Liệu một người bị kiện cáo vì vay mượn tiền có bị cấm xuất cảnh không? Đây là vấn đề pháp lý được nhiều người quan tâm vì bị kiện cáo vì vay mượn tiền không phải là một tình huống hiếm gặp và đây còn là vấn đề này ảnh hưởng quan trọng đến quyền tự do đi lại của người dân.
Mục lục bài viết
1. Biện pháp cấm xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng trong trường hợp nào?
Hiện tại, pháp luật Việt Nam không đưa ra định nghĩa cụ thể về “cấm xuất cảnh”. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cấm xuất cảnh là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với công dân Việt Nam và được Toà án áp dụng khi có đủ hai căn cứ sau đây:
– Công dân đó là bên liên quan trong một vụ án dân sự và đương sự khác của vụ án có yêu cầu tòa án buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ;
– Việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Ví dụ cho trường hợp người dân bị cấm xuất cảnh: Toà án đang thụ lý giải quyết vụ án, ông A khởi kiện yêu cầu ông B bồi thường một khoản tiền, ông B không có người đại diện cũng không có tài sản ở Việt Nam. Ông B làm thủ tục xuất cảnh nên ông A yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông B.
Ngoài trường hợp cấm xuất cảnh, công dân Việt Nam còn không thể xuất cảnh khi bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), cơ quan có thẩm quyền được quyền tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp người đó bị tố giác hoặc kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Theo khoản 7 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (sửa đổi, bổ sung năm 2023), tạm hoãn xuất cảnh là việc dừng, không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam và được áp dụng đối với công dân Việt Nam trong một số trường hợp được quy định tại Điều 36 như: bị can, bị cáo; người đang hoãn chấp hành phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; người phải thi hành án dân sự; người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự,…
Còn đối với người nước ngoài, Toà án không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ, mà chỉ có thể áp dụng biện pháp khẩn tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
Như vậy, có thể hiểu, trường hợp cấm xuất cảnh chỉ được Toà án áp dụng khi (i) có yêu cầu của đương sự, (ii) đối với công dân Việt Nam trong một vụ án dân sự và (iii) khi việc xuất cảnh theo nhận định của Toà án là có khả năng ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án và thi hành án, trừ các trường hợp ngoại lệ Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 135 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015. Còn đối với các trường hợp công dân Việt Nam không thể xuất cảnh còn lại, thì đó có thể là do cơ quan chức năng có thẩm quyền đã áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất hoãn đối với người đó theo căn cứ tại Điều 124 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 và Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.
2. Bị kiện cáo vì vay mượn tiền có bị cấm xuất cảnh không?
Như đã phân tích ở trên, công dân Việt Nam chỉ bị cấm xuất cảnh trong trường hợp bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, còn lại sẽ là bị hạn chế xuất cảnh do bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Cụ thể trong tình huống bị kiện cáo vì
Nếu người bị kiện cáo này đang trong một vụ án dân sự và chuẩn bị xuất cảnh nhưng (i) bị đương sự khác trong vụ án có yêu cầu lên Toà án buộc người vay tiền này phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền; và (ii) sau khi xem xét các căn cứ, Toà án cũng nhận định việc xuất cảnh của người vay tiền này là nhằm bỏ trốn, hay có thể ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án và thi hành án, người vay tiền này có thể bị cấm xuất cảnh. Đây là trường hợp cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ. Tuy nhiên, ngược lại, nếu người bị kiện cáo này thực hiện xuất cảnh không vì mục đích bỏ trốn và cũng không có yêu cầu của đương sự buộc trả tiền, thì người này sẽ không bị cấm xuất cảnh.
Trong trường hợp khác, đối với các vụ án hình sự, người bị kiện cáo vì vay mượn tiền có khả năng sẽ bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh nếu họ có căn cứ xác định việc xuất cảnh của người này có dấu hiệu bỏ trốn. Và ngược lại, cũng như trường hợp cấm xuất cảnh ở trên, nếu không có căn cứ nào xác định người này xuất cảnh để bỏ trốn thì cơ quan có thẩm quyền không có quyền tạm hoãn xuất cảnh và người này sẽ không bị hạn chế xuất cảnh.
3. Người dân có thể bị cấm xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh trong bao lâu?
3.1. Trường hợp bị cấm xuất cảnh:
Đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh, quy định của pháp luật không đưa ra thời hạn cụ thể, mà chỉ đưa ra các trường hợp cụ thể Tòa án cần ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng:
– Người yêu cầu áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh đề nghị hủy bỏ biện pháp này;
– Người bị áp dụng biện pháp nộp tài sản hoặc có người khác đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thay cho họ;
– Nghĩa vụ dân sự liên quan đến người bị cấm xuất cảnh chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự;
– Việc giải quyết vụ án được đình chỉ theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự;
– Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bị xác định là không đúng theo pháp luật;
– Căn cứ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn tồn tại;
– Vụ việc đã được giải quyết thông qua bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án;
– Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên, người bị cấm xuất cảnh có thể được dỡ bỏ biện pháp này thông qua quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.
3.2. Trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh:
Đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh theo Điều 124 Bộ luật tố tụng Hình sự, thời gian tạm hoãn xuất cảnh được quy định rõ ràng là không được vượt quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra truy tố, xét xử đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, và không được vượt quá thời hạn phạt tù kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù đối với bị can, bị cáo.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
– Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (sửa đổi, bổ sung năm 2023).
– Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Người viết: Phạm Thị Ngọc Diễm
THAM KHẢO THÊM: