Cho mượn tài sản là hoạt động diễn ra thường xuyên, phổ biến trong giao dịch dân sự. Vậy cho mượn tài sản là gì? Mượn tài sản có phải ký kết hợp đồng không? Theo quy định pháp luật thì việc cho mượn có phải xuất hóa đơn không?
Mục lục bài viết
1. Cho mượn tài sản là gì?
Cho mượn tài sản là việc chủ sở hữu tài sản (người có quyền chiếm hữu tài sản hợp pháp), giao tài sản cho bên mượn tài sản sử dụng trong thời hạn nhất định do các bên thoả thuận mà không phải trả tiền cho việc sử dụng tài sản đó, và bên mượn phải trả lại tài sản khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; ngoài ra nó còn bao gồm bất động sản và động sản.
– Bất động sản là đất đai, các tài sản gắn liền với đất mà không thể dịch chuyển trong không gian, bao gồm:
+ Đất đai;
+ Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
+ Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
– Động sản là tài sản có thể di dời hoặc dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác trong không gian mà vẫn giữ nguyên tính năng và công dụng.
Như vậy, có thể hiểu cho mượn tài sản là việc chủ sở hữu tài sản trao quyền sử dụng tài sản đó cho cá nhân, tổ chức khác trong một thời gian nhất định mà không phải trả tiền cho việc sử dụng tài sản. Thỏa thuận giữa hai bên về việc cho mượn, thường sẽ đặt ra các vấn đề về thời gian mượn, cách thức trả lại tài sản, trách nhiệm bảo quản và bảo vệ tài sản, và các điều kiện khác để đảm bảo rằng cả người cho mượn và người mượn đều được đảm bảo quyền lợi của họ.
2. Cho mượn có phải xuất hóa đơn không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thì việc xuất hóa đơn được thực hiện trong các giao dịch sau:
– Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu;
– Hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất);
– Cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa;
Việc xuất hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật, (trong trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định).
Như vậy, cho mượn tài sản phải xuất hóa đơn nếu hoạt động kinh doanh của người cho mượn tài sản cần phải báo cáo, kê khai chi tiêu với cơ quan thuế. Đối với việc cho mượn tài sản không liên quan đến hoạt động kinh doanh của người cho mượn tài sản, thì không nhất thiết phải xuất hóa đơn.
Cá nhân, tổ chức khi cho mượn tài sản có thể ký kết hợp đồng cho mượn tài sản để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của hai, đồng thời là căn cứ chứng minh quan hệ vay mượn giữa hai bên khi phát sinh tranh chấp. Đối với hợp đồng mượn tài sản, pháp luật không quy định phải công chứng, chứng thực; tuy nhiên để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng thì hai bên có thể công chứng, chứng thực hợp đồng mượn tài sản.
3. Mẫu hợp đồng cho mượn tài sản:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–o0o——–
HỢP ĐỒNG MƯỢN TÀI SẢN
…, ngày … tháng … năm 20…
Căn cứ Bộ Luật dân sự số
Căn cứ …
Căn cứ nhu cầu và khả năng thực tế của các bên trong hợp đồng;
Hôm nay, ngày … tháng … năm 20…,
Tại (địa điểm): ……
Chúng tôi gồm có:
– Bên A (Bên cho mượn):
Họ tên: ….. Sinh năm: …Tại: ….
CMND số: …..Cấp ngày:…Tại: ….
Cư trú tại:….
– Bên B (Bên mượn):
Họ tên: …. Sinh năm: …Tại: …..
CMND số: ….. Cấp ngày:…Tại: ….
Cư trú tại:…..
Hai bên thống nhất lập bản hợp đồng cho mượn như sau:
Điều 1: Đối tượng của hợp đồng.
Bên A đồng ý cho bên B mượn tài sản…… với tình trạng sử dụng như sau (có thể mô tả đặc điểm tài sản, còn sử dụng bao nhiêu %, nếu là nhà thì có mấy phòng, diện tích sử dụng chính, phụ, diện tích đất…)
Điều 2: Thời hạn của hợp đồng.
Bên A đồng ý cho bên B mượn tài sản với tình trạng như trên, trong thời gian là … (ngày, tháng, năm cụ thể), được tính từ ngày …đến ngày ….)
Khi cần trong thời hạn hợp đồng, bên A có thể lấy lại tài sản sau khi đã thông báo cho bên A trước … ngày hoặc khi xảy ra tình trạng vi phạm hợp đồng như: …….
Bên B có thể hoàn trả lại tài sản bất cứ lúc nào khi không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đạt yêu cầu của mình.
Điều 3: Quyền và nghĩa vụ của bên cho mượn (Bên A).
– Quyền của bên cho mượn tài sản
+ Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.
+ Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.
+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.
– Nghĩa vụ của bên cho mượn tài sản
+ Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có.
+ Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thỏa thuận.
+ Bồi thường thiệt hại cho bên mượn nếu biết tài sản có khuyết tật mà không báo cho bên mượn biết dẫn đến gây thiệt hại cho bên mượn, trừ những khuyết tật mà bên mượn biết hoặc phải biết.
Điều 4: Quyền và nghĩa vụ của bên mượn tài sản (Bên B).
– Quyền của bên mượn tài sản:
+ Được sử dụng tài sản mượn theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.
– Nghĩa vụ của bên mượn tài sản
+ Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
+ Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
+ Giao trả lại tài sản mượn nguyên trạng thái sử dụng đúng thời hạn trong hợp đồng hai bên có thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
+ Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
Điều 5. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Trách nhiệm của bên A không được từ chối các nghĩa vụ đã cam kết khi đã cho mượn tài sản.
Bên B vi phạm nghĩa vụ thì ………(xử lý như thế nào, trường hợp để mất mát, hư hỏng tài sản thì phải chịu trách nhiệm gì?)
Bồi thường thiệt hại: Bên vi phạm nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho bên bị vi phạm (nếu có).
Điều 6. Chi phí khác.
Chi phí liên quan đến việc vận chuyển, bảo vệ tài sản mượn, … do bên … chịu trách nhiệm thực hiện thanh toán theo đúng quy định của pháp luật (Bên A và bên B thỏa thuận và ghi cụ thể vào hợp đồng này).
Điều 7. Phương thức giải quyết tranh chấp.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có vấn đề phát sinh cần giải quyết, thì bên A và bên B tiến hành thỏa thuận và thống nhất giải quyết kịp thời, hợp tình và hợp lý. Trường hợp bên A và bên B không thỏa thuận được thì một trong các bên có quyền khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Cam đoan của các bên.
1. Bên A cam đoan:
Thông tin về nhân thân, tài sản mượn ghi trong hợp đồng này là đúng sự thật;
Tài sản mượn thuộc trường hợp được cho mượn theo quy định của pháp luật;
Tại thời điểm giao kết hợp đồng này: Tài sản mượn không có tranh chấp; Tài sản mượn không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc;
Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận ghi trong hợp đồng này.
2. Bên B cam đoan:
Những thông tin về nhân thân ghi trong hợp đồng này là đúng sự thật;
Đã xem xét kỹ, biết rõ về tài sản mượn tại Điều 1 của hợp đồng này và các giấy tờ về quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản mượn (nếu có);
Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc;
Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng này.
Điều 9. Hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày … đến ngày …
Hợp đồng này được lập thành … bản, có giá trị như nhau, mỗi bên giữ … bản.
Gửi người làm chứng hoặc cơ quan chính quyền cấp … bản (nếu cần).
BÊN B (Ký và ghi rõ họ tên) | BÊN A (Ký và ghi rõ họ tên) |
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật dân sự 2015;
– Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ.