Quy định của pháp luật Việt Nam về biện pháp ngăn chặn tạm giữ trong BLTTHS từ năm 1945 đến năm 2015.
Mục lục bài viết
1. Từ năm 1945 đến năm 1988:
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã lật đổ hoàn toàn bộ máy nhà nước phong kiến và dẫn đến sự ra đời của Nhà nước kiểu mới đầu tiên ở Đông Nam Á – nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lúc này, Nhà nước phải tổ chức cho nhân dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Nhiệm vụ của cách mạng thời kỳ này là đấu tranh với thù trong, giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng. Trong lúc phải đối phó với nạn đói và thù trong, giặc ngoài như vậy, hoạt động lập pháp vẫn được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tiêu biểu là Hiến pháp 1946 ngày 09/11/1946 được ban hành. Tại Điều 11 Hiến pháp quy định: “Tư pháp chưa quyết định, thì không bắt bớ và giam cầm người công dân” và “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật” Nhà nước đồng thời cũng ban hành các văn bản pháp luật có quy định về những BPNC mà cụ thể là BPNC tạm giữ và sử dụng biện pháp này như phương tiện sắc bén để đấu tranh chống Việt gian, phản động và những tội phạm nguy hiêm khác. Tuy nhiên, thời kỳ này chưa có các văn bản quy định riêng về BPNC tạm giữ mà mới chỉ được quy định xen kẽ trong những văn bản pháp luật, một số cơ quan tư pháp được ra đời liên quan đến việc tạm giữ, cụ thể: Tại Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chức TA và ngạch Thẩm phán và Sắc lệnh 131/SL ngày 20/7/1946 về tổ chức bộ máy Tư pháp Công an có quy định:
(i) Ban Tư pháp xã không có quyền tịch thu tài sản của ai, cũng không có quyền bắt bớ, giam giữ trừ khi có trát nã của Thẩm phán hay khi thấy một người phạm tội quả tang và để bảo đảm quyền tự do thân thể của công dân, nghiêm cấm việc bắt giam trái pháp luật, trừ những trường hợp phạm pháp quả tang phải đưa ngay người bị bắt lên huyện,không được giữ ở xã quá 24 tiếng đồng hồ; (ii) Trong Trại tạm giam nên giam riêng biệt đối tượng đang bị giam cứu để điều tra với các đối tượng bị kết án, như: những người bị giam cứu; chính trị phạm; những người bị an trí; những phạm nhân nguy hiểm hoặc hung dữ không chịu cải hối (có thể giam vào biệt lao);những phạm nhân là đàn bà.
Sắc lệnh 131/SL ngày 20/7/1946 về tổ chức bộ máy Tư pháp Công an tại Điều thứ 2 quy định: “Tư pháp Công an có nhiệm vụ truy tầm tất cả các sự phạm pháp (đại hình, tiểu hình hoặc vi cảnh), sưu tập các tang chứng, bắt giao người phạm pháp cho các TẢ xét xử trong phạm vi luật pháp ấn định”[9]; Sắc lệnh 23/SL ngày 21/02/1946 thành lập Việt Nam Công an vụ. Theo Sắc lệnh này thì lực lượng Công an vụ có nhiệm vụ “Điều tra về những hành động trái phép và truy tìm người can phạm để giúp TA trong sự trừng trị”; Sắc lệnh số 85/S1 ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp thì: “Tư pháp Công an có nhiệm vụ bắt người phạm pháp và giao cho các TA xét xử”.
