Theo quy định của BLDS thì quyền sở hữu là những quyền năng dân sự đối với tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản.
1. Khái quát về quyền sử dụng tài sản
Theo quy định của BLDS thì quyền sở hữu là những quyền năng dân sự đối với tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Trong đó, quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép.
Nguyên tắc chung là việc khai thác những giá trị sử dụng của tài sản nhằm để thỏa mãn những nhu cầu về sinh hoạt vật chất hoặc tinh thần cho bản thân mình. Thực hiện quyền sử dụng còn là dựa vào tính năng của vật mà con người khai thác lợi ích vật chất của chúng để thỏa mãn các nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh.
Điều 192 “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”.
Xét dưới góc độ kinh tế, quyền sử dụng đáp ứng lợi ích kinh tế cho người khai thác giá trị của tài sản.
Quyền khai thác công dụng của tài sản là việc khai thác lợi ích từ tài sản theo công dụng của tài sản (xe máy được dùng để đi, nhà dùng để ở…), hưởng hoa lợi từ tài sản là hưởng những sản vật tự nhiên do vật mang lại như hưởng hoa quả từ cây cối mang lại, hưởng trứng do gia cầm đẻ ra… hưởng lợi tức là hưởng lợi ích từ tài sản khi tài sản được đưa vào khai thác như hưởng tiền thuê nhà, tiền lãi từ số tiền gửi vào ngân hàng… Như vậy, việc sử dụng tài sản là một trong những quyền năng quan trọng và có ý nghĩa thực tế của chủ sở hữu.
2. Căn cứ pháp lý
Điều 192, Điều 193, Điều 194 “Bộ luật dân sự 2015”
Điều 192. Quyền sử dụng
“Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.”
Điều 193. Quyền sử dụng của chủ sở hữu
“Trong trường hợp chủ sở hữu thực hiện quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.”
Điều 194. Quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu
“1. Quyền sử dụng tài sản có thể được chuyển giao cho người khác thông qua hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Người không phải là chủ sở hữu có quyền sử dụng tài sản đúng tính năng, công dụng, đúng phương thức.
2. Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình cũng có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo quy định của pháp luật.”
3. Chủ thể và nội dung của quyền sử dụng tài sản
Quyền sử dụng tài sản có thể được chủ sở hữu trực tiếp thực hiện nhưng cũng có thể được thực hiện thông qua người khác.
Thứ nhất, đối với chủ sở hữu: Chủ sở hữu có toàn quyền trong việc sử dụng tài sản phù hợp với tính năng, công dụng của tài sản. Tuy nhiên, khi sử dụng tài sản thì chủ sở hữu không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Thứ hai, người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản thông qua hợp đồng với chủ sở hữu: Theo ý chí của chủ sở hữu, người không phải là chủ sở hữu cũng có thể sử dụng tài sản thông qua hợp đồng chuyển quyền sử dụng tài sản như hợp đồng thuê, hợp đồng mượn hoặc những trường hợp khác (bên giữ tài sản đảm bảo có quyền sử dụng tài sản đảm bảo nếu được bên đảm bảo đồng ý). Ngoài việc sử dụng tài sản theo ý chí của chủ sở hữu, người sử dụng tài sản phải tuân theo các quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng tài sản.
Thứ ba, người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật. Đây là những trường hợp mà pháp luật quy định cho phép một chủ thể nhất định có quyền sử dụng tài sản. Ví dụ: Khoản 1 Điều 68 “Bộ luật dân sự 2015” cho phép người giám hộ có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chỉ dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ.
Thứ tư, người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì cũng có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo quy định của pháp luật: Bản thân người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình không có lỗi đối với việc chiếm hữu, do đó họ có quyền sử dụng tài sản để hưởng hoa lợi, lợi tức hoặc khai thác công dụng trực tiếp từ tài sản mà mình chiếm hữu.
Trong một số trường hợp khác mà pháp luật quy định, cơ quan hoặc tổ chức cũng có quyền sử dụng tài sản trên cơ sở một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: Cơ quan, tổ chức sử dụng tài sản bị trưng dụng.