Đánh rơi tiền ở nhà bạn có quyền kiện đòi lại tài sản hay không?
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 14/3/2010, A ra ngân hàng rút 15.000.000 đồng tiền mặt, bọc vào trong một túi nilong đen. Trên đường về, A vào nhà người quen là B. Khi ra về, A sơ ý đánh rơi cọc tiền ở trước cửa nhà B. Ngay sau đó, C là cháu họ của B, dẫn bạn là D, E đến nhà B chơi. Chưa kịp vào nhà, C, D, E phát hiện ra một túi màu đen ở ngay trước cửa nhà B. Sau khi mở túi ra và biết trong túi có 15.000.000 đồng, họ đã cùng nhau thỏa thuận sẽ lấy số tiền đó để đi ăn nhậu và chơi. Ngày hôm sau, C, D, E lại đến nhà B chơi và kể với B rằng họ nhặt được 15.000.000 đồng ở cổng nhà B và đã tiêu hết số tiền đó. B cho họ biết đó là tiền của A và báo cho A tin này. Sau khi biết tin, A đã yêu cầu C, D, E phải hoàn trả số tiền 15.000.000 đồng cho mình. Theo thỏa thuận, C, D, E sẽ phải hoàn trả khoản tiền 15.000.000 cho A vào ngày 25/6/2009 tại nhà B (mỗi người phải hoàn trả cho A số tiền là 5.000.000 đồng). Tuy nhiên, đến ngày 25/6/2009, D đã hoàn trả số tiền 5.000.000 đồng cho A nhưng C và E vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ của mình. Nể tình C là cháu của bạn mình, A đã không yêu cầu C phải hoàn trả cho mình khoản tiền 5.000.000 đồng và yêu cầu D phải thay E thực hiện toàn bộ phần nghĩa vụ còn lại. D chấp nhận yêu cầu của A, hoàn trả tiếp 5.000.000 đồng cho A và yêu cầu E phải hoàn lại cho mình 5.000.000 đồng vào ngày 30/6/2009.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
– Quan hệ giữa A với C, D, E trong tình huống này là một quan hệ nghĩa vụ dân sự, cụ thể là nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản do chiếm hữu, sử dụng tài sản trái với căn cứ pháp luật.
Căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự trong tình huống này là sự chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật của C, D, E đối với tài sản của A. C, D, E nhặt được, giữ tiền của A (tức chiếm hữu không có căn cứ pháp luật) và dùng số tiền của A để ăn nhậu, đi chơi (sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật). Vì vậy, theo khoản 4 Điều 281 BLDS, đây là căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự giữa C, D, E và A. Theo khoản 1 Điều 599 BLDS,
“Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó…”.
Vì vậy, C, D, E phải có nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho A. Do C, D, E đều có hành vi chiếm đoạt và sử dụng tài sản của A không có căn cứ pháp luật nên họ phải liên đới thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho A. Vì vậy, nghĩa vụ dân sự trong trường hợp này là nghĩa vụ dân sự liên đới.
Quan hệ nghĩa vụ dân sự liên đới này có: A là chủ thể có quyền và C, D, E là chủ thể có nghĩa vụ. Khách thể là những xử sự của các bên chủ thể, thông qua đó quyền yêu cầu cũng như nghĩa vụ của các chủ thể được thực hiện. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự trong trường hợp này là một khoản tiền.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Nội dung thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới của các chủ thể trong tình huống:
C, D, E phải liên đới thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho A khoản tiền là 15.000.000 đồng và theo thỏa thuận, mỗi người phải hoàn trả khoản tiền là 5.000.000 đồng. Khi D đã thực hiện được phần nghĩa vụ của mình (hoàn trả cho A khoản tiền 5.000.000 đồng) mà C và E vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thì quan hệ nghĩa vụ giữa D và A vẫn chưa chấm dứt. Sau đó, A – bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho C, một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại (D, E) vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ. Nghĩa vụ dân sự liên đới lúc này là nghĩa vụ do D và E cùng phải thực hiện (hoàn trả cho A tổng số tiền là 10.000.000 đồng) và A- bên có quyền, hoàn toàn có thể yêu cầu D, một trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ (hoàn trả tiếp cho A 5.000.000 đồng thay cho E). Sau khi D đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu E, người có nghĩa vụ liên đới phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình, tức là sau đó, D có quyền yêu cầu E hoàn lại số tiền 5.000.000 đồng mà D đã thay E trả cho A.
– Với tư cách là chủ thể có quyền, trong tình huống này, A đã thể hiện quyền của mình qua những nội dung sau: A có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ dân sự cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới với phần riêng của họ, có quyền yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
– Là các chủ thể có nghĩa vụ, C, D, E thực hiện nghĩa vụ qua nội dung thực hiện nghĩa vụ liên đới như sau: C, D, E phải liên đới thực hiện nghĩa vụ của mình đối với A. Khi A miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho C thì D và E vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại. Cụ thể D: không những phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình mà còn phải thực hiện thay cho E khi E không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Khi D đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với A thì sẽ phát sinh nghĩa vụ hoàn lại giữa D và E, trong đó, D có quyền yêu cầu E phải thanh toán phần nghĩa vụ D đã thực hiện thay cho E.