Năm 1954, sau khi giải phóng miền Bắc, Đảng ta xác định: “Miền Bắc là căn cứ địa chung của cách mạng cả nước;nhiệm vụ chiến lược của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà”. Để đáp ứng nhiệm vụ chính trị và xã hội này, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật, cụ thể:
Luật số 103-SL/L005 ngày 20/5/1957 về Đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân có đề cập đến nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân, thủ tục, thẩm quyền ra lệnh bắt người, như:
(i) Quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm các quyền ấy; (ii) Bắt người phạm đến pháp luật phải có lệnh viết của cơ quan tư pháp cấp tỉnh hoặc cấp thành phố trở lên nếu là thường dân hoặc Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự nếu là quân nhân phạm pháp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trở lên. Riêng đối với các tỉnh phía Nam, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trở lên có quyền ra lệnh bắt giam người phạm tội trong những vụ án hình sự đang thụ lý; Trưởng và Phó
(i) Các trường hợp bắt quả tang: “Đang làm việc phạm pháp hoặc sau khi phạm pháp, thì bị phát giác ngay; đang bị đuổi bắt ngay sau khi phạm pháp; đang bị giam giữ mà lẩn trốn; đang có lệnh truy nã [24, tr.117]; (ii) Các trường hợp bắt khẩn cấp, gồm: Có hành động chuẩn bị làm việc phạm pháp; người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra vụ phạm pháp chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là kẻ phạm pháp; tìm thấy chứng cứ phạm pháp trong người hoặc tại nhà ở của kẻ tình nghi phạm pháp; có hành động chuẩn bị, hoặc đang trốn; có hành động chuẩn bị tiêu hủy chứng cớ, làm giả chứng cứ; có sự thông đồng giữa những kẻ phạm pháp với nhau để trốn tránh pháp luật; căn cước, lai lịch không rõ ràng.
Tại Nghị định số 301/TTG quy định chi tiết thi hành Luật số 103/SL-L005 ngày 20/5/1957 bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân, ghi nhận trình tự thủ tục bắt giữ đối với các quân nhân trong trường hợp bị bắt phạm pháp quả tang:Trừ những trường hợp phạm pháp quả tang và những trường hợp khẩn cấp, những quân nhân phạm pháp luật Nhà nước do các cán bộ trong quân đội nói ở Điều 1 đoạn b Nghị định này ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam. Những quân nhân phạm pháp bị bắt trong những trường hợp quả tang hoặc những trường hợp khẩn cấp thì trong hạn hai mươi bốn giờ phải giải lên TA nơi gần nhất.
Triển khai Luật 103/SL-L005 ngày 20/5/1957 và Sắc lệnh 002/SL-T ngày 18/6/1957, bằng Thông tư số 556/TTg ngày 24/12/1958, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đường lối áp dụng biện pháp bắt, giữ và quan điểm xét xử:
Trong khi làm nhiệm vụ, Công an, Công tố và Tòa án phải chiếu theo pháp luật của Nhà nước, mà làm đúng nguyên tắc bắt giữ và xét xử: Kẻ đáng bắt, thì bắt; kẻ bắt cũng được, không bắt cũng được, thì không bắt bắt giữ rồi, thì phải hỏi cung mau chóng để kịp thời xử án, không được giam lâu.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Sắc luật số 02/SL-76 ngày 15/3/1976 quy định về việc bắt giam giữ. Về cơ bản việc bắt giam giữ quy định trong Sắc luật này giống luật 103/SL-L005 ngày 20/5/1957, tuy vậy thẩm quyền bắt được mở rộng đến cấp huyện.
Điều 3 Sắc luật số 02/SL-76 ngày 15/3/1976 quy định về việc bắt người, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trong trường hợp khẩn cấp:Đội trưởng đội tuần tra của cơ quan an ninh hoặc của quân đội, trưởng hoặc phó đồn an ninh, trưởng hoặc phó cơ quan an ninh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trưởng hoặc phó ban của cơ quan an ninh từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, trong khi làm nhiệm vụ, có quyền ra lệnh hoặc tự mình bắt, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trong những trường hợp khẩn cấp.
Những thủ tục, trình tự, thẩm quyền của việc tạm giữ người được quy định ở rải rác các văn bản trước khi Bộ luật TTHS năm 1988 ra đời. Mặc dù đã giải quyết được nhiều trường hợp và có tác dụng to lớn trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm nhưng không thể không thừa nhận, trong quá trình áp dụng biện pháp tạm giữ vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều quy định thiếu khoa học, không cụ thể. Những văn bản pháp luật về biện pháp tạm giữ trong thời gian này rõ ràng đã được hình thành và được công nhận để đi vào thực tiễn. Tuy nhiên các văn bản này vẫn còn nhiều thiếu sót, đa phần đến từ sự chắp vá về kỹ thuật lập pháp cũng như tư duy lập pháp thời bấy giờ. . Hiến pháp 1980 ra đời cùng với hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện, nhiều văn bản pháp luật được bổ sung, hoàn thiện, BLTTHS 1988 ra đời đã khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trước đây gặp phải.
