Huyện Châu Thành là một huyện ngoại thành bao quanh Thành phố Bến Tre và Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Thời gian qua, Châu Thành đã thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Để tìm hiểu thêm về huyện Châu Thành , mời bạn đọc theo dõi bài viết Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Châu Thành (Bến Tre).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Châu Thành (Bến Tre):
Đây là bản đồ hành chính cũ huyện Châu Thành. Cụ thể, ngày 24 tháng 10 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1237/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2024). Theo đó:
- Sáp nhập xã Phú An Hòa và xã An Hóa vào xã An Phước.
- Sáp nhập xã Sơn Hòa và xã An Hiệp vào xã Tường Đa.
- Sáp nhập xã An Khánh vào thị trấn Châu Thành.
2. Danh sách xã phường thuộc huyện Châu Thành (Bến Tre):
Huyện Châu Thành có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn và 14 xã. Danh sách cụ thể được liệt kê tại bảng dưới đây:
STT | Danh sách thị trấn, xã thuộc huyện Châu Thành (Bến Tre) |
1 | Thị trấn Châu Thành (huyện lị) |
2 | Thị trấn Tiên Thủy |
3 | Xã An Phước |
4 | Xã Giao Long |
5 | Xã Hữu Định |
6 | Xã Phú Đức |
7 | Xã Phú Túc |
8 | Xã Phước Thạnh |
9 | Xã Quới Sơn |
10 | Xã Quới Thành |
11 | Xã Tam Phước |
12 | Xã Tân Phú |
13 | Xã Tân Thạch |
14 | Xã Thành Triệu |
15 | Xã Tiên Long |
16 | Xã Tường Đa |
3. Giới thiệu huyện Châu Thành:
3.1. Vị trí địa lý:
Huyện Châu Thành là một huyện ngoại thành nằm ở phía Bắc của tỉnh Bến Tre, bao quanh Thành phố Bến Tre và Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Huyện Châu Thành có vị trí địa lý như sau:
- Phía Đông giáp huyện Bình Đại.
- Phía Đông Nam giáp thành phố Bến Tre.
- Phía Tây và Nam giáp sông Hàm Luông ngăn cách với huyện Chợ Lách và huyện Mỏ Cày Bắc.
- Phía Bắc giáp sông Tiền ngăn cách với thành phố Mỹ Tho và các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
3.2. Lịch sử hình thành:
Quận Châu Thành ngày xưa bao gồm 2 phần đất nằm trên hai cù lao khác nhau (Cù lao Bảo và Cù lao An Hóa), ngăn cách bởi sông Ba Lai. Trong lịch sử phát triển, hai vùng đất này từng thuộc những đơn vị hành chính khác nhau. Năm 1867, sau khi chiếm xong Nam Kỳ, Pháp chia Lục tỉnh thành 25 sở tham biện (inspection). Cù lao Bảo nằm trong sở tham biện Bến Tre, còn cù lao An Hóa nằm trong sở tham biện Kiến Hòa.
Năm 1929, tỉnh Bến Tre được chia làm 4 quận: Châu Thành, Ba Trị nằm trên cù lao Bảo; Mỏ Cày, Thạnh Phú nằm trên cù lao Minh. Quận Châu Thành lúc này bao gồm phần đất phía Nam sông Ba Lai của huyện Châu Thành, thành phố Bến Tre và một phần của huyện Giồng Trôm ngày nay. Còn cù lao An Hóa thuộc về tỉnh Mỹ Tho. Năm 1930, phần đất phía đầu cù lao Bảo nằm giữa sông Ba Lai và sông Hàm Luông được cắt ra, lập thành quận Sóc Sãi gồm 5 tổng, 27 làng. Về phía cách mạng, sau Đồng Khởi (1-1960), tỉnh ủy Bến Tre ra quyết định nhập hai huyện Sóc Sãi và Châu Thành thành huyện Châu Thành (mới). Đến tháng 7 năm 1972, tỉnh ủy lại có quyết định chia đôi huyện Châu Thành (mới) thành 2 huyện Châu Thành Đông và Châu Thành Tây.
Sau năm 1975, hai huyện Châu Thành Đông và Châu Thành Tây nhập lại thành huyện Châu Thành, bao gồm 24 xã: An Hiệp, An Hóa, An Khánh, An Phước, Giao Hòa, Giao Long, Hữu Định, Mỹ Thành, Phú An Hòa, Phú Đức, Phú Hưng, Phú Túc, Phước Thạnh, Quới Sơn, Quới Thành, Sơn Đông, Sơn Hòa, Tam Phước, Tân Phú, Tân Thạch, Thành Triệu, Tiên Long, Tiên Thủy và Tường Đa.
Ngày 15 tháng 3 năm 1984, xã Phú Hưng được sáp nhập vào thị xã Bến Tre. Ngày 14 tháng 4 năm 1985, xã Sơn Đông được sáp nhập vào thị xã Bến Tre. Huyện Châu Thành bao gồm 22 xã: Phú An Hòa, Tiên Long, Tiên Thủy, Tân Phú, Quới Thành, An Hiệp, Thành Triệu, Phú Túc, Tường Đa, Sơn Hòa, Phú Đức, Mỹ Thành, Tam Phước, An Khánh, Tân Thạch, Hữu Định, Phước Thạnh, Quới Sơn, An Phước, Giao Long, Giao Hòa và An Hóa. Ngày 8 tháng 12 năm 1995, tách đất xã Phú An Hòa thành lập thị trấn Châu Thành. Ngày 5 tháng 4 năm 2013, xã Mỹ Thành được sáp nhập vào thành phố Bến Tre (nay xã Mỹ Thành đã sáp nhập vào xã Bình Phú thuộc thành phố Bến Tre). Ngày 1 tháng 2 năm 2020, sáp nhập xã Giao Hòa vào xã Giao Long. Ngày 10 tháng 4 năm 2023, chuyển xã Tiên Thủy thành thị trấn Tiên Thủy. Huyện Châu Thành có 2 thị trấn và 19 xã.
3.3. Định hướng phát triển kinh tế huyện Châu Thành:
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trên tất cả các lĩnh vực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ các giải pháp, phát huy mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả nhiệm vụ đột phá: Xây dựng huyện Châu Thành đạt chuẩn Huyện nông thôn mới trước năm 2025.
Thời gian qua, Châu Thành đã thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần tăng thu ngân sách. Với 02 khu công nghiệp là An Hiệp, Giao Long và 01 cụm công nghiệp Long Phước tạo sự phát triển nhanh về kinh tế – xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tiếp tục ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực “công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp”, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng tăng nhanh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tại Châu Thành có bước phát triển nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi. Huyện đã đã tiến hành đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp gần 300km quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn, hoàn thành 102 cây cầu bê tông cốt thép lớn nhỏ. Hệ thống cống thủy lợi và đê bao trên các nhánh sông lớn đang được huyện đầu tư khép kín. Bên cạnh đó, các công trình cấp điện, cấp nước, hạ tầng thương mại, đô thị, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục được chú trọng đầu tư… Châu Thành đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Xác định thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp, huyện Châu Thành đã xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực, từng bước hình thành vùng trồng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản như: dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm…. với sản lượng trái cây các loại hàng năm từ 80.000 – 90.000 tấn. Huyện đã xây dựng mã vùng trồng, gắn kết công ty, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đầu ra cho người dân. Huyện cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, gắn với nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt chính sách thu hút ưu đãi đầu tư của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, quyết liệt trong giải phóng mặt bằng giao đất cho nhà đầu tư. Hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhanh, gọn cho nhà đầu tư. Phát triển công nghiệp chế biến những sản phẩm có nhiều lợi thế, mũi nhọn, ưu tiên có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. Châu Thành đã và đang tập trung rà soát, xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể theo đề án xây dựng vùng cây ăn trái đặc sản của huyện. Huyện cũng tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của huyện, thông qua đó khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, chất lượng cao, từng bước hình thành doanh nghiệp nông nghiệp giữ vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn.
Với sự quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có 18/19 xã được công nhận NTM (còn lại xã Giao Long dự kiến được công nhận vào cuối tháng 12/2024), Thị trấn Châu Thành được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh (11/2024), thị trấn Tiên Thuỷ cơ bản đạt các tiêu chí, đang hoàn chỉnh hồ sơ công nhận.
THAM KHẢO THÊM: