể là con dao hai lưỡi, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với công tác PCTN. Theo đó, các thông tin được lan truyền trên các phương tiện TTXH dễ bị “tam sao thất bản”, bị thổi phồng, thiếu tính chính xác, thiếu sự kiểm chứng; từ đó làm giảm hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN của Nhà nước. Đặc biệt, TTXH dễ trở thành phương tiện để các thế lực xấu, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước; gây rối loạn thông tin, mất trật tự xã hội và an ninh quốc gia, bác bỏ những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh PCTN.
Chính vì vậy, để TTXH thật sự trở thành vũ khí quan trọng, không thể thiếu trong cuộc chiến PCTN ở các quốc gia trên thế giới thì đòi hỏi công tác quản lý, giám sát thông tin trên các phương tiện TTXH phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên. Cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm việc lan truyền thông tin sai sự thật, xuyên tạc. Đồng thời, cũng cần thường xuyên sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế, ngăn chặn những thông tin độc hại, xâm phạm an ninh quốc gia.
4. Tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế:
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu hướng lớn, tác động sâu sắc tới các quốc gia trên mọi lĩnh vực trong đó có tội phạm tham nhũng, hoạt động PCTN. Đặc biệt, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham gia PCTN của báo chí và TTXH.
Trong quá trình này, báo chí truyền thông của các nước cũng đã có những bước phát triển nhanh cả về lý thuyết, nghiên cứu khoa học và thực tế hành nghề, cả mô hình tổ chức quản lý, đội ngũ nhà báo, kỹ thuật và công nghệ cũng như kinh tế báo chí, TTXH để cùng góp sức đấu tranh PCTN. Toàn cầu hóa và hội nhập tạo điều kiện cho các nước trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả báo chí, TTXH tham gia PCTN từ đó áp dụng một cách hợp lý vào thực tiễn nước mình.
Bên cạnh đó, tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng 4.0 đã dẫn đến những tác động tiêu cực. Quá trình hội nhập quốc tế, mở cửa của các quốc gia trên thế giới đã tạo điều kiện cho tham nhũng vượt ra ngoài biên giới quốc gia, thúc đẩy tham nhũng có yếu tố nước ngoài, thuận lợi cho môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế và bành trướng quyền lực, làm nghiêm trọng thêm tình trạng tham nhũng. Bên cạnh đó, cũng dẫn đến tình trạng lan truyền thông tin sai lệch gây rối loạn thông tin; TTXH của các quốc gia bị các thế lực từ bên ngoài phát tán các thông tin xấu, không đúng sự thật nhằm lôi kéo, kích động, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Chính vì vậy, việc tham gia PCTN của báo chí và TTXH cũng gặp rất nhiều những khó khăn và thách thức; đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để báo chí và TTXH thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống tham nhũng.