2. Từ năm 1988 đến năm 2003:
Tại Điều 68 BLTTHS 1988 quy định:
1- Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang quy định tại Điều 63 và Điều 64 Bộ luật này.
2- Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và cấp quân khu trở lên có quyền ra lệnh tạm giữ.
3- Trong thời hạn 24 giờ, lệnh tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ lệnh tạm giữ và trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Lệnh tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.
Theo quy định trên, về thẩm quyền ra lệnh tạm giữ thì tại Khoản 2 Điều 68 quy định “Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và cấp quân khu trở lên có quyền ra lệnh tạm giữ” nhưng tại Khoản 2 Điều 63 quy định về thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp thì:
2- Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
a) Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và cấp quân khu trở lên;
b) Người chỉ huy của đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo hoặc biên giới;
c) Người chỉ huy máy bay, tàu biển, khi máy bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Việc quy định như vậy là không phù hợp bởi thực tiễn khi bắt khẩn cấp thì thường ra lệnh tạm giữ nhưng thẩm quyền không quy định trong luật. Để khắc phục hạn chế này, ngày 30/6/1990, Quốc hội đã sửa đổi BLTTHS năm 1988, trong đó có sửa đổi Điều 68. Theo đó, những người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại Khoản 2 Điều 63 BLTTHS cũng có quyền ra lệnh tạm giữ.
Về thời hạn tạm giữ, tại Điều 69 có quy định:
1- Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày đêm, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
2- Trong trường hợp cần thiết và được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn, cơ quan ra lệnh tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày đêm.
3- Khi hết thời hạn tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người đã bị tạm giữ.
4- Thời gian tạm giữ được tính vào thời hạn tạm giam.
Việc quy định về thời hạn tạm giữ như trên là tương đối phù hợp với các cơ quan có chức năng điều tra nhưng chưa phù hợp với những chủ thể tố tụng khác hoặc những cơ quan được giao điều tra ban đầu vì chưa xác định được mục đích của tạm giữ là gì. Điều này dễ dẫn đến quá hạn tạm giữ hoặc tạm giữ không phù hợp với tinh thần của điều luật.
Như vậy, có thể thấy rõ rằng, có một bước tiến lớn về tính hệ thống hóa và tính thống nhất của các văn bản pháp luật liên quan đến biện pháp tạm giữ trong thời gian này. Tiêu biểu nhất là sự ra đời của BLTTHS năm 1988, chúng đã quy định cụ thể hơn, có hệ thống hơn về thẩm quyền, thời hạn tạm giữ. Mặc dù vậy, những quy định này cũng dần bộc lộ các hạn chế, bất cập, trong thời gian áp dụng, điều này dẫn đến việc hoạt động tạm giữ nói riêng và các hoạt động tư pháp nói chung chưa thực sự đảm bảo chất lượng. Trước tình hình đó, việc sửa đổi, bổ hay thậm chí là thay thế BLTTHS là đòi hỏi tất yếu. Những chuyển biến liên quan đến việc thay đổi, sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 1988 sẽ đánh dấu cho một giai đoạn tiếp theo để đảm bảo thực hành hoạt động tư pháp nói chung và biện pháp tạm giữ nói riêng được đúng chuẩn mực, đảm bảo bảo vệ nghiêm ngặt quyền con người, quyền công dân.
3. Từ năm 2003 đến 2015:
Khắc phục những khó khăn, vướng mắc của BLTTHS năm 1988 về BPNC tạm giữ, BLTTHS năm 2003 ra đời đã sửa đổi, bổ sung một số quy định rất quan trọng về BPNC tạm giữ.
