Các nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển cần dựa trên những nguyên tắc nào?
Căn cứ theo quy định của Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo thì hành lang bảo vệ bờ biển được hiểu là dải đất ven biển được thiết lập tại những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái và duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; góp phần giảm thiểu sạt lở bờ biển, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng, từ đó bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Như vậy, việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển có mục đích nhằm bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên vùng bờ biển, đồng thời là cơ sở để thực hiện việc quy hoạch, xây dựng các công trình kinh tế – xã hội ở vùng ven biển. Vậy việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
– Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
– Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT
1. Quy định chung về hành lang bảo vệ bờ biển
1.1. Hành lang bảo vệ bờ biển nằm ở đâu?
Hành lang bảo vệ bờ biển được hiểu là dải đất nằm ở ven biển và được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái và góp phần duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái cũng như cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ biển; đồng thời hành lang bảo vệ bờ biển cũng góp phần giảm thiểu sạt lở bờ biển và ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng và bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
Việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên thực tế phải bảo đảm tính khoa học và khách quan theo quy định; đảm bảo sự hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ khuc vực và phát triển khu vực ven biển, và đồng thời phải tính đến hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên trên vùng đất ven biển; bảo đảm sự bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; đồng thời cũng phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; hành lang bảo vệ bờ biển cũng cần phải phù hợp với quy định của pháp luật liên quan đến đê điều, khu vực biên giới trên biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có biển sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để tổ chức thiết lập, công bố và thực hiện quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý.
1.2. Chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển
Theo quy định tại Nghị định 40/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì để triển khai hoạt động lập hành lang bảo vệ bờ biển, các địa phương tại khu vực ven biển cần nghiên cứu xây dựng danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Để xác định ranh giới khu vực hành lang bảo vệ bờ biển, các địa phương ở khu vực đó cần xác định đường mực nước thủy triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo. Nghị định 40/2016/NĐ-CP cũng quy định rõ các trường hợp xác định hành lang bảo vệ bờ biển, theo đó, chiều rộng tối thiểu của hành lang bảo vệ bờ biển là 100m hoặc phải bằng chiều rộng tối đa tự nhiên của khu vực bờ thiết lập hành lang.
Ủy ban nhân dân tỉnh có biển có trách nhiệm thực hiện việc công bố hành lang bảo vệ bờ biển trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển. Đoòng thời bản đồ thể hiện ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường và thị trấn có biển nơi có hành lang bảo vệ bờ biển và pgair được niêm yết tại khu vực hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được phê duyệt.
1.3. Hạn chế các hoạt động nhân tạo
Các hoạt động khai thác, cải tạo và hoạt động xây dựng, sản xuất kinh doanh đều bị hạn chế tại khu vực hành lang bảo vệ bờ biển.
Việc khai thác nước dưới đất tại khu vực hành lang bảo vệ bờ biển chỉ được tiến hành trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi không có nguồn nước nào khác để khai thác. Việc khai hoang, lấn biển hay các hoạt động thăm dò khoáng sản và dầu khí cũng chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, việc cải tạo công trình đã xây dựng tại khu vực hành lang bảo vệ bờ biển chỉ được thực hiện nếu không làm thay đổi mục đích sử dụng, quy mô, kết cấu hạ tầng và độ sâu, chiều cao của công trình hành lang bảo vệ bờ biển hoặc việc cải tạo có tác động tốt hơn đối với hành lang bảo vệ. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái tại khu vực hành lang bảo vệ bờ biển chỉ được tiến hành khi có giải pháp bảo đảm không ảnh hưởng đến yêu cầu, mục tiêu của việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
2. Quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển
Quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển được Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT. Theo đó, thông tư số 29/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật lập Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; từ đó xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển và xác định mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển.
– Thứ nhất, thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin và dữ liệu phục vụ việc lập Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Thông tin, dữ liệu được thu thập phải bảo đảm từ các nguồn thống kê chính thức và phải được thừa nhận về mặt pháp lý, nhằm bảo đảm độ tin cậy, chính xác; đồng thời thông tin, dữ liệu thu thập được phải được cập nhật mới nhất tính đến thời điểm lập Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Những thông tin, dữ liệu cần phải thu thập, tổng hợp bao gồm: điều kiện tự nhiên vùng ven biển, thông tin về tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái vùng biển; cảnh quan tự nhiên, di sản văn hóa ven bờ; thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng bờ biển; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ của các ngành, lĩnh vực kinh tế biển và hiện trạng môi trường, khả năng rủi ro ô nhiễm môi trường; thông tin về tình hình, diễn biến và rủi ro thiên tai và ảnh viễn thám hoặc ảnh hàng không…
– Thứ hai, thực hiện việc đánh giá hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ biển. Trên cơ sở thông tin, dữ liệu đã thu thập, tổng hợp được thì tiến hành đánh giá hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ biển bao gồm việc đánh giá các yếu tố sau đây: Đặc điểm điều kiện tự nhiên, dân số tại vùng bờ biển, đặc điểm cơ cấu ngành nghề, kinh tế – xã hội khu vực vùng bờ biển; Quy luật phân bố tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên tại vùng bờ; Hiện trạng hệ sinh thái vùng biển và giá trị dịch vụ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên vùng bờ biển; Đặc điểm, chế độ sóng tại vùng bờ biển và xây dựng tập bản đồ trường sóng; Dao động mực nước biển thông thường, dao động mực nước biển dâng do bão; Tình trạng sạt lở, bồi tụ tại khu vực vùng bờ biển; tình trạng diễn biến và phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng đến vùng bờ biển; cuối cùng à hiện trạng, nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng bờ; tình trạng mâu thuẫn, xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng bờ.
– Thứ ba, thực hiện xác định các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Căn cứ theo kết quả đánh giá hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, môi trường vùng bờ thực hiện các hoạt động sau:
+ Đánh giá và đề xuất các khu vực có hệ sinh thái ven bờ cần bảo vệ, các khu vực cần duy trì giá trị dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan tự nhiên cần bảo vệ;
+ Đánh giá và đề xuất các khu vực dễ bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở gắn với yêu cầu giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của sạt lở tại bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu,hiện tượng nước biển dâng;
+ Đánh giá và đề xuất các khu vực ven bờ gắn với yêu cầu bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
– Thứ tư, thực hiện việc đề xuất dự thảo Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển dựa theo kết quả đánh giá.
Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT cũng quy định rõ quy trình kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển là các bước xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển bao gồm việc tính toán và xác định các khoảng cách phục vụ xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển trên từng mặt cắt đặc trưng và việc xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển trên từng mặt cắt đặc trưng theo quy định. Sau khi xác định chiều rộng và xác định được ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, cần yêu cầu thiết lập bản đồ thể hiện ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển và thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của pháp luật.
3. Nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển
Khoản 2 Điều 23 Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 có quy định các nguyên tắc trong việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển như sau:
“- Phải căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu của việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển như: cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
– Bảo đảm tính khoa học, khách quan; hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ và phát triển, có tính đến hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng đất ven biển; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;
– Phải phù hợp với quy định của pháp luật về đê điều, khu vực biên giới trên biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh;
– Phải xác định rõ chỉ giới hành lang bảo vệ bờ biển ở các khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;”
– Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.”
Theo đó, chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển được tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và các nguyên tắc trên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý.