Với mục đích bảo vệ quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, bên cạnh những quy định của Hiến pháp và Luật Khiếu nại 2011, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo.
Quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân. Điều 74, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào…”. Ngoài ra quyền khiếu nại, tố cáo cũng được quy định tại Điều 6 và một số điều khoản khác của Luật Khiếu nại 2011.
Với mục đích bảo vệ quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, bên cạnh những quy định của Hiến pháp và Luật Khiếu nại 2011, Bộ luật Hình sự 1999 cũng có quy định về hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo bị coi là tội phạm và hình phạt cụ thể đối với loại tội phạm này.
Để giải đáp những thắc mắc của quý khách hàng về những vấn cơ bản liên quan đến tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân LUẬT DƯƠNG GIA cung cấp một số thông tin cơ bản như sau:
1. Cơ sở pháp lý.
– Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
– Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
2. Những vấn đề cơ bản về tội xâm phạm quyền tác giả.
a. Chủ thể.
Cũng giống như những tội phạm khác được quy định trong Bộ luật hình sự, chủ thể của tội xâm phạm quyền tác giả là cá nhân, có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Những chủ thể thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo – những chủ thể đặc biệt.
Những chủ thể thực hiện hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo có thể là người có chức vụ, quyền hạn. Họ cũng có thể là người bị khiếu nại tố cáo hoặc người có mối quan hệ thân thích với người bị khiếu nại, tố cáo.
b. Khách thể.
Khách thể của tội phạm này là chế độ quản lý nhà nước về bảo hộ quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đối tượng tác động của tội phạm là quyền khiếu nại, tố cáo và một số quyền, lợi ích chính đáng khác của công dân.
c. Mặt khách quan của tội phạm.
* Hành vi khách quan:
Người bị coi là thực hiện tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo phải thực hiện một trong số các hành vi sau:
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo. Tức là người có chức vụ, quyền hạn sử dụng quyền uy của mình để gây khó khăn (hăm dọa, mua chuộc…) cho quá trình xem xét, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo; quá trình xác minh, kết luận về nội dung khiếu nại, tố cáo hoặc việc ra quyết định của người giải quyết khiếu nại, tố cáo.
– Không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo. Tức là hành vi của người có trách nhiệm phải chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cố ý không thực hiện nhiệm vụ của mình gây ra hậu quả cho người khiếu nại, tố cáo.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Trả thù người khiếu nại, tố cáo. Khi người có chức vụ, quyền hạn, người bị tố cáo hoặc người thân của họ có hành vi xâm phạm quyêng và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, tố cáo vì họ đã khiếu nại, tố cáo.
* Hậu quả:
Đối với trường hợp thực hiện hành vi không chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc. Theo đó hành vi được thực hiện phải gây thiệt hại cho người được khiếu nại, tố cáo về mặt vật chất hoặc tinh thần, làm cho quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, tố cáo bị xâm hại một cách trái pháp luật.
d. Mặt chủ quan.
Yếu tố lỗi là yếu tố bắt buộc phải có khi một người thực hiện hành vi phạm tội. Đối với trường hợp thực hiện hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo là lỗi cố ý.
3. Hình phạt đối với người có hành vi phạm tội.
* Điều 132 quy định hình phạt đối với người thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; hành vi không chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo là:
– Phạt cảnh cáo;
– Hoặc cải tạo không giam giữ đến một năm;
– Hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
* Hình phạt đối với hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo là:
– Cải tạo không giam giữ đến ba năm;
– Hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
4. Cơ quan có thẩm quyền.
Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tuyên bố một người có thực hiện hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Điều 132, Bộ luật Hình sự. Đồng thời cũng là cơ quan duy nhất có thẩm quyền áp dụng hình phạt với những đối tượng thực hiện tội phạm này.