Về đối tượng tạm giữ, Khoản 1 Điều 86 BLTTHS năm 2003 đã mở rộng hơn so với Điều 68 BLTTHS năm 1988 trước đó. Theo đó, Khoản 1 Điều 86 BLTTHS năm 2003 quy định: “Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã”. Như vậy, so với BLTTHS năm 1988, đối tượng bị tạm giữ mở rộng thêm bao gồm cả người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Đối với thời hạn gửi quyết định tạm giữ cho VKS, BLTTHS năm 2003 đã rút ngắn thời hạn lại, cụ thể Khoản 3 Điều 86 quy định:
Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Như vậy, so với BLTTHS năm 1988 thời hạn gửi quyết định tạm giữ rút ngắn đi 12 tiếng (trong thời hạn 12 tiếng thay vì thời hạn 24 tiếng).
Về thời hạn tạm giữ, BLTTHS năm 2003 có thay đổi về quy định số lần gia hạn tạm giữ. Tại Khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2003 quy định:
Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Như vậy so với BLTTHS 1988, thời hạn tạm giữ tối đa được tăng thêm 3 ngày. Việc cho phép gia hạn thêm 1 lần nữa trong trường hợp đặc biệt là vô cùng cần thiết bởi trong những trường hợp bắt theo lệnh truy nã, không phải cơ quan ra lệnh truy nã lúc nào cũng đến nhận người bị bắt ngay đi nên việc kéo dài thời hạn tạm giữ là hợp lý.
Ngoài ra, BLTTHS 2003 có thêm điểm mới so với BLTTHS 1988, đó là Theo Khoản 4 Điều 87 thì: “4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam”. Quy định này có tính chất nhân đạo rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi bị can bị tạm giam thì việc tính trừ thời hạn tạm giữ vào thời hạn tạm giam như thế nào khi viết lệnh tạm giam?
Mặc dù đã có những tiến bộ rõ rệt trong quy định về BPNC tạm giữ trong BLTTHS 2003 so với BLTTHS 1988 nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế. Thứ nhất, BLTTHS 2003 quy định về đối tượng tạm giữ là người tự thú, đầu thú. Tuy nhiên không quy định rõ trường hợp nào cần thiết tạm giữ, trường hợp nào không cần thiết. Thứ hai, khoản 1 Điều 87 BLTTHS quy định về thời điểm bắt đầu của thời hạn tạm giữ là thời điểm Cơ quan điều tra nhận người bị bắt là chưa dự tính hết những phức tạp nảy sinh từ thực tiễn, bởi vì trên thực tế không phải trường hợp nào cũng có thể giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra, ví dụ những người bị bắt trên tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng Việt Nam hoặc những người bị bắt ở biên giới, hải đảo. Những người bị bắt trong trường hợp này có thể một thời gian khá lâu sau khi bị bắt mới giải đến giao cho Cơ điều tra được, khoảng thời gian khá dài này những người bị bắt đó bị áp dụng BPNC nào? Bắt hay tạm giữ? Bắt thì không phải vì biện pháp bắt phải coi là kết thúc sau khi người có hành vi nguy hiểm cho xã hội bị bắt, nhưng tạm giữ thì cũng không phải vì lúc đó người bị bắt vẫn chưa được nhận bởi Cơ quan điều tra. Thứ ba, chưa có quy định rõ về cách tính thời hạn tạm giữ như thế nào khi mà ngày kết thúc thời hạn lại là ngày nghỉ lao động hoặc ngày lễ.
Có thể thấy rằng, việc hoàn thiện các quy định về biện pháp tạm giữ vẫn được tiếp tục trong giai đoạn này. Mặc dù đã nhìn nhận và khắc phục đa số những thiếu sót được điểm tên trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành, các vấn đề lại nảy sinh và tạo ra những tồn tại và hạn chế cần phải được khắc phục kịp thời. Tồn tại những hạn chế, khó khăn này sẽ dẫn đến những bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Vì vậy, đòi hỏi tất yếu là việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn pháp luật về tạm giữ. Đặc biệt, trong giai đoạn kế tiếp khi Việt Nam đang dần hòa mình vào xu hướng toàn cầu hóa, rõ ràng các giá trị liên quan trực tiếp đến quyền con người như việc áp dụng biện pháp khẩn cấp như biện pháp tạm giữ cần phải được chú trọng hoàn thiện để khẳng định tính minh bạch cũng như đảm bảo các giá trị mà nhân loại đang hướng đến.