Trong xã hội hiện nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại, quá trình phân chia di sản mà người chết để lại là quyền lợi của những người thừa kế. Nhiều người đặt ra câu hỏi, khi bố mất thì mẹ có quyền cho con trai toàn bộ tài sản hay không?
Mục lục bài viết
1. Bố mất, mẹ có quyền cho con trai toàn bộ tài sản không?
Hiện nay nhiều người đặt ra câu hỏi: Khi bố mất thì mẹ có quyền cho con trai toàn bộ tài sản hay không? Có thể nói, khi người cha qua đời, di sản của người cha sẽ được chia thừa kế, có thể chia thừa kế theo di chúc hoặc chia thừa kế theo pháp luật. Để trả lời được câu hỏi nêu trên thì cần phải xem xét di sản thừa kế của người cha được chia theo cách thức nào. Do có nhiều hình thức chia di sản thừa kế, và câu hỏi chưa xác định được người cha có để lại di chúc hay không, nên sẽ chia thành hai trường hợp cơ bản sau:
Thứ nhất, chia thừa kế trong trường hợp người cha chết có để lại di chúc. Khi người cha qua đời có để lại di chúc thì mẹ sẽ không có quyền chia cho con trai toàn bộ di sản khi người cha đó qua đời căn cứ theo quy định tại Điều 624 của Bộ luật dân sự năm 2015. Bởi, di chúc được xem là hành vi pháp lý đơn phương thể hiện ý chí của cá nhân người chết nhằm chuyển dịch tài sản hợp pháp của mình cho người khác sau khi họ qua đời. Theo quy định đó thì di chúc là do người chết để lại, toàn bộ tài sản trong di chúc sẽ được định đoạt theo ý chí của người để lại thừa kế. Đây là quyền của người để lại di sản thừa kế căn cứ theo quy định tại Điều 626 của Bộ luật dân sự năm 2015:
– Người lập di chúc được quyền chỉ định người thừa kế, có quyền truất quyền hưởng di sản thừa kế của những người thừa kế;
– Phân chia cụ thể và rõ ràng phân chia sản thừa kế cho từng người thừa kế;
– Dành phần di sản thừa kế của mình trong việc thờ cúng hoặc di tặng.
Như vậy có thể nói, khi người cha để lại di chúc, và trong di chúc đó không có nội dung để lại toàn bộ di sản thừa kế cho con trai, thì khi cha chết, người mẹ cũng không có quyền để cho con trai hưởng toàn bộ di sản mà người cha để lại. Lúc này, di sản sẽ được chia cho những người được ghi trong di chúc. Nếu như khi người cha qua đời, người cha có viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho người con và di chúc đó có hiệu lực căn cứ theo quy định tại Điều 630 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì khi đó người con mới được hưởng toàn bộ tài sản mà người cha để lại, trong trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 644 của Bộ luật dân sự năm 2015 từ chối nhận di sản thừa kế.
Thứ hai, chia thừa kế theo pháp luật khi người cha qua đời. Tùy vào từng trường hợp khác nhau, người mẹ có thể có quyền cho con trai hưởng toàn bộ di sản khi cha chết hoặc không. Chia thừa kế theo pháp luật khi người cha chết sẽ được thực hiện trong trường hợp người bố không để lại di chúc, hoặc bố có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp, Hoặc những người có tên trong di chúc không được hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Thừa kế theo pháp luật được chia theo thứ tự. Căn cứ theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015, bao gồm những hàng thừa kế sau đây:
– Hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Do đó, trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, sẽ có hai trường hợp người mẹ có thể đưa toàn bộ di sản thừa kế do người cha chết đi để lại cho con trai:
Thứ nhất: Hai vợ chồng trong thời kì hôn nhân chỉ có duy nhất 01 người con trai. Đồng thời, cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi của người chồng cũng không còn. Trong trường hợp này, nếu di sản thừa kế được chia theo pháp luật thì di sản sẽ được chia thành 02 phần bằng nhau cho người vợ và người con của người để lại di sản thừa kế. Khi đó, nếu người mẹ muốn cho con trai toàn bộ di sản thừa kế do chồng mình để lại thì có thể tặng cho toàn bộ phần di sản thừa kế mình được hưởng trong phần di sản của người chồng để lại cho con trai. Người con trai lúc này sẽ được hưởng toàn bộ di sản thừa kế do cha để lại.
Thứ hai: Người cha có thể có nhiều hơn 02 người thừa kế là người vợ và người con trai. Tuy nhiên, những người thừa kế đó không có quyền hưởng di sản thừa kế hoặc từ chối nhận di sản thừa kế, bị truất quyền hưởng di sản thừa kế … thì di sản của người cha cũng chỉ chia thành 02 phần bằng nhau cho vợ và con trai. Sau đó, người vợ lại thực hiện thủ tục tặng cho toàn bộ phần di sản thừa kế mà mình được hưởng từ người chồng cho người con trai.
2. Bố mất, mẹ muốn cho con trai toàn bộ tài sản thì phải làm thế nào?
Mẹ và con trai đều là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khi người cha qua đời. Một trong những hình thức đơn giản nhất để mẹ có thể nhường cho con trai đứng tên toàn bộ tài sản khi người bố qua đời đó là người mẹ sẽ từ chối nhận di sản thừa kế mà người cha để lại. Căn cứ theo quy định tại Điều 620 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về việc từ chối nhận di sản, cụ thể như sau:
– Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản theo quy định của pháp luật và phù hợp với nguyện vọng của bản thân, trừ trường hợp việc từ chối nhận di sản nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người thứ ba;
– Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật và gửi đến những người quản lý di sản, gửi đến những người đồng thừa kế và người được giao nhiệm vụ phân chia di sản;
– Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi người mẹ từ chối nhận di sản thừa kế thì bắt buộc phải được lập thành văn bản. Căn cứ theo quy định tại Điều 610 của Bộ luật dân sự năm 2015 có khẳng định, mọi cá nhân đều bình đẳng với nhau về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 642 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản theo quy định của pháp luật. Do vậy, người mẹ hoàn toàn có thể từ chối không nhận di sản mà người chết để lại. Khi đó, nếu không còn những người đồng thừa kế khác thì với con hoàn toàn có quyền hưởng toàn bộ tài sản và người cha để lại.
3. Thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản khi bố mất:
Việc phân chia tài sản khi bố mất trong nhiều trường hợp có thể xảy ra tranh chấp giữa những người đồng thừa kế với nhau. Khi đó nếu muốn chia thừa kế theo đúng pháp luật thì cần phải thực hiện thủ tục khởi kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản trong trường hợp này được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện theo quy định của pháp luật. Thành phần hồ sơ bao gồm: Đơn khởi kiện theo mẫu do pháp luật quy định, giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản như giấy khai sinh, giấy tờ tùy thân, giấy đăng ký kết hôn …, giấy chứng tử của người để lại di sản, các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh quyền sở hữu của người chết đối với tài sản để lại, và các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật. Sau khi chuẩn bị hồ sơ thì sẽ nộp hồ sơ khởi kiện tại tòa án. Có thể nộp trực tiếp tại tòa án, hoặc gửi hồ sơ theo dịch vụ bưu chính, thậm chí có thể nộp hồ sơ trực tuyến bằng hình thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của toà án.
Bước 2: Thụ lý vụ án. Tòa án xem xét những tài liệu và chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết về vấn đề nộp tiền tạm ứng án phí. Trong khoảng thời hạn 15 ngày được tính kể từ ngày nhận được thông báo thì đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc sẽ tiến hành hoạt động lấy lời khai của các đương sự, tiến hành các phiên họp kiểm tra và giao nộp chứng cứ, công khai chứng cứ và hòa giải, thẩm định tại chỗ và định giá hoặc ủy thác thu thập chứng cứ nếu xét thấy cần thiết. Sau đó đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Dân sự năm